Ráo riết và quy môlớn chưa từng có
Hôm 8-5, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó nêu rõ Bắc Kinh đã gia tăng thâu tóm bồi đắp các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông với nhịp độ và quy mô lớn chưa từng có, để biến những đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông thành căn cứ hải quân, hiển nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Theo báo cáo này, Trung Quốc đã “mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần”, tương đương với 800ha kể từ tháng 1-2014. 3/4 diện tích này thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.
Nhật báo Libération của Pháp cũng vừa có bài viết về việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp lấn biển thay đổi hiện trạng các đảo ở Biển Đông. Libération cho biết, trong số ít nhất 7 hòn đảo nhỏ thuộc Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, cơi nới diện tích có đảo Đá Chữ Thập bị biến dạng nhiều nhất. Chỉ trong vòng vài tháng, diện tích của đảo Đá Chữ Thập đã được mở rộng gấp 11 lần. Theo tác giả bài viết, chi phí cho việc cải tạo hòn đảo này có thể lên đến 12 tỷ USD và Trung Quốc đang biến hòn đảo từng là một bãi đá san hô thành một căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng theo Libération, căn cứ vào ảnh vệ tinh của nhóm phân tích thuộc tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) và nhóm Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington D.C (Mỹ), công trình xây dựng đường băng dài 3.100m đã được Trung Quốc tiến hành với tốc độ cực nhanh trong khoảng từ tháng 8-2014 đến giữa tháng 4-2015. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã nạo vét xây một cảng mới và đã dựng lên trên đảo 60 tòa nhà. Thậm chí họ còn đặt hẳn một nhà máy xi măng tại chỗ để phục vụ công trường lớn.
“Trong tương lai không xa, Đá chữ Thập sẽ là điểm hậu cần quan trọng cho hoạt động Hải quân Trung Quốc trong vùng Biển Đông”, các chuyên gia phân tích của nhóm Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á nhận định.
Mưu đồ quân sự và chính trị
Như vậy, có thể thấy rằng, Trung Quốc đã không tiếc tiền để phục vụ cho ý đồ bành trướng trên biển. Trả lời phỏng vấn Nhật báo Libération về động cơ của Trung Quốc trong những hoạt động lấn biển tại Biển Đông, bà Valérie Niquet, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, chuyên gia về châu Á khẳng định mục đích của Bắc Kinh là mở rộng diện tích họ chiếm giữ, cho dù theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đường băng sân bay hay hải cảng nhân tạo kiểu đó không là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Theo bà Valérie, các cơ sở đó sẽ giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện lực lượng bảo vệ bờ biển trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội tàu đánh bắt cá của họ có thể mở rộng ngư trường xa hơn xuống phía nam.
Cũng theo chuyên gia người Pháp, việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo còn có động cơ chính trị. Trung Quốc muốn biến toàn bộ vùng Biển Đông thành chủ quyền của mình và các công trình xây dựng trên là một mưu đồ nhằm áp đặt thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Hôm 1-5, Mỹ đã thẳng thừng từ chối lời mời của Trung Quốc sử dụng các “cơ sở dân sự” đang được Bắc Kinh xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa để tìm kiếm cứu nạn, dự báo thời tiết. Điều đó cho thấy, dư luận thế giới không tin Trung Quốc cải tạo đảo chỉ vì mục đích dân sự.
“Chúng tôi không thấy các cơ sở xây dựng tại khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khu vực giúp ích cho hòa bình và ổn định khu vực. Nếu mong muốn giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngừng việc xây dựng tại khu vực biển Đông, phân định rõ cái gọi là đường lưỡi bò theo luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển đồng thời cần nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke nhấn mạnh.
Âm mưu của Trung Quốc càng lộ rõ khi gần đây nhất, ngày 7-5, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh ngang nhiên tuyên bố, nước này “có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Quyết định về vấn đề này phụ thuộc vào việc an toàn hàng không có bị thách thức hay không, và bị thách thức đến mức nào”.
Cộng đồng quốc tế lên án
Động thái này của Trung Quốc bị nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ làm gia tăng căng thẳng không chỉ với các quốc gia láng giềng đang có các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, mà còn gây quan ngại cho giao thương quốc tế.
Ông Ian Story, chuyên gia về chính trị quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định, nếu Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông, hành động của Bắc Kinh sẽ bị nhiều nước trong khu vực xem như một sự xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải và thổi bùng lên các lo ngại về những ý đồ của Trung Quốc, cũng như cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế của nước này.
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng bày tỏ quan ngại trước quy mô và tốc độ của các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. “Những hoạt động này làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng và làm suy giảm triển vọng của các biện pháp ngoại giao. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc hạn chế những hoạt động này và kiềm chế để thúc đẩy niềm tin trong khu vực”, ông Carter nhấn mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích hành động của Trung Quốc là “dùng cơ bắp, sức mạnh thuần túy” để bắt nước khác phục tùng mình.
Các chính khách Mỹ lo ngại rằng, với cách làm như hiện nay, trong đó có việc ráo riết bồi lấp các đảo nhỏ, xây dựng các tháp phòng không, thậm chí cả đường băng ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ chiếm cứ được vùng biển chiến lược này mà không cần phải phát động một cuộc chiến tranh.
Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ cho rằng, Nhà Trắng cần làm nhiều hơn để ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ thứ hai (sau ADIZ ở Biển Hoa Đông). Trong khi đó, trả lời báo giới hôm 7-5, Hạ nghị sĩ Matt Salmon, Chủ nhiệm Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết, ông đã nhiều lần lên tiếng về những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như kêu gọi quốc tế đối phó với tình trạng nguy hiểm này.
Theo: An ninh Thủ đô