Tờ Đại kỷ nguyên ngày 16/8 có bài viết cho rằng hiện nay có nhiều nước tham gia sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế như đồng tiền mất giá nghiêm trọng, lạm phát gia tăng. Đầu tư của Trung Quốc tại các nước này xem ra đã khó có thể thu hồi. Vì vậy, nếu "Vành đai, con đường" thất bại thì Trung Quốc sẽ "sụp đổ".
“Nguy cơ giống Liên Xô”
Hiện nay, sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc không chỉ khiến cho nhiều nước nợ nần chồng chất, mà còn bị một số nước cảnh giác, ngăn chặn. Tờ Bloomberg dẫn chứng cho rằng rất nhiều khoản đầu tư thiếu hiệu quả của Trung Quốc có thể khiến cho Trung Quốc đổ vỡ, giống như Liên Xô đã đầu tư vào Siberia trước đây.
Bắt đầu từ thập niên 1960, Siberia đã thu hút 1/3 thiết bị xây dựng hạng nặng của Liên Xô, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Siberia đã tiêu tốn một phần rất lớn ngân sách đầu tư, trong khi đó GDP của Liên Xô hầu như không tăng trưởng. Điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho Liên Xô bị sụp đổ.
Bắt đầu từ tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp tuyên bố trừng phạt kinh tế đối với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước này cũng đồng thời là những mắt xích quan trọng của sáng kiến "Vành đai, con đường", điều này đã gây chú ý cho truyền thông phương Tây.
Theo Bloomberg, "Vành đai, con đường" có liên quan đến sự thành bại của Trung Quốc. Giống như Liên Xô vào thập niên 1970, kinh tế Trung Quốc hiện đã đi đến điểm cuối, cộng với sáng kiến "Vành đai, con đường" tiến hành đầu tư những khoản tiền khổng lồ ở những khu vực không thu được lợi ích, có thể sẽ làm sụp đổ Trung Quốc.
Có phân tích cho rằng giống như Liên Xô ở thập niên 1980, sự thịnh vượng lâu dài do sức lao động của Trung Quốc mang lại đã kết thúc, do đó Trung Quốc muốn thông qua đầu tư để duy trì tăng trưởng. "Vành đai, con đường" nếu thất bại thì Trung Quốc có thể sẽ đi theo con đường của Liên Xô.
Mô hình mới không thực sự "cùng có lợi"
Giáo sư John M. Olin, Học viện Aiken, Đại học South Carolina, Mỹ cho rằng "Vành đai, con đường" của Trung Quốc là một quyết sách vội vàng, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiệm chứng đầy đủ. Nó như một công trình "thể diện", được Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền với kỳ vọng tạo ra một mô hình phát triển quốc tế mới hoàn toàn khác.
Trung Quốc đưa ra sáng kiến "Vành đai, con đường" từ năm 2013, ra sức tuyên truyền là thực hiện theo nguyên tắc “cùng bàn, cùng xây, cùng hưởng” và tư tưởng “hợp tác cùng có lợi, cùng thắng”. Mục đích của sáng kiến này là dựa vào cảng biển, đường sắt, đường ô tô và mạng lưới các khu công nghiệp trong khuôn khổ "Vành đai, con đường" để kết nối Trung quốc với châu Phi, châu Á và châu Âu. Theo đó, Trung Quốc đầu tư số tiền khổng lồ cho các dự án ở khoảng 65 quốc gia.
Theo Giáo sư John M. Olin, Trung Quốc thông qua triển khai chiến lược "Vành đai, con đường" để chuyển năng lực sản xuất dư thừa, các sản phẩm dư thừa sang các nước khác nhằm đạt được mục đích gây ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị, tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, chuyển đổi, tiêu hóa năng lực sản xuất, hình thành một liên minh chiến lược với các nước đối tác. Đây là tính toán và mục đích của Trung Quốc.
Nhưng việc thúc đẩy “Vành đai, con đường” đã bị nhiều bên ngăn chặn, thậm chí đâu đâu cũng gặp khó khăn. Mô hình hợp tác "Vành đai, con đường" của Trung Quốc vừa khiến cho các nước bị mắc "bẫy nợ", vừa có thể khiến cho các khoản đầu tư Trung Quốc đối mặt với nguy cơ "có đi, không về".
Trong khi đó, hiện nay, kinh tế Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể chịu được việc để mất những khoản đầu tư quá lớn, điều này có thể tạo ra những ngòi nổ và gây ra phản ứng dây chuyền, gây suy yếu cho kinh tế trong nước của Trung Quốc.
Giáo sư John M. Olin cho rằng sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc ngày càng bị nghi ngờ và ngăn chặn ở các nơi trên thế giới. Vấn đề quan trọng nhất là tiền dành cho các dự án "Vành đai, con đường".
Trước đây, thông qua thăng dư thương mại khổng lồ với phương Tây, nhất là với Mỹ, Trung Quốc kiếm được nhiều ngoại hối để dự trữ và dùng nó để hỗ trợ cho "Vành đai, con đường". Nhưng hiện nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chắc chắn sẽ khiến cho xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh. Từ đó, Trung Quốc sẽ "thiếu tiền" dành cho xây dựng "Vành đai, con đường".
Cùng với nhiều vụ đại án tham nhũng quốc tế gần đây bộc lộ, những "đồng minh thân cận" của Trung Quốc cũng bắt đầu gặp khó khăn, tìm cách giải quyết vấn đề nợ nần, chấm dứt hợp tác với Trung Quốc, không sẵn sàng để rơi vào khủng hoảng nợ và mất đi chủ quyền quốc gia.
Thất bại của nhiều dự án
Một nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ đưa ra vào tháng 3/2018 cho biết trong 68 quốc gia tham gia “Vành đai, con đường”, đã có 23 nước rơi vào rủi ro “mắc nợ”, trong đó có 8 nước đã tăng rủi ro rơi vào “nợ công”.
Hiện nay, do không thể hoàn trả khoản nợ cho Trung Quốc, Sri Lanka đã chuyển quyền kiểm soát cảng Hambantota có ý nghĩa chiến lược cho Trung Quốc. Sri Lanka đã cầu cứu IMF trợ giúp. Một nước khác rơi sâu vào rủi ro nợ nần vì “Vành đai, con đường” là Pakistan dự kiến cũng sẽ đề nghị trợ giúp vào mùa thu năm nay.
Trung Quốc tìm mọi cách bảo đảm cho các dự án "Vành đai, con đường" thành công. Ảnh: Getty Images.
|
Theo nhiều học giả, kế hoạch “Vành đai, con đường” của Trung Quốc có dấu hiệu “thất bại”, gần đây có một loạt công trình đã bị hủy bỏ do vốn của bên tham gia không đủ và có cân nhắc về chính trị quốc tế.
Từ Pakistan, Tanzania đến Hungary, nhiều công trình “Vành đai, con đường” gần đây bị hủy bỏ, bởi vì rất nhiều nước lo ngại Trung Quốc muốn kiểm soát họ thông qua các dự án này.
Một trong số đó là Mahathir bin Mohamad, người dẫn dắt Malaysia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nay được bầu lại làm Thủ tướng Malaysia. Ngày 13/8, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, ông khẳng định tìm cách để Trung Quốc hủy bỏ xây dựng đường sắt và đường ống năng lượng ở Malaysia, đồng thời nói thẳng rằng Malaysia không cần hai dự án cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến "Vành đai, con đường" này.
Hiện nay, dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia do Trung Quốc đầu tư cũng bị đình trệ. Dự án này đạt được hợp đồng vào tháng 9/2015, nhưng mãi đến nay dự án đường sắt Jakarta - Bandung vẫn chưa được khởi công.
Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan cũng bị bao phủ bởi bóng đen bởi “quân nổi dậy”. Các phần tử vũ trang nổi dậy địa phương đã đánh bom đường ống khí đốt và tàu hỏa, tấn công các kỹ sư Trung Quốc.
Các dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc ở Đông Nam Á có tiến độ rất khác nhau, trong đó dự án đường sắt ở Thái Lan mãi đến tháng 7/2018 mới khởi công. Dự án đường sắt Trung - Lào mặc dù đã bắt đầu khởi công, nhưng đã gây tranh cãi về khoản đầu tư khổng lồ.
Ngoài ra, Trung Quốc thu lợi lớn hơn nhiều các nước Trung Á trong các dự án “Vành đai, con đường”, vì vậy đã gây lo ngại cho các nước Trung Á, làm cho các dự án này rơi vào khó khăn. Dự án đường sắt của Uzbekistan đã bị dừng lại do sự phản đối của Kyrgyzstan.
Báo chí Nga gần đây cho rằng khi các dự án “Vành đai, con đường” ở khu vực Trung Á ngày càng nhiều thì dư luận nước sở tại ngày càng cảnh giác với Trung Quốc, thậm chí cho rằng các dự án và hoạt động làm ăn kinh doanh của phía Trung Quốc không có lợi cho môi trường sinh thái của Trung Á, đồng thời làm nảy sinh nghiêm trọng tham nhũng.
Việc Trung Quốc mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Trung Á cũng gây lo ngại cho Nga, tác động đến Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga khởi xướng. Vì vậy Nga có thể áp dụng thái độ và hành động “ngăn chặn”.
Trung Quốc gắn xây dựng “Vành đai, con đường” với thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các nước tham gia “Vành đai, con đường” không được lợi bao nhiêu.
Đến nay, trong các dự án Trung Quốc bỏ vốn ra xây dựng ở 35 quốc gia Âu - Á, có 89% nhà thầu là doanh nghiệp Trung Quốc, chỉ có 11% nhà thầu đến từ các nước khác.
Nhà nghiên cứu Jonathan Hillman của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng giữa những lời nói êm tai và tình hình thực tế của “Vành đai, con đường” có sự khác biệt. Mặc dù Trung Quốc đẩy mạnh tuyên tuyên truyền về tính chất “cùng có lợi, cùng thắng” của “Vành đai, con đường”, nhưng Trung Quốc đưa ra chiến lược này rõ ràng trước hết lấy lợi ích của Trung Quốc làm trung tâm.
Đối trọng từ Mỹ
Ngay từ tháng 10/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phê phán sáng kiến “Vành đai, con đường” là “học thuyết kinh tế cướp đoạt”, cho rằng sáng kiến này khiến cho rất nhiều quốc gia rơi vào gánh nặng nợ nần trầm trọng, hơn nữa cũng không đem lại lợi ích kinh tế và việc làm cho địa phương sở tại.
16 Thượng nghị sĩ Mỹ vừa gửi thư lên cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn các khoản nợ nần của “Vành đai, con đường”.
Trong thư, các Thượng nghị sĩ này cho rằng: “Là nước đóng góp lớn nhất của IMF, Mỹ cần tận dụng vai trò ảnh hưởng của mình, bảo đảm các điều khoản cứu trợ (của IMF) có thể ngăn chặn sự tiếp diễn các dự án ‘Vành đai, con đường’ hoặc là (ngăn chặn) khởi động các dự án ‘Vành đai, con đường’ mới”, tránh để nhiều quốc gia hơn rơi vào “bẫy nợ”.
Gần đây, Mỹ đã khởi động kế hoạch đầu tư ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ trước tiên bỏ ra khoản tiền 113 triệu USD để ủng hộ sự phát triển kinh tế của khu vực trên các phương diện như kinh tế số, công nghệ, cơ sở hạ tầng, năng lượng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Khoản tiền này chỉ là khoản ban đầu, đại diện cho cam kết kinh tế của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong kỷ nguyên mới”.
Ông Mike Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyệt đối sẽ không tìm kiếm bá quyền ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng phản đối bất cứ nước nào làm như vậy”. Dư luận quốc tế cho rằng, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là một đối trọng của “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Ngay sau khi Mỹ công bố kế hoạch kinh tế mới cho khu vực, các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, Nhật Bản đã hưởng ứng tích cực. Điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng tăng ở khu vực giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh. Cuộc đối đầu này có lẽ sẽ kéo dài và còn phải tiếp tục chờ quan sát.