Theo Russia Today, hãng Goldman Sachs Financial Leasing Company ở Thâm Quyến (Trung Quốc) vừa được phát hiện là không có bất kỳ kết nối nào với Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư đa quốc gia hàng đầu, có trụ sở tại Mỹ.
AFP dẫn lời một phụ nữ thuộc hãng tài chính Goldman Sachs ở Trung Quốc nói: “Chúng tôi chẳng có bất kỳ liên hệ nào với ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs. Chúng tôi chỉ chọn ngẫu nhiên một cái tên, và không có cố ý trùng tên”. Công ty trên sử dụng chữ “Gao Sheng” cho tên tiếng Hoa của họ, trong tiếng Anh từ này tương ứng với hai chữ “Goldman Sachs”.
Theo tài liệu Bloomberg nộp lên chính quyền Thâm Quyến, ngân hàng nhái Goldman Sachs này đã hoạt động từ năm 2013.
Đây không phải là lần đầu tiên, một ngân hàng nhái xuất hiện ở Trung Quốc. Trong tháng này, một người đàn ông 39 tuổi vừa bị bắt ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, sau khi thành lập một chi nhánh giả của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) với đầy đủ sổ tiết kiệm, logo hệt như bản gốc, theo Tân Hoa xã. Ngân hàng giả mạo này chỉ nhận tiền gửi, chứ không cho phép rút tiền.
Paul Haswell, đối tác Hồng Kông của hãng luật Pinsent Masons nói với hãng tin Bloomberg: “Việc một tổ chức nước ngoài khiếu nại, thuyết phục tòa án Trung Quốc rằng đã có hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa là rất khó khăn”.
Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan vừa thua trong một vụ kiện tương tự, chống lại một công ty thể thao Trung Quốc sử dụng tên anh trong tiếng Hoa, vào tháng 7 vừa qua.
Năm 2012, hãng Apple đã trả 60 triệu USD cho hãng Proview Technology ở Thâm Quyến. Hãng này là đơn vị đầu tiên đăng ký thương hiệu iPad ở Đại lục hồi năm 2001.
Theo Thanh Niên