Trung Quốc mưu biến Biển Đông thành “ao nhà”, tạo bàn đạp hất cẳng Mỹ

Khi Trung Quốc biến biển Đông thành ao nhà và xây dựng các chuỗi đảo làm bàn đạp cho mình sẽ ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới toàn cầu - đó là nhận định mới nhất của Trung tâm nghiên cứu chiến lược CSIS và tờ Defense News của Mỹ. 
Sơ đồ minh họa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai mà Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng trên biển Đông
Sơ đồ minh họa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai mà Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng trên biển Đông

      Ba tháng gần đây, Mỹ liên tiếp đưa tàu chiến vào tuần tra trên biển Đông, thách thức yêu sách phi lý về chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này. Mới đây, cơ quan nghiên cứu chiến lược CSIS của Mỹ đăng tải bài viết nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ biến biển Đông thành “ao nhà”, căn cứ để khẳng định điều này là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu một số biên đội hàng không mẫu hạm, điều này sẽ làm thay đổi cục diện cạnh tranh trên biển Đông.

     Ngày 2/1, trang Nickkei của Nhật Bản đăng tải bài bình luận rằng, điều đặc biệt kích thích các nhà phân tích chiến lược Mỹ chính là biển Đông đối với Trung Quốc “giống như biển Caribe đối với Mỹ”. Tại sao lại nói như vậy? Vì vài năm gần đây, các nhà địa chính trị “rỉ tai” nhau quan điểm sau. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Mỹ phát động cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha, kiểm soát biển Caribe trọng yếu ở miền Nam. Thông qua kênh đào Panama, nắm quyền kiểm soát đại lục Bắc  Mỹ và Nam Mỹ được phân cách bởi kênh đào xung yếu này.

     Cũng giống như vậy, biển Đông được ví là “cái rốn” của Thái Bình Dương, nếu Trung Quốc kiểm soát được vùng biển này, Mỹ sẽ mất đi sự bá quyền tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sở dĩ bản báo cáo này của CSIS thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà chiến lược Mỹ, là do công trình nghiên cứu này không phải CSIS ngẫu hứng nhất thời đưa ra kết luận.

 Ảnh chụp vệ tinh về đường băng trên đá Chữ Thập mà Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

     Trong quốc hội Mỹ có người chỉ trích chính quyền tổng thống Obama mặc dù miệng thì hô hào chiến lược tái cân bằng, nhưng trên thực tế lại không có hành động tương ứng nào. Để phản biện vấn đề rốt cuộc chiến lược tái cân bằng hiệu quả đến mức độ nào, quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ quốc phòng nước này ủy nhiệm cho bên thứ ba – tức CSIS triển khai nghiên cứu. Bản báo cáo của CSIS chính là thành quả nghiên cứu của công trình này. Xét ở một góc độ nào đó, có thể coi là ấn phẩm quyền uy.

     Bản báo cáo của CSIS còn chỉ trích chính quyền tổng thống Obama chưa đầu tư đủ lực lượng và ngân sách cho chiến lược tái cân bằng châu Á, đồng thời kiến nghị song song với việc gia tăng lực lượng quân sự cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, còn phải tăng cường hợp tác an ninh với các nước đồng minh như Nhật Bản, Australia và các nước có quan hệ mật thiết.

     Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang đến gần, các đảng đang rầm rộ tuyên truyền sự thất bại trong chính sách của chính phủ đương thời, đây vốn là cách làm thường gặp trong mỗi kỳ bầu cử của Mỹ. Tuy nhiên, CSIS là cơ quan nghiên cứu siêu đảng phái, đồng thời người viết báo cáo là chuyên gia cao cấp Kathleen Hicks – người đã từng làm trợ lý, phụ trách các sự vụ chính sách của thứ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống Obama.

     Có thể nói đây là một bản báo cáo đứng trên lập trường trung lập, là cơ sở tham khảo cho chính quyền tổng thống Mỹ mới về chiến lược khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 Tàu khu trục Lassen của Mỹ tuần tra trên biển Đông hồi tháng 10/2015

     Đối với cách làm của tổng thống Obama về vấn đề biển Đông, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đã thể hiện rõ sự bất an. Không thừa nhận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép là lãnh thổ của quốc gia này. Để chứng minh cho điều này, Mỹ sẽ không ngừng cử tàu chiến đi vào phạm vi 12 hải lý gần các đảo nhân tạo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép với tần suất 2 lần/ 3 tháng,.

     Tháng 10/2015, chính phủ Mỹ đã tuyên bố phương châm này. Tuy nhiên kể từ ngày 27/10 – thời điểm Mỹ đưa tàu khu trục Lassen vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo bị xây dựng trái phép, 3 tháng đã trôi qua, mãi mới đưa tàu vào lần thứ hai – tức ngày 30/1/2016.

     Nếu biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc thì điều này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến toàn cầu. Gần 50% dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng xuất khẩu của thế giới được vận chuyển qua biển Đông. Một công ty năng lượng của Nhật Bản cho biết, đại đa số dầu thô mà Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông được vận chuyển qua biển Đông. Không ít quan điểm cho rằng hồi chuông cảnh báo được gióng lên trong bản bán cáo này còn liên quan mật thiết đến an ninh châu Á – trung tâm tăng trưởng kinh tế của toàn cầu.

     Trung Quốc xây dựng chuỗi đảo làm bàn đạp

     Ngày 1/2 vừa qua, tờ Defense News của Mỹ đã đăng tải bài viết nội dung Trung Quốc đang tích cực xây dựng chuỗi đảo làm bàn đạp cho mình, chuỗi đảo đó là căn cứ tiềm ẩn để tấn công hoặc xâm lược các quốc gia khác. Xét trên góc độ lãnh thổ, chúng còn là tiêu chí thể hiện sự ảnh hưởng của một quốc gia.

     “Đây thực chất là vấn đề góc nhìn, và góc nhìn thì chịu sự ảnh hưởng của vị trí địa lý và chiến lược địa chính trị” – giáo sư Andrew S. Erickson thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề trên biển liên quan đến Trung Quốc thuộc Học viện chiến tranh hải quân Mỹ nói, “bình phong là một cách nhìn tương đối Trung Quốc. Nó phản ánh một điều rằng Trung Quốc lo ngại các thiết bị quân sự của nước ngoài nằm trên chuỗi đảo có thể gây cản trở hoặc đe dọa đến hành động hoặc sự ảnh hưởng của Trung Quốc”. Cái gọi là “bàn đạp” được đề cập trên cả hai phương diện tấn công và phòng thủ.

     Giáo sư Andrew S. Erickson nói: “Rất nhiều bài nghiên cứu bằng tiếng Trung bày tỏ sự lo ngại chuỗi đảo có thể được sử dụng để Trung Quốc bố trí lực lượng quân sự, tập kết vũ khí, cho thấy Trung Quốc đang tích cực đầu tư để phát triển lực lượng hải quân”.

     Ở phương Tây, các quan chức cấp cao và các nhà phân tích thường nhắc đến chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ hai vòng quanh Trung Quốc, dùng để miêu tả đặc điểm địa lý của khu vực này và dự đoán âm mưu của Trung Quốc. Khái niệm chuỗi đảo bắt nguồn từ phương Tây thời kỳ Chiến tranh lạnh, vốn dùng để miêu tả đặc trưng địa lý của khu vực này. Tuy nhiên, cùng với sự bành trướng lực lượng trên biển của Trung Quốc, chuỗi đảo cũng mang nhiều ý nghĩa về chiến lược chính trị hơn.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ, nhấn mạnh chính quyền tổng thống Obama đầu tư chưa nhiều cho chiến lược tái cân bằng châu Á để ngăn chặn Trung Quốc.

     Ông Andrew S. Erickson nói: “Dường như cái mà chúng ta nhìn thấy là Trung Quốc đang gấp rút nỗ lực, muốn đột phá chuỗi đảo này theo nhiều phương thức khác nhau. Không khó tưởng tượng, Trung Quốc muốn tích lũy kinh nghiệm áp dụng các biện pháp khác nhau để chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất”. Ông Andrew S. Erickson nhấn mạnh, Trung Quốc phát triển tên lửa hành trình tầm ngắn cũng là nhằm vào chuỗi đảo thứ nhất.

     Ông Andrew S. Erickson chỉ ra rằng, hải quân trung Quốc kiểm soát lực lượng tên lửa tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới. “Dường như hầu hết những tên lửa có tầm bắn đủ lớn đều nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và khu vực sở tại của các nước đồng minh của Mỹ, gần như tất cả các căn cứ đó đều nằm trên chuỗi đảo thứ nhất”.

     Giáo sư Andrew S. Erickson nhấn mạnh, chiến lược xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc vài năm gần đây đều có liên quan đến học thuyết bàn đạp chuỗi đảo thứ nhất và bức bình phong.

     “Xét trên góc độ truyền thống, chuỗi đảo thứ nhất lợi dụng những điều kiện địa lý có sẵn, nhưng cũng có thể nói, hiện tại Trung Quốc đang xây dựng chuỗi đảo cho mình – coi đó là bàn đạp cho họ và thiết lập rào cản cho người khác”.

     Hiện tại, tâm điểm được quan tâm là chuỗi đảo thứ nhất từ phía Đông biển Đông vươn dài xuống phía Nam. “Tuy nhiên, tầm quan trọng của chuỗi đảo thứ hai sẽ tăng lên trong tư duy chiến lược của Trung Quốc. Song song với việc Trung Quốc tiếp tục cử lực lượng hải quân đi viễn chinh, Trung Quốc có thể gây ra nhiều mối đe dọa hơn cho đảo Guam và các bộ phận khác trên chuỗi đảo thứ hai”.

H.L