Ngày 30/1, tàu khu trục DDG-54 thuộc Hạm đội tàu chiến số 7 của Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép, thông tin này thực sự đã kích nộ Trung Quốc. Làm thế nào để đối phó với tàu chiến Mỹ? Ngày 1/2, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc tiết lộ, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn kịch bản từ lâu, có luồng dư luận còn kêu gọi tàu Trung Quốc cần tấn công hợp pháp để trục xuất tàu Mỹ.
Sau khi đưa tàu khu trục vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép, Mỹ cho biết: “Mỹ sẽ triển khai các hành động bay và đi lại tự do trong phạm vi luật quốc tế cho phép. Hành động này sẽ thách thức ý đồ hạn chế quyền đi lại tự do của Trung Quốc”.
Điều này cho thấy, tuyến đường hàng hải quan trọng này được Mỹ coi là khu vực quốc tế. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nhấn mạnh, không có bất kỳ bên nào nhận được thông báo về lần thông qua trên vùng biển này, “điều này phù hợp với quy trình thông thường và luật quốc tế”.
Ngày 31/1, kênh truyền hình N24 của Đức cho rằng, thức thách thức của Mỹ trên biển Đông khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng hơn, vấn để biển Đông đã trở thành nút thắt khó gỡ nhất trong mối quan hệ hai nước. Các nhà quan sát lo ngại rằng, chỉ cần xảy ra một sự hiểu lầm nhỏ, Mỹ và Trung Quốc rất dễ xảy ra một cuộc xung đột lớn. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitun của Đức cảnh báo, nếu biển Đông xảy ra xung đột thì đây sẽ là một mối đe dọa lớn đối với kinh tế toàn cầu.
Hãng Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, việc Mỹ đưa tàu khu trục vào biển Đông có thể sẽ làm phức tạp hóa cho những thảo luận về vấn đề trừng phạt Triều Tiên. Hãng thông tấn Jiji của Nhật Bản chỉ ra rằng, hành động lần này của Mỹ nhằm vào quần đảo Hoàng Sa, mục đích là muốn dùng cái đó để ngăn chặn hành vi của Trung Quốc trên biển Đông.
Trước động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ quốc phòng Trung Quốc đã lập tức đưa ra phản ứng dữ dội. Website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tải thông cáo “tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur (DDG-54) vi phạm luật pháp Trung Quốc, tự ý đi vào lãnh hải quần đảo Tây Sa của Trung Quốc” (thực tế đây là đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của VIệt Nam). Lực lượng quân đội đóng quân trên đảo và tàu chiến của hải quân Trung Quốc nói rằng đã "lập tức áp dụng hành động đối phó, nhận diện, kiểm tra giấy tờ của tàu chiến Mỹ, đồng thời lập tức cảnh cáo đuổi ra”!?.
Đại sứ Trung Quốc ại Mỹ Thôi Thiên Khải cảnh cáo, hành động này của tàu chiến Mỹ là “hành vi khiêu khích chính trị và quân sự hết sức nghiêm trọng”. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đôn đốc phía Mỹ tôn trọng , tuân thủ luật pháp có liên quan của Trung Quốc, làm nhiều việc có lợi cho sự tin tưởng giữa hai nước và nền hòa bình ổn định trong khu vực.
Tờ Nhân dân nhật báo ra ngày 1/2/2016 của Trung Quốc đăng tải bài viết với nhan đề “Con hổ giấy ra oai định hù dọa ai” tức tối cho rằng, so với tàu khu trục Lassen ngày 27/10/2015 tự tiện đi vào khu vực gần quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc lấn chiếm trái phép), lần này phía Mỹ sắp xếp tinh ý và dày công hơn. Trước khi hành động, Mỹ đã tập trung tạo thanh thế trong dư luận, bọc lót cho hành động quân sự của mình.
Nhân dân Nhật báo cáo buộc việc lựa chọn địa điểm cũng rất “dụng tâm”. Sau khi hành động, mở rộng độ ảnh hưởng một cách phù hợp. Quan chức Bộ quốc phòng Mỹ chủ động cung cấp đầu mối cho báo chí, thao thao bất tuyệt về cái gọi là quyền lợi và tự do đi lại trên biển. Mỹ dày công thiết kế như vậy chỉ nhằm mục đích khiêu khích Trung Quốc, gây rối cho hành động “bảo vệ chủ quyền chính đáng” của Trung Quốc tại biển Đông, ép Trung Quốc phải dừng các hoạt động lấn biển xây đảo (trái phép).
Mặc dù thời gian vừa qua, Trung Quốc đã có triển khai các đợt lấp biển xây đảo trái phép trên biển Đông nhưng Bắc Kinh vẫn trơ tráo nhấn mạnh rằng họ “chưa bao giờ có các hành động khiêu khích”. Bắc Kinh còn đóng vai nạn nhân khi cho rằng đã nhiều lần nêu rõ lập trường với Washington rằng hành động khiêu khích của phía Mỹ không thể ép được rung Quốc từ bỏ “lợi ích chủ quyền” trên biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các “hoạt động chính đáng”, chuẩn bị sẵn kịch bản cho vấn đề biển Đông, tự vệ và bảo vệ đều làm được. Hành động ra oai của Mỹ để hù dọa ai? Nhân dân Nhật báo khẳng định chắc chắn không thể dọa dẫm được Trung Quốc, mà chỉ khiến cho các quốc gia trên biển Đông bất an (!?).
Theo tờ báo, dư luận Trung Quốc cho rằng, hành động lần này của Mỹ chỉ có thể được hiểu là: Thách thức leo thang. Ở Trường Sa không gặt hái được gì nên đành mở ra “chiến trường thứ hai” ở Hoàng Sa. Mỹ biết rất rõ rằng quần đảo Hoàng Sa nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc, trong tình huống này, làm cách nào để đối phó với tàu chiến đột nhập trước cổng nhà? Cách mà Trung Quốc sẽ làm là trục xuất. Và tấn công chính là một cách trục xuất hợp pháp.
Thời báo Hoàn cầu thì cho rằng, hiện tại, đấu pháp của Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông là “anh đánh của anh, tôi đánh của tôi”, Trung Quốc xây đảo theo đúng pháp luật (thực chất là trái phép), Mỹ “phản đối mạnh mẽ” nhưng không làm được gì. Mỹ tự xưng “dựa theo luật quốc tế” đưa tàu chiến vào quấy rối, khiêu khích, Trung Quốc cũng “phản đối mạnh mẽ”, nhưng ũng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. E rằng rất khó đánh giá tính chất chiến lược đối đầu của hai nước trên biển Đông, cả hai đều có sự chủ động và thế mạnh của mình, nhưng đồng thời cũng có phần lực bất tòng tâm. Dường như dư địa tiến thoái của Trung Quốc khá lớn, tuy nhiên khả năng kiểm soát toàn bộ cục diện của Mỹ lại mạnh hơn.
Do đây là sự việc xảy ra “trước cửa nhà” Trung Quốc, cuộc khủng hoảng trên biển Đông càng ầm ĩ thì càng tác động lớn tới xã hội Trung Quốc hơn. Hiện tại cảm giác là Mỹ đang “trói chặt Trung Quốc”, sự đề phòng trước Trung Quốc mang tính tấn công, khiến người Trung Quốc có cảm giác đang bị “bắt nạt”. Hành vi khiêu khích và gây sức ép trên biển Đông của Trung Quốc sẽ không vì sự phản đối của Trung Quốc mà dừng lại, người Trung Quốc cũng cần hiểu rõ rằng, trong thời gian ngắn, biện pháp chống tiếp cận đối với Mỹ sẽ rất có hạn.
Hoàn Cầu lu loa rằng, hành vi khiêu khích của tàu chiến Mỹ diễn ra trước thềm diễn ra Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc Trung Quốc (Chính hiệp) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội), lại một lần nữa nhắc nhở Trung Quốc cần duy trì mức tăng trưởng của ngân sách chi cho quốc phòng, đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác xây dựng năng lực tấn công chiến lược, bao gồm xây dựng lực lượng tấn công hạt nhân lần thứ hai.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa chủ quan phán rằng, có thể khẳng định, trước khi Trung Quốc sở hữu sức mạnh đe dọa hạt nhân bám sát cấp độ của Mỹ và Nga, chắc chắn Mỹ sẽ do dự trong việc dành cho quân sự Trung Quốc sự tôn trọng tối thiểu. Trung Quốc không thể dựa vào quyết tâm chiến lược “bất chấp mọi giá” để xua đuổi tàu chiến Mỹ đến thách thức. Nếu trong tương lai Mỹ tin rằng cái giá mà họ phải trả cho việc khiêu khích Trung Quốc lớn hơn cái giá mà Trung Quốc phải chịu thì việc thực hiện sự tôn trọng giữa hai nước Trung – Mỹ sẽ dễ hơn rất nhiều.
H.L