Trung Quốc sợ chiến tranh dù lên giọng khoa trương

VietTimes -- Tất cả sẽ hứng chịu tổn thất nếu như tiếp cận thương mại bị cắt đứt mà Trung Quốc là nước thiệt hại nặng hơn cả.  Đây cũng là nguyên do tại sao Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý bằng cách sử dụng các chiến thuật, cố gắng tránh xung đột vũ trang hay gây đổ vỡ thị trường.
Tiêm kích Su-27 của quân đội Trung Quốc
Tiêm kích Su-27 của quân đội Trung Quốc

Đó là nhận định trên The Cipher Brief của TS Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy (Úc). Theo Graham, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết phát triển đất nước này thành môt cường quốc biển và bảo vệ chủ quyền của nước này. Đây có thể là lý giải mục tiêu dài hạn của Trung Quốc ở Biển Đông là thiết lập sự thống trị chiến lược.

Tham vọng trên có thể bành trướng trong tổng thể cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” bao gồm eo biển Đài Loan cũng như biển Hoa Đông, nơi căng thẳng tranh chấp với Nhật Bản cũng đang kìm nén và thỉnh thoảng lại bùng lên.

Tuy nhiên theo TS Graham, mục tiêu khống chế Biển Đông vẫn là ưu tiên chiến lược hàng đầu như vùng biển rộng và sâu nhất trong các khu vực “biển gần” của Trung Quốc. Đây là vùng biển quan trọng nhất về mặt chiến lược đối với hải quân Trung Quốc, là nơi trú ẩn cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân hoạt động tương đối an toàn và là một vùng đệm chống lại hải quân Mỹ và các cường quốc khác. Mục tiêu phòng ngự chủ yếu trên là thứ được giới quân sự Mỹ gọi là một chiến lược chống tiếp cận.

Nhưng Biển Đông cũng hình thành một trung tâm chiến lược để từ đó lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc vươn sức mạnh tới cả khu vực tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đó là lý do tại sao căn cứ hải quân quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc lại đóng ở Hải Nam hướng ra Biển Đông và hạm đội Nam Hải của nước này được trang bị các loại chiến hạm, tàu ngầm và máy bay mới và mạnh nhất.

Biển Đông có tầm quan trọng kinh tế trực tiếp đối với Trung Quốc với vai trò một quốc gia ven biển do ngành ngư nghiệp và các nguồn tài nguyên dưới biển. Các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc và lực lượng ngư dân đang được khuyến khích hoạt động mạnh hơn, tăng cường sự hiện diện của nước này trên khắp Biển Đông, bất chấp tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, đó không phải hoạt động truyền thống. Đó là sự cạnh tranh ồ ạt, không được tôn trọng, thiếu tính hợp pháp trong yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo và vùng nước xung quanh.

Biển Đông cực kỳ quan trọng với tất cả các nước giao thương lớn, bao gồm cả Trung Quốc, như một hải lộ toàn cầu quan trọng đối với các tàu chở hàng. Tất cả sẽ phải hứng chịu tổn thất nếu như tiếp cận thương mại bị cắt đứt mà Trung Quốc là nước thiệt hại nặng hơn cả.  Đây cũng là một nguyên do tại sao Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý của mình bằng cách sử dụng các chiến thuật, cố gắng tránh những xung đột vũ trang hay gây đổ vỡ thị trường.

Trung Quốc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, xây dựng các đường băng quân sự và các cơ sở dành cho mục đích quân sự. Rất dễ tổn thương trong một cuộc chiến với Mỹ, những hòn đảo nhân tạo này vẫn có thể được sử dụng một cách hiệu quả để hăm dọa và bắt nạt các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền, thử thách quyết tâm và mong muốn tranh chấp quyền thống trị của Trung Quốc. Các cấu trúc nhân tạo trên bổ sung thêm sự hiện diện cụ thể cho cái gọi là “đường chín đoạn” ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Các đảo nhân tạo cũng chuyển một thông điệp mạnh mẽ tới tất cả những bên khác, bao gồm cả Philippines là đương đơn vụ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, TS Graham nhận định.

Nếu Biển Đông xảy ra xung đột vũ trang, Trung Quốc sẽ là nước chịu thiệt hại nặng nhất do phu thuộc nặng nề vào giao thương đường biển
Nếu Biển Đông xảy ra xung đột vũ trang, Trung Quốc sẽ là nước chịu thiệt hại nặng nhất do phu thuộc nặng nề vào giao thương đường biển

Theo Graham, chính sách “ngoại giao nụ cười” của Trung Quốc đối với Đông Nam Á trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này đã được thay thế bằng sự đe nẹt. Trong khi ông Tập phát biểu tại Washington rằng Trung Quốc không có ý định  quân sự hóa các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, thực tế lại khác hẳn. Từ đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa tới Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có khả năng tiềm tàng bành trướng hoạt động không quân trên khắp Biển Đông.

Sự chú ý hiện nay tập trung vào một đỉnh của tam giác chiến lược này là bãi cạn Scarborough, cách Philippines 120 hải lý do Trung Quốc đoạt được từ tay Manila năm 2012. Xây dựng quy mô lớn và một đường băng ở đây sẽ mở rộng tầm hoạt động rất nhiều cho không quân Trung Quốc, bao trùm tới đảo Luzon và vịnh Subic, nơi các máy bay Mỹ hoạt động với tần suất chưa từng thấy kể từ khi nước này rời khỏi Philippines 25 năm trước. Đó là lý do tại sao Lầu Năm góc và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ hiện tập trung vào việc ngăn chặn và đáp trả Trung Quốc nếu cần thiết