“Trung Quốc sẽ thôn tính cả nước Nga một ngày nào đó”

Giờ đây, Trung Quốc đã trở thành cường quốc, còn ở phía Nga, không đâu trên lãnh thổ quốc gia, quyền lực của chính quyền lại yếu như ở một phần ba lãnh thổ nằm ở phía đông. Ở ngay bên kia biên giới của chưa đến 7 triệu người Nga vùng Viễn Đông là hơn 100 triệu dân của ba tỉnh tiếp giáp của Trung Quốc...
Trung Quốc gần đây không che giấu tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu của mình
Trung Quốc gần đây không che giấu tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu của mình

Năm 1904, nhà địa lý người Anh, Sir Halford Mackinder đã kết thúc bài viết nổi tiếng “The Geographical Pivot of History” (Trục địa lý của lịch sử) của mình bằng một liên hệ đáng ngại về trường hợp Trung Quốc. Sau khi giải thích tại sao lục địa Á-Âu chính là trục địa chiến lược của quyền lực thế giới, ông đã cho rằng Trung Quốc, một khi mở rộng sức mạnh của mình vượt ra ngoài biên giới, “có thể tạo thành mối hiểm họa cho tự do của thế giới, đơn giản vì Trung Quốc sẽ có thêm một vùng đại dương bổ sung cho nguồn tài nguyên của lục địa rộng lớn, một lợi thế mà nước Nga không may mắn có được trong khu vực trụ cột này.”

Mackinder đã nêu ra một lập luận hợp lý: Trong khi nước Nga, một người khổng lồ khác trên lục địa Á-Âu, xét về cơ bản đã và vẫn đang là một cường quốc trên đất liền với một mặt giáp đại dương bị băng đá Bắc Cực rào chặn, thì Trung Quốc với đường bờ biển ôn đới 9,000 dặm, nhiều cảng biển tự nhiên thuận lợi, lại là một cường quốc lục địa lẫn hải dương. (Trong tác phẩm của mình, Mackinder đã lo ngại Trung Quốc một ngày nào đó sẽ thôn tính cả nước Nga).

Tầm với của Trung Quốc trải dài từ vùng Trung Á giàu khoáng sản và khí đốt đến những tuyến đường hàng hải trên Thái Bình Dương. Sau này, trong cuốn “Democratic Ideals and Reality” (Các lý tưởng và thực tế dân chủ), Mackinder đã dự đoán cùng với Mỹ và Anh, Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn dắt thế giới bằng việc “xây dựng một nền văn minh mới cho một phần tư nhân loại, không thực sự phương Đông, cũng không giống phương Tây”.

Vị trí đắc địa của Trung Quốc là một lợi thế rõ ràng và hiển nhiên đến nỗi nó thường bị bỏ qua trong những thảo luận về sự bùng nổ kinh tế hay cách hành xử quyết liệt của quốc gia này. Nhưng yếu tố này thực sự rất quan trọng: nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ luôn án ngữ ở vị trí trục trung tâm địa chính trị ngay cả khi con đường tiến lên vị thế cường quốc toàn cầu của nước này không hoàn toàn suôn sẻ. (chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn đều đặn ở mức hơn 10% mỗi năm trong suốt hơn 30 năm qua, nhưng mức tăng này chắc chắn khó có thể duy trì thêm trong 30 năm nữa.) Trung Quốc là sự pha trộn giữa tính hiện đại hết mực mang phong cách phương Tây với một “nền văn minh thủy lợi”, gợi cho ta nhớ đến phương Đông cổ xưa, thời chế độ cai trị nhờ có trong tay quyền lực tập trung có thể tuyển mộ hàng vạn dân phu xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Chính điều này đã tạo cho Trung Quốc khả năng tăng trưởng không ngừng nghỉ mà tất cả các nền dân chủ, với bản tính hay trì hoãn trong các quyết định, đều không thể làm được. Khi các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc, những người kế tục di sản của 25 vương triều trong 4.000 năm lịch sử, tiếp thu công nghệ và thực tiễn phương Tây, họ đã đưa chúng vào một hệ thống văn hóa tinh vi và quy củ, vốn từng có nhiều kinh nghiệm độc đáo khác nhau, trong đó có việc thiết lập các mối quan hệ mẫu quốc-chư hầu với các quốc gia khác. Như lời của một quan chức Singapore từng nói với tác giả: “Người Trung Quốc quyến rũ anh khi họ muốn, bóp nghẹt anh khi họ cần, và họ làm vậy một cách có hệ thống”.

Chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông
Chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông
Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa tên lửa trong một cuộc tập trận gần đây
Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa tên lửa trong một cuộc tập trận gần đây
Lính dù Trung Quốc tập luyện sẵn sàng chiến đấu
Lính dù Trung Quốc tập luyện sẵn sàng chiến đấu

Động lực trong nước của Trung Quốc làm nảy sinh những tham vọng với thế giới bên ngoài. Các đế quốc hiếm khi xuất hiện theo dự tính chủ quan mà thường từng bước phát triển một cách tự nhiên. Khi một quốc gia lớn mạnh, họ sẽ nảy sinh những nhu cầu và nghe có vẻ phi lý là cả những nỗi sợ hãi mới, những thứ sẽ khiến họ buộc phải bành trướng dưới nhiều hình thức. Ví dụ như nước Mỹ, ngay cả khi chịu sự lãnh đạo của những vị tổng thống kém cỏi nhất như Rutherford Hayes, James Garfield, Chester Arthur, Benjamin Harrison, thì nền kinh tế nước này những năm cuối thế kỷ XIX vẫn âm thầm tăng trưởng đều đặn.

Khi có quan hệ thương mại ngày càng gắn kết với thế giới bên ngoài, Mỹ dần phát triển những lợi ích kinh tế và chiến lược phức tạp ở những vùng đất xa xôi. Và không ít lần, những lợi ích tại các khu vực như Nam Mỹ hay Thái Bình Dương đã trở thành cái cớ để triển khai các hành động quân sự. Trong giai đoạn này, Mỹ cũng bắt đầu tập trung ra thế giới bên ngoài khi các vấn đề trong nước đã được củng cố; trận đánh lớn cuối cùng trong các cuộc Chiến tranh với người da đỏ thực tế đã diễn ra năm 1890.

Trung Quốc ngày nay cũng đang củng cố các đường biên giới trên đất liền và bắt đầu chuyển hướng ra bên ngoài. Những tham vọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc quyết liệt không kém của Mỹ hơn một thế kỷ trước, nhưng lại có mục tiêu hoàn toàn khác. Trung Quốc không mang trên vai sứ mệnh truyền bá giá trị nào khi đến với thế giới, không tìm cách phổ cập bất kỳ hệ tư tưởng hay chế độ chính quyền nào. Thúc đẩy giá trị đạo đức trong các vấn đề quốc tế là mục tiêu của người Mỹ, không phải của Trung Quốc. Bánh lái cho những hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài chính là nhu cầu quốc gia về năng lượng, quặng kim loại, và những khoảng sản chiến lược giúp đảm bảo mức sống đang ngày một cao của một số dân khổng lồ, chiếm khoảng một phần năm tổng dân số toàn cầu của nước này.

Để hoàn thành trọng trách này, Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ có lợi với các láng giềng xung quanh cũng như những vùng đất xa xôi, giàu tài nguyên cần thiết để tiếp năng lượng cho sức phát triển trong nước. Do luôn đặt lợi ích quốc gia cốt lõi – ở đây là sự tồn tại của nền kinh tế – làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động ở nước ngoài, Trung Quốc có thể được coi là một cường quốc thực dụng cực đoan. Người Trung Quốc tìm mọi cách tăng cường hiện diện trên khắp các khu vực tại Châu Phi – những nơi được thiên nhiên ban tặng nguồn dầu mỏ và khoáng sản trù phú; luôn muốn đảm bảo quyền tiếp cận các bến cảng trên khắp Ấn Độ Dương và Biển Đông – những vùng biển kết nối thế giới Ả rập giàu khí đốt với bờ biển Trung Quốc.

Chiến lược chuỗi ngọc trai đầy tham vọng của Trung Quốc
Chiến lược chuỗi ngọc trai đầy tham vọng của Trung Quốc

Không quá kén chọn, Bắc Kinh cũng chẳng quan tâm đến chế độ mình đang tham gia hợp tác thuộc loại nào. Điều nước này cần là tính ổn định, không phải đạo đức như tiêu chuẩn của phương Tây. Điều này đã khiến Trung Quốc, trong cuộc săn lùng tài nguyên trên toàn thế giới, vấp phải xung đột với nước Mỹ vốn có xu hướng truyền bá giá trị, cũng như với những quốc gia có vùng ảnh hưởng bị Trung Quốc vô tình đụng chạm như Ấn Độ và Nga.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải là mối nguy hiểm cho sự sống còn của các quốc gia này. Khả năng bùng nổ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn xa vời, và Trung Quốc chưa thể là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Mỹ. Không kể đến những vấn đề như nợ, thương mại hay khí hậu ấm lên toàn cầu…, thách thức Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ chủ yếu là về mặt địa lý. Vùng ảnh hưởng của Trung Quốc đang dần mở rộng ở lục địa Á – Âu và châu Phi, dù không mang tính chất đế quốc thời thế kỷ XIX nhưng lại theo cách tinh vi hơn, phù hợp hơn với thời đại toàn cầu hóa.

Đơn giản chỉ bằng cách bảo đảm nhu cầu kinh tế trong nước, Trung Quốc đang dần xoay chuyển cân bằng quyền lực trên Đông bán cầu, và điều này hẳn phải khiến Mỹ hết sức quan ngại. Sẵn có vị trí thuận lợi, Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng cả trên đất liền và trên biển, từ vùng Trung Á đến Biển Đông, từ vùng Viễn đông Nga xuống Ấn Độ Dương. Trung Quốc là một cường quốc lục địa đang vươn dậy, và, như câu nói nổi tiếng của Napoleon, các chính sách của các quốc gia như vậy bắt nguồn từ chính những đặc điểm địa lý của chúng.

“Miếng mồi” Siberia và Mông Cổ

Ngay cả khi đã củng cố vùng biên cương, hình dáng của Trung Quốc vẫn mang nét chưa được hoàn thiện và dễ bị tổn thương, như thể ai đó đã cắt xén vài phần lãnh thổ của Đại Trung Hoa xưa kia. Đường biên giới phía bắc của Trung Quốc bao quanh Mông Cổ, một vùng đất đai khổng lồ như từng bị xé ra khỏi cái lưng của Trung Quốc. Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới và giờ đây đang bị nền văn minh đô thị của người láng giềng Trung Quốc đe dọa về mặt nhân khẩu. Từng một lần xâm chiếm thành công Ngoại Mông để dọn đường tiến vào vùng đất trù phú, Bắc Kinh hiện nay đã sẵn sàng chờ thời cơ để quay lại chinh phục Mông Cổ lần nữa, theo một cách khác, để thỏa cơn khát dầu mỏ, than đá, uranium và cả những đồng cỏ hoang vu và màu mỡ.

Các công ty khai khoáng của Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm cổ phần lớn trong những tài sản dưới lòng đất của Mông Cổ. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa thiếu kiểm soát đã biến Trung Quốc thành thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu thế giới của các mặt hàng như aluminum, đồng, chì, niken, kẽm và quặng sắt, với mức tiêu thụ tăng từ 10% lên đến 25% thị phần kim loại thế giới kể từ cuối những năm 1990. Với Tây Tạng, Ma Cao và Hong Kong đã nằm trong tay chính quyền trung ương, những giao dịch của nước này với Mông Cổ sẽ trở thành thước đo để đánh giá mức độ của tham vọng mà Bắc Kinh đang nung nấu.

Nằm ở phía bắc Mông Cổ và giáp ranh với ba tỉnh đông bắc Trung Quốc là khu vực Viễn Đông của Nga, vùng đất hoang vu, băng giá, có diện tích gấp đôi Châu Âu trong khi dân cư ngày một thưa thớt. Nước Nga mở rộng biên giới của mình đến khu vực này từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, giai đoạn Trung Quốc còn đang suy yếu. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã trở thành cường quốc, còn ở phía Nga, không đâu trên lãnh thổ quốc gia, quyền lực của chính quyền lại yếu như ở một phần ba lãnh thổ nằm ở phía đông này.

Biên phòng Liên Xô chặn người Trung Quốc tìm cách đổ bộ lên đảo Damanski ở biên giới Xô-Trung
Biên phòng Liên Xô chặn người Trung Quốc tìm cách đổ bộ lên đảo Damanski ở biên giới Xô-Trung trước cuộc xung đột biên giới năm 1969
Lính Trung Quốc hả hê trước một chiếc mũ sắt lỗ chỗ vết đạn của biên phòng Liên Xô trong cuộc xung đột biên giới năm 1969
Lính Trung Quốc hả hê trước một chiếc mũ sắt lỗ chỗ vết đạn của biên phòng Liên Xô trong cuộc xung đột biên giới năm 1969

Ở ngay bên kia biên giới của chưa đến 7 triệu người Nga vùng Viễn Đông (thậm chí năm 2015 có thể giảm xuống còn 4.5 triệu) là hơn 100 triệu dân của ba tỉnh tiếp giáp của Trung Quốc, nghĩa là mật độ dân số ở phía Trung Quốc cao gấp 62 lần so với phía Nga. Dòng di dân từ Trung Quốc vẫn đang đổ sang Nga, định cư đông đúc ở thành phố trung tâm Chita, phía Bắc Mông Cổ, và sống rải rác ở những nơi khác trong vùng. Tìm kiếm tài nguyên là mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại Trung Quốc khắp mọi nơi, trong khi đó vùng Viễn Đông thưa thớt của Nga lại đang sở hữu những mỏ khí đốt, dầu mỏ, gỗ, kim cương và vàng. Tờ Daily Telegraph của Anh từng cho biết: “Moscow đang hết sức cảnh giác với số lượng lớn những người di cư Trung Quốc đổ vào khu vực này, mang theo những công ty khai thác khoáng sản và gỗ”.

Cũng như với Mông Cổ, nỗi sợ của người Nga không phải là một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa quân xâm lược hoặc chính thức thôn tính vùng Viễn Đông Nga, mà là quyền lực kiểm soát của Bắc Kinh về dân cư và doanh nghiệp đang từng bước lặng lẽ bao phủ khu vực này (trong lịch sử, Trung Quốc đã từng có thời gian ngắn nắm giữ quyền lực tại đây trong thời kỳ nhà Thanh). Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do những tranh chấp biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc, hàng trăm ngàn binh lính đã được đưa đến vùng Siberi xa xôi này và đã có lúc cuộc đối đầu bị đẩy đến mức xung đột nóng.

Đến cuối thập niên 1960, những căng thẳng này đã làm rạn vỡ quan hệ Xô-Trung. Yếu tố địa lý gần kề có thể gây chia rẽ Trung Quốc và Nga, bởi quan hệ đồng minh hiện nay giữa hai bên chỉ đơn thuần bắt nguồn từ những tính toán sách lược. Điều này có thể có lợi cho Mỹ. Vào những năm 1970, chính quyền Nixon đã từng lợi dụng mối bất hòa giữa Bắc Kinh và Moscow để đặt quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Trong tương lai, khi Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn hơn, sẽ không ngạc nhiên khi Mỹ bắt tay với Nga thành một khối đồng minh chiến lược nhằm tạo thế cân bằng với “Vương quốc trung tâm”.

(còn tiếp)

* Lược thuật bài viết của tác giả Robert D.Kaplan - nhà phân tích địa chính trị hàng đầu tại Stratfor và là phóng vên quốc gia cho The Atlantic. Ông cũng là tác giả của cuốn The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and the Battle Against Fate ( tạm dịch “Sự trả thù của địa lí: bản đồ bật mí về những cuộc xung đột và trận chiến chống lại số phận sắp diễn ra”) xuất bản tháng 9/2012

Theo NCQT