Trung Quốc: Rúng động vụ 38 nhà văn quân đội đồng loạt xin ra khỏi Hiệp hội Nhà văn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc 38 nhà văn quân đội Trung Quốc (PLA) đồng loạt nộp đơn xin ra khỏi Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc đang gây xôn xao dư luận với đủ loại tin đồn khác nhau.

Việc 38 nhà văn quân đội Trung Quốc đồng loạt xin rút khỏi Hiệp hội Nhà văn đã gây nên nhiều đồn đoán (Ảnh: VCG).
Việc 38 nhà văn quân đội Trung Quốc đồng loạt xin rút khỏi Hiệp hội Nhà văn đã gây nên nhiều đồn đoán (Ảnh: VCG).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 21/12, Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc (gọi tắt là Tác Hiệp) hôm 16/12, ra thông báo cho biết 38 nhà văn quân đội đã nộp đơn xin rút khỏi hiệp hội theo yêu cầu văn kiện liên quan của PLA và Ban Thư ký Hiệp hội Nhà văn đã xác nhận việc chấm dứt tư cách hội viên của 38 người này. Đây là lần đầu tiên một số lượng lớn các nhà văn cùng lúc xin rút tên khỏi Tác Hiệp trong 71 năm kể từ khi tổ chức chính thức tập hợp các nhà văn Trung Quốc này được thành lập.

Trang web của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc đã đưa ra thông báo "38 nhà văn quân đội đã nộp đơn xin rút khỏi hiệp hội chúng tôi" và liệt kê danh sách 38 người, trong đó có cả các tướng lĩnh đã nghỉ hưu, bao gồm Trung tướng Chu Tăng Quyền, nguyên Phó chính ủy Tổng cục Trang bị PLA; Mã Quốc Siêu, Phó chính ủy Không quân của Hải quân PLA; Lục Văn Hổ, cựu Hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật Quân đội; Vương Hạ Văn, cựu Tư lệnh Quân khu tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra còn có Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Tân Cương Chu Đào và nữ nhà văn quân đội "hậu 8X" Đổng Hạ Thanh Thanh. Tuy nhiên bản thông báo này sau đó đã bị gỡ bỏ.

Nữ nhà văn Phương Phương được cho là liên quan đến vụ việc (Ảnh: Singtao).

Nữ nhà văn Phương Phương được cho là liên quan đến vụ việc (Ảnh: Singtao).

Theo theo trang tin Hồng Kông Sing Tao Daily ngày 21/12, có ý kiến suy đoán rằng đây là phản ứng của quân đội Trung Quốc phản đối việc Hiệp hội Nhà văn đã không giải quyết "Sự kiện Phương Phương", nhưng các quan chức cấp cao của Hiệp hội Nhà văn phủ nhận việc có mối liên hệ giữa hai sự việc. Một nguồn tin khác nói, chuyện các nhà văn này xin ra khỏi hội là do quân đội đang đẩy mạnh nỗ lực thanh lọc vấn đề quân nhân tham gia các hội đoàn, nhưng có người thắc mắc nếu vậy thì tại sao các nhà văn quân đội đã nghỉ hưu cũng xin ra.

Được biết, nữ nhà văn Phương Phương (Fang Fang), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn tỉnh Hồ Bắc, đã ghi lại những quan sát, suy nghĩ và ý kiến phê bình của mình trong cuốn sách “Nhật ký phong thành” về trận dịch COVID-19 ở Vũ Hán và xuất bản chúng ở châu Âu và Mỹ, gây nên tranh cãi về việc bà “bôi nhọ đất nước”. Nữ nhà văn Trương Kháng Kháng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc đã công khai đứng ra bảo vệ bà Phương Phương.

Cuốn “Nhật ký phong thành” không được xuất bản ở Trung Quốc nhưng nó đã được xuất bản ở nước ngoài và Phương Phương đã lọt vào danh sách “100 gương mặt phụ nữ năm 2020” của truyền thông Anh.

Nhật kí Phong thành của bà Phương Phương được dịch xuất bản bằng tiếng Anh ở nước ngoài (Ảnh: Toutiao).

Nhật kí Phong thành của bà Phương Phương được dịch xuất bản bằng tiếng Anh ở nước ngoài (Ảnh: Toutiao).

Vào ngày 26/11, Phương Phương cho biết trong một cuộc phỏng vấn được trang BBC đăng tải: “Tôi chỉ là một người bị nhốt trong thành phố và đã ghi lại tình hình dịch bệnh trong 60 ngày, điều đã gây ra một vết nứt lớn trong người dân Trung Quốc. Những người thuộc thế lực cực tả đã thực hiện bạo lực mạng đối với tôi trong suốt mấy tháng. Các loại lăng mạ ác ý, tin đồn bịa đặt và dàn dựng đều được thực hiện theo cách thức đoàn hội đồng khiến tôi hoàn toàn không ngờ tới”.

Phương Phương nói: "Khi đối mặt với thảm họa lớn như vậy, với tư cách là người dân, bạn chỉ có thể tin tưởng và dựa vào chính phủ. Vì vậy, tôi đã giúp chính phủ, bao gồm việc đưa ra ý kiến ​​và chỉ ra vấn đề. Khi chính phủ làm tốt thì tôi cũng ca ngợi họ. Mặc dù vậy, tôi vẫn bị những người kia coi là chống Đảng, chống chính phủ, phản bội bán nước, “đưa dao” cho thế lực chống Trung Quốc ở phương Tây. Đây là những cái mũ cực kỳ hài hước và lố bịch họ chụp cho tôi. Tôi có thể dễ dàng nhận thấy từ những lời trách mắng tôi rằng hầu hết những người đó thậm chí chưa nhìn thấy những gì tôi đã viết".

Nhiều lời chỉ trích sau đó đã trở thành công kích cá nhân và đe dọa tính mạng, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn cả sự nghiệp của Phương Phương.

Vì vậy, bản tiếng Trung Quốc của "Nhật ký phong thành" đến nay vẫn chưa thể xuất bản. Phương Phương cũng nói, dù là tác phẩm mới hay ấn bản mới của tác phẩm cũ, bà đều không thể xuất bản ở Trung Quốc, cũng như không thể đăng bất kỳ bài viết nào trên các báo giấy trong nước Trung Quốc.

Giới quan sát bên ngoài suy đoán rằng cuộc rút lui tập thể của các nhà văn quân đội Trung Quốc là hành động phản đối Hiệp hội Nhà văn “bao che” Phương Phương.

Liên quan đến vấn đề này, ông Khưu Hoa Đống, Ủy viên Ban Thư ký Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc nói, đây là “yêu cầu của quân đội trong quá trình cải cách quân đội và không mang ý nghĩa gì đặc biệt”.

Theo Đa Chiều, trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đang tiến hành thanh lọc vấn đề quân đội tham gia vào các hội đoàn. Kể từ đầu năm nay, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về việc yêu cầu các sĩ quan có chức vụ cao hơn phải rút khỏi các hội đoàn khác nhau, tối đa chỉ được ở lại một tổ chức liên quan đến nghề nghiệp.

Vào tháng 3/2020, Văn phòng Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành "Quy định" mới được sửa đổi nhằm tăng cường hạn chế hơn nữa đối với việc tham gia của các thành viên quân đội trong các hội đoàn, bao gồm quy định rằng những người trên 70 tuổi phải rút khỏi hội đoàn của họ.

Nhà văn Trung Quốc đại lục nổi tiếng Lục Thiên Minh dẫn tin tức viết trên trang Weibo nói rằng quân đội Trung Quốc không chỉ yêu cầu các nhà văn của họ rút khỏi Hiệp hội Nhà văn mà còn yêu cầu quân nhân tham gia vào các hiệp hội khác nhau của Liên đoàn Văn học và Nghệ thuật cũng phải rút khỏi các tổ chức này để yên tâm chuẩn bị cho chiến tranh. Ông nói rằng kiểu rút lui tập thể này là lần đầu tiên trong 70 năm; việc cơ quan chính thức không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào chắc chắn sẽ dẫn đến các suy đoán khác nhau.

Có ý kiến cho rằng việc các nhà văn Trung Quốc rút khỏi Hiệp hội Nhà văn có liên quan đến việc Trung Quốc cải cách PLA (Ảnh: Tân Hoa xã).

Có ý kiến cho rằng việc các nhà văn Trung Quốc rút khỏi Hiệp hội Nhà văn có liên quan đến việc Trung Quốc cải cách PLA (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trang Đa Chiều viết, vào thời điểm quan hệ Trung-Mỹ và tình hình eo biển Đài Loan đang căng thẳng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập nhiều cuộc họp để tập trung xây dựng quân đội và nhấn mạnh việc tăng cường toàn diện huấn luyện quân sự thực chiến.

Điều khiến người ta chú ý là trong vòng chưa đầy một tháng, các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã 3 lần đề cập đến việc “chuẩn bị chiến tranh”.

Vào cuối tháng 10, Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã xác định hoàn thành mục tiêu xây dựng quân đội kéo dài một thế kỷ vào năm 2027, đồng thời đề cập quân đội sẽ được hiện đại hóa cơ bản vào năm 2035.

Ngay sau đó, ngày 13/11, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành bản thử nghiệm Đề cương Liên hợp tác chiến của quân đội, trong đó chỉ ra phương hướng huấn luyện tác chiến liên hợp của ba quân chủng. Vào ngày 25/11, ông Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị huấn luyện quân sự của Quân ủy Trung ương, tạo thêm sức nặng cho việc triển khai toàn diện Đề cương Liên hợp tác chiến.