Trung Quốc siết quy định cho vay trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc sẽ phải góp tối thiểu 30% vào mỗi khoản cho vay liên kết với ngân hàng thương mại, bắt đầu từ năm 2022.
Trung Quốc siết quy định cho vay trực tuyến (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Trung Quốc siết quy định cho vay trực tuyến (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Mới đây, Uỷ ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã công bố những quy định mới, thắt chặt hoạt động cho vay trực tuyến liên kết giữa các công ty fintech và ngân hàng thương mại.

Cụ thể, bắt đầu từ năm 2022, các nền tảng cho vay qua internet tại Trung Quốc (như Ant Group và WeBank) sẽ phải tài trợ ít nhất 30% cho mỗi khoản vay mà họ liên kết cùng các đối tác cho vay thương mại, bao gồm các ngân hàng, công ty tín thác và công ty tài chính. Bên cạnh đó, giới hạn về số tiền cho vay liên kết cũng được đặt ra.

Đây là hành động của chính quyền nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ổn định trong tiêu dùng tại Trung Quốc và ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính.

“Các quy định mới có thể ngăn các ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức cho vay trực tuyến để đánh giá tín dụng và quá tập trung vào một vài đối tác fintech. Quy định cũng lấp đầy các lỗ hổng pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của ngân hàng địa phương thông qua hình thức cho vay trực tuyến”, theo Judy Zhang, nhà phân tích của Citigroup.

Rủi ro vỡ nợ

Các công ty công nghệ tài chính lớn là người tiên phong khởi xướng các khoản vay không bảo đảm cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bằng cách liên kết với đối tác cho vay thương mại.

Hiện tại, các nền tảng cho vay trực tuyến chỉ phải bỏ ra từ 2-4% cho mỗi mỗi khoản cho vay, trong khi đối tác của họ phải chịu hầu hết rủi ro tín dụng.

Chẳng hạn, Ant Group, chủ sở hữu của Alipay, với dữ liệu hơn một tỉ người dùng ở Trung Quốc, đã hợp tác được với khoảng 100 công ty cho vay thương mại để cho hàng trăm triệu cá nhân vay tiền trên nền tảng cho vay tiêu dùng Huabei và Jiebei.

Các nên tảng này giúp đối tác cho vay đánh giá rủi ro và cấp tín dụng cho nhiều thanh niên vay tiêu dùng ở Trung Quốc, những người không đủ điều kiện nhận thẻ tín dụng do ngân hàng cấp. Thực tế, Ant Group thu về lợi nhuận lớn từ tỷ lệ chia lãi suất cho vay nhưng phần lớn rủi ro lại chuyển về phía đối tác.

Vào cuối tháng 6/2020, Ant có dư nợ cho vay tiêu dùng tương đương 267 tỉ USD, chiếm gần một phần năm tổng số nợ hộ gia đình ngắn hạn của quốc gia. Song, Ant Group chỉ thực tài trợ 2% trong số các khoản vay đó.

Chính vì điều này, các nhà quản lý lo ngại về rủi ro vỡ nợ cao. Ant phải chịu sự giám sát pháp lý chặt chẽ kể từ khi đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty bị hủy vào đầu tháng 11/2020.

Ant đã bắt đầu giảm số lượng các khoản vay và đã cắt hạn mức tín dụng đối với một số người đi vay. Tập đoàn này cũng đang có kế hoạch điều chỉnh để trở thành một công ty cấp vốn và tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn.

Nguồn tham khảo:

https://www.scmp.com/business/banking-finance/article/3122637/china-tighten-online-lending-rules-2022-additional

https://www.wsj.com/articles/chinas-online-lending-curbs-to-hit-big-tech-firms-and-regional-banks-11613992441?mod=hp_lista_pos1