Theo đó, các trường tiểu học và trung học được phát cho một danh sách chi tiết những thứ không được dạy tại trường, trong nỗ lực mới nhất nhằm giúp trẻ em giảm áp lực học tập khi mà kỳ thi đại học quốc gia, hay gaokao, đang đến gần.
Giáo dục được coi là môi trường cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, và việc trẻ em bị ép học để tăng cơ hội được nhận vào các trường hàng đầu là điều thường thấy. Cuộc khảo thí thường niên từ lâu đã được xem như sự kiện có thể làm thay đổi tương lai của một con người, đặc biệt là với nhóm ít đặc quyền đặc lợi trong xã hội.
Quy định mới mà Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành cấm các giáo viên tăng độ khó các bài giảng trên lớp hay dạy trước chương trình học của nhà nước. Danh sách mới, được công bố hồi cuối tuần qua, đặc biệt đề cập tới việc dạy cho trẻ lớp 1 và lớp 2 – độ tuổi từ 6 đến 7 – môn ngữ âm và yêu cầu trẻ phải viết được các từ tiếng Anh.
Quy định mới cũng cấm trường học và các cơ sở dạy thêm sau giờ học giảng dạy phép tính cộng/trừ với con số có trên 4 chữ số đối với trẻ em dưới lớp 4. Quy định mới cũng hạn chế việc giảng dạy tiếng Trung, thể chất, sinh học và hóa học cho học sinh chưa học các lớp cao hơn.
Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực kéo dài suốt một thập kỷ qua của chính phủ Trung Quốc trong cải cách hệ thống giáo dục. Kế hoạch 10 năm, được chính phủ trung ương công bố năm 2010, đặt mục tiêu giảm áp lực trước kỳ khảo thí đại học quốc gia hàng năm và không quá phụ thuộc vào điểm số trong trường để đánh giá khả năng của học sinh.
Ông Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, nói rằng bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhằm giảm áp lực học hành với học sinh, thực tế vẫn diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
“10 năm trước, chúng ta từng tuyên bố sẽ ngừng thực trạng một kỳ thi quyết định toàn bộ cuộc đời của một con người, nhưng ngày nay thực trạng này vẫn tiếp diễn. Nhiều người vẫn điên cuồng ép con cái họ vào những trường hàng đầu và tham gia các lớp học thêm” – ông Chu nói – “Chìa khóa để giảm gánh nặng học hành chính là cải thiện cách mà chúng ta đánh giá học sinh”.
Bà Lin Lihong, người mẹ có con là học sinh lớp 2 ở Thượng Hải, cho biết con trai mà mỗi tuần phải tham gia 5 lớp học phụ đạo khác nhau, tiêu tốn hết khoản tiền 1.500 NDT (211 USD).
“Mục đích của việc học thêm là học trước chương trình học, để con trai tôi có thể đi trước những đứa trẻ khác, đánh bại chúng trong các kỳ thi” – bà Lin nói.
“Tôi nghĩ gánh nặng học hành sẽ không thể sớm được giảm tải khi mà học sinh vẫn được đánh giá bằng điểm số trong các kỳ thi. Học sinh cần phải học chăm để dành được điểm số cao, bởi vậy tôi nghĩ chính sách mới này sẽ thực sự giảm được gánh nặng trong học tập”.