Trung Quốc phóng thành công sứ mệnh Thần Châu-16 lên trạm vũ trụ Thiên Cung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 30/5, Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-16, mang 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung trong khuôn khổ luân chuyển phi hành đoàn trong sứ mệnh vũ trụ có người lái thứ 5 từ năm 2021.

Hãng tin CNA, dẫn nguồn các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, dẫn đầu phi hành đoàn trên Thần Châu-16 là chỉ huy trưởng, phi hành gia Jing Haipeng, đây là nhiệm vụ không gian thứ tư ông, kỹ sư hàng không Zhu Yangzhu và GS Gui Haichao từ Đại học Beihang, nhà khoa học dân sự Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ.

Tên lửa vận tải Trường Chinh-2F, mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16 và 3 phi hành gia cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan trên sa mạc Gobi phía tây bắc Trung Quốc vào lúc 9h31 sáng giờ địa phương.

Các phi hành gia sứ mệnh Thần Châu-16 sẽ thay thế 3 phi hành gia, thành viên sứ mệnh Thần Châu-15, sống và làm việc trên trạm vũ trụ Thiên Cung từ cuối tháng 11/2022.

Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-16 lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Video SCMP

Ngày 30/5, ông Lin Xiqiang, phát ngôn viên Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) trả lời phỏng vấn của các phóng viên truyền thông trong nước và thế giới cho biết. “Sứ mệnh sẽ thực hiện những thí nghiệm quy mô lớn trên quỹ đạo...trong nghiên cứu những hiện tượng lượng tử mới, các hệ thống tần số thời gian-không gian độ chính xác cao, xác minh tính thực tế của thuyết tương đối rộng và nguồn gốc của sự sống".

Trạm vũ trụ ba mô-đun Thiên Cung Trung Quốc được hoàn thành cuối năm 2022 sau tổng cộng 11 sứ mệnh có phi hành đoàn và không người lái, được thực hiện từ tháng 4/2021, bắt đầu từ vụ phóng mô-đun đầu tiên và lớn nhất, khu sinh hoạt và làm việc chính của trạm vũ trụ.

Trung Quốc đã công bố kế hoạch mở rộng trạm vũ trụ Thiên Cung, dự kiến phóng thêm 1 mô-đun, sẽ kết nối với trạm vũ trụ hình chữ T hiện tại để tạo ra một cấu trúc không gian chữ thập.

Phongtauvutru02.jpg
Các phi hành gia Thần Châu -16 Jing Haipeng, Zhu Yangzhu và Gui Haichao tham dự cuộc họp báo tại Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan, gần Jiuquan, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 29/5/2023. Ảnh Tân Hoa Xã.

Tàu vũ trụ Thần Châu -16 đã kết nối với mô-đun lõi Thiên Hà của trạm Thiên Cung, cách Trái đất 400km (248 dặm) vào lúc 4h29 chiều, chưa đầy 7 giờ sau khi phóng.

Phi hành đoàn Thần Châu-15, làm việc trong trạm vũ trụ 6 tháng qua đã mở cửa hầm kết nối lúc 6h22 chiều và chào đón các phi hành gia của sứ mệnh Thần Châu-16.

Trước khi phóng, chỉ huy trưởng tàu Thần Châu-16 Jing Haipeng cho biết, sứ mệnh này đánh dấu "một giai đoạn những phát triển và ứng dụng mới" trong chương trình không gian của Trung Quốc.

GS Gui Haichao thuộc Đại học Beihang, phi hành gia dân sự Trung Quốc đầu tiên ngoài lực lượng phi công vũ trụ của Quân đội Trung Quốc là một chuyên gia về trọng tải không gian, kỹ sư hàng không Zhu Yangzhu cũng là phi công vũ trụ lần đầu tiên bay vào không gian.

Wang Huiquan, GS thuộc Đại học Chiết Giang, chuyên gia tư vấn về công nghệ mới cho chương trình không gian cho biết, sự tham gia của GS Gui là một sự kiện mang tính bước ngoặt cho chương trình chinh phục vũ trụ của Trung Quốc.

"Gui Haichao là một nhà khoa học, không phải là một người lính hay một phi công. Ông tham gia vào chương trình không gian với tư cách là chuyên gia tải trọng hữu ích đầu tiên, cho thấy những nghiên cứu khoa học và ứng dụng trên trạm vũ trụ đã bước sang một kỷ nguyên mới", GS Wang phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Tianmu News, cổng thông tin điện tử tiếng Trung thuộc Tập đoàn Báo chí nhà nước Nhật báo Chiết Giang. Ông nói:

"Học hàm TS của GS Gui là thiết kế máy bay, những hướng nghiên cứu của ông là động lực học tàu vũ trụ, điều hướng và điều khiển học, khoa học vũ trụ và những thí nghiệm không gian. Kết quả thu được trong những thí nghiệm trên Thiên Cung trong sứ mệnh Thần Châu -16 sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phương hướng phát triển tương lai của tàu vũ trụ Trung Quốc ".

Phi hành đoàn Thần Châu-16 sẽ tiếp quản trạm vũ trụ Thiên Cung từ các phi hành gia Thần Châu-15, theo dự kiến sẽ quay về Trái đất trong tháng 6.

Phongtauvutru03.jpg
Tàu vũ trụ Thần Châu-16 bay vào không gian sáng ngày 30/5. Ảnh: CCTV

Trong 6 tháng làm việc trong không gian, các phi hành gia Thần Châu-15 đã tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau và lắp ráp các trang thiết bị. Các hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ được phi hành đoàn Thần Châu-16 tiếp tục.

Tân Hoa Xã, dẫn phát biểu của Huang Weifen, phụ trách đào tạo các phi hành gia Trung Quốc: "Phi hành đoàn sẽ tiến hành hơn 50 thử nghiệm và thí nghiệm trên quỹ đạo về khoa học vũ trụ và tải trọng ứng dụng, mức cao nhất các hoạt động thí nghiệm cho đến nay của bất kỳ phi hành đoàn Trung Quốc nào từng lên vũ trụ".

Bà Huang Weifen cũng cho biết, trong thực đơn của phi hành đoàn đã có thêm 11 loại thực phẩm, giúp các phi hành gia có hơn 150 lựa chọn đồ ăn và đồ uống trong định hướng nâng cao chất lượng cuộc sống con người trong không gian. Các thành viên phi hành đoàn mới còn có một thiết bị để trồng trái cây và rau quả trên quỹ đạo, bổ sung nguồn cung cấp rau quả.

Phi hành đoàn Thần Châu -16 sẽ đón tàu vũ trụ vận tải không người lái Thiên Châu 5 và sứ mệnh Thần Châu-17. Tàu vận tải Thiên Châu 6 sẽ thực hiện sứ mệnh tiếp tế cho trạm vũ trụ vào đầu tháng 6, lần đầu tiên kể từ khi trạm vũ trụ Thiên Cung hoàn thành vào tháng 11/2022.

Trung Quốc có kế hoạch phóng 2 sứ mệnh không gian có người lái lên trạm vũ trụ Thiên Cung mỗi năm. Sứ mệnh Thần Châu-17, dự kiến sẽ được phóng vào tháng 10/2023, theo CMSA.

Theo CNA