P2P Lending Trung Quốc tìm cách chuyển hướng sang Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Sự chuyển dịch diễn ra trong bối cảnh hoạt động P2P Lending đang bị siết chặt tại Trung Quốc, còn Việt Nam lại đang là một thị trường giàu tiềm năng của cho vay tiêu dùng, cơ sở pháp lý cho loại hình này chưa hoàn thiện.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trong dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”, Bộ Kế hoạch đầu tư (Bộ KHĐT) cho biết hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) ở Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài. Thậm chí, các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Trong đó, lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, nhưng các công ty P2P lending có sự tăng trưởng mạnh về số lượng công ty tham gia thị trường, số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và số phí dịch vụ thu được.

Trích dẫn số liệu của NHNN, Bộ KHĐT cho hay số lượng công ty P2P Lending hiện nay vào khoảng 100 công ty, bao gồm cả các công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm như: Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan.

Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia.

Theo Bộ KHĐT, nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần kinh tế chia sẻ (KTCS) trong nước.

Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm … vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần.

Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending (Trung Quốc, Singapore, Indonesia...) thì các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty P2P Lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

P2P lending là mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn.

Nền tảng P2P giúp người có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần thông qua một tổ chức trung gian truyền thống như tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của Adroit Market Research, quy mô hoạt động P2P lending toàn cầu năm 2017 đạt 231,1 tỷ USD.

Còn theo báo cáo BIS Quarter Review 2018 của Ngân hàng thanh toán quốc tế, thị trường P2P lending lớn nhất hiện nay là Trung Quốc (năm 2015 là 99,7 tỷ USD, 2016 là 240,9 tỷ USD), tiếp theo là Mỹ (năm 2015 là 34,3 tỷ USD, năm 2016 là 32,4 tỷ USD) và Anh (năm 2015 là 4,1 tỷ USD, năm 2016 là 6 tỷ USD)./.