Báo Trung Quốc: “Mỹ gây sự ở Hoàng Sa để giúp Việt Nam một tay!“

VietTimes -- Trước sự kiện Mỹ đưa tàu chiến vào  phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đã lớn tiếng cảnh cáo Mỹ.
Khu trục hạm Mỹ đã áp sát đảo Tri Tôn hôm 30/1
Khu trục hạm Mỹ đã áp sát đảo Tri Tôn hôm 30/1

     Theo Hoàn Cầu, vài ngày trước khi người dân Trung Quốc đón mừng tết cổ truyền dân tộc, hôm 30/1, một tàu khu trục tên lửa của Mỹ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý trên “đảo Trung Kiến thuộc quần đảo Tây Sa” (thực chất là đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

     Đây là hành động thách thức tiếp theo sự kiện Mỹ đưa tàu khu trục Lassen vào phạm vi 12 hải lý đá Xu Bi (một rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa) trên biển Đông ngày 27/10/2015, đưa máy bay oanh tạc B-52 vào phạm vi 2 hải lý của đá Hoa Dương (thực chất là đá Châu Viên – một rạn san hô thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa) vào ngày 10/12/2015.

     Hoàn Cầu cáo buộc rằng, chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi, quân đội Mỹ liên tiếp “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc, thể hiện hành vi bá quyền thách thức luật quốc tế, xâm phạm “chủ quyền” quốc gia khác của Mỹ. Hơn nữa lần này tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của đảo Trung Kiến (chính xác là đảo Tri Tôn của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép), tính chất khác với những lần trước, là hành vi thách thức nghiêm trọng hơn. Hoàn cầu đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ lại cả gan khiêu khích “chủ quyền” của Trung Quốc trên biển Đông trong thời điểm này? Có thể lý giải từ các góc độ sau:

     Một là thách thức cái gọi là “chủ quyền đối với biển Đông” của Trung Quốc. Vài năm gần đây, Mỹ lấy cứ tự do đi lại trên biển, liên tiếp nhúng tay vào các sự vụ trên biển Đông, thái độ của Nhà Trắng về vấn đề biển Đông từ trung lập chuyển sang công khai bênh vực các nước xung quanh. Thậm chí ông Harry Haris - tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương còn công khai tuyên bố đảo Điếu Ngư và biển Đông không phải là của Trung Quốc. Mỹ luôn cho rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận đều không thể chủ trương có đường cơ sở quần đảo, hầu hết các đảo không có 12 hải lý, hành vi khiêu khích của Mỹ ăn khớp với chủ trương của Nhà Trắng.

     Hai là gây sự trên quần đảo “Tây Sa” sẽ tạo ra hiệu ứng làm mẫu. Ngay từ ngày 15/5/1996, Trung Quốc đã công bố Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về đường cơ sở lãnh hải của nước CHND Trung Hoa, tuyên bố một phần “đường cơ sở của lãnh hải đại lục và đường cơ sở lãnh hải đối với “quần đảo Tây Sa”. Hoàn Cầu tự nhận vơ rằng, ngoài Việt Nam có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, “cộng đồng quốc tế đồng thuận với quan điểm quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc” (?!). Mỹ lựa chọn đưa tàu khu trục vào tuần tra ở “quần đảo Tây Sa” đã vẽ đường cơ sở lãnh hải là vì điều kiện địa lý của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tính chất tương thông, phản đối “Tây Sa” là của Trung Quốc đồng nghĩa với việc làm suy yếu quy tắc đường cơ sở của “Tây Sa”, hành vi này có tính chất làm mẫu, nhằm thẳng vào Trung Quốc.

     Hoàn Cầu võ đoán rằng, ba là “lôi kéo” Việt Nam cùng đối đầu với Trung Quốc. Hiện tại chính phủ Việt Nam vừa thay đổi lãnh đạo, Mỹ cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để “lôi kéo” Việt Nam, vì Việt Nam luôn khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên do không có sách lược, Mỹ gây sự ở Hoàng Sa đồng nghĩa với việc giúp Việt Nam một tay!

     Hoàn Cầu lớn tiếng rằng, hành vi bá đạo lần này của Mỹ là nhằm mục đích làm mẫu cho các quốc gia lân cận xem, “làm hậu thuẫn” để các nước này có nhiều can đảm hơn, mong muốn thông qua sự cứng rắn của Mỹ, để lôi kéo nhiều nước trong khu vực tham gia vào đội ngũ tuần tra trên biển Đông, không chỉ tuần tra ở hải  phận trên biển Đông, mà còn mở ra “chiến trường thứ hai” trên quần đảo Hoàng Sa.

     Hoàn Cầu còn rêu rao, chính vì mục đích của Mỹ là không muốn để Trung Quốc xây dựng tại các đảo trên biển Đông, thay đổi cục diện chiến lược biển Đông, hình thành nên cục diện địa chính trị biển Đông có lợi cho Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc buộc phải xuất chiêu, đối phó một cách hiệu quả.

Trung Quốc đang gấp rút xây đường băng thứ ba trên đá Subi ở quần đảo Trường Sa
Trung Quốc đang gấp rút xây đường băng thứ ba trên đá Subi ở quần đảo Trường Sa

     Tiếp theo Hoàn cầu đã vạch ra các bước toan tính tiếp theo của Bắc Kinh. Trước hết, đẩy nhanh công cuộc xây dựng, chiếm đảo trái phép trên biển Đông. Do tình hình biển Đông hiện tại rất phức tạp, Hoàn cầu cho rằng công tác xây dựng trên quần đảo Trường Sa lấn chiếm của Việt Nam cần “kiên định, không lùi bước”. Một số công trình như hải cảng, sân bay quan trọng cần nhanh chóng hoàn công, khi xảy ra khủng hoảng, có thể sử dụng ngay lập tức.

     Thứ hai, nhanh chóng bố trí lực lượng quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàn Cầu còn trơ tráo rao giảng rằng, Trung Quốc không mong muốn quân sự hóa biển đảo, tuy nhiên chắc chắn không thể không bố trí, hệ thống phòng ngự nhiều hay ít phục thuộc vào mức độ Trung Quốc “bị đe dọa”. Trước những hành vi quân sự hóa biển Đông của Mỹ, Trung Quốc hoàn toàn có thể đường hoàng bố trí các trang  bị cần thiết trên đảo, bao gồm thiết bị thông tin trinh sát, chống tên lửa phòng không ... để bảo vệ cho “chủ quyền” trên biển Đông của Trung Quốc và sự an toàn của lực lượng canh giữ biển đảo.

     Thứ ba, khi cần thiết có thể xây dựng khu nhận diện phòng không trên biển Đông. Hiện tại, lực lượng quân sự mà Mỹ cử sang từ tàu chiến tới chiến cơ, từ Trường Sa tới Hoàng Sa, hàng động ngày càng ngang nhiên không coi ai ra gì, tất cả đã động vào “giới hạn chịu đựng cuối cùng” của Trung Quốc, nếu không áp dụng các biện pháp cần thiết, lần sau liệu Mỹ có đến Bãi Vành Khăn  (một trong 4 bãi đá lớn trên biển Đông) và Bãi cạn Scarborough để gây sự hay không?

     Tờ báo dân tộc chủ nghĩa hô hoán, Trung Quốc cần nhanh chóng cho ra đời Sách Trắng có liên quan đến vấn đề Đông sau Sách Trắng về biển Hoa Đông, kiên định “tuyên bố chủ quyền”, trình bày “tỉ mỉ, đúng sự thật” lịch sử và cơ sở pháp lý mà Trung Quốc có chủ quyền đối với biển Đông, bày tỏ “ thiện chí” của Trung Quốc giải quyết vấn đề biển Đông trên phương châm hòa bình. Đồng thời, lúc cần thiết có thể tuyên bố xây dựng khu nhận diện phòng không tại khu vực này.

     Thứ tư, theo dõi mức độ khiêu khích của quân đội Mỹ để kiên quyết triển khai chống tiếp cận và phản kích. Trước hành vi khiêu khích bá quyền tiến vào phạm vi 12 hải lý của tàu chiến Mỹ, cần phải có sự chuẩn bị trước khả năng tình hình phát triển theo chiều hướng xấu đi, Hoàn Cầu kiến nghị.

     Tờ báo Trung Quốc hăm dọa, trong tình huống thông báo bằng loa, cảnh cáo, xua đuổi đều không đem lại kết quả gì, có thể dự phòng hàng loạt phương án khác như cử tàu chiến ra ép ngoài tàu Mỹ, chiến cơ áp sát tàu Mỹ, đâm tàu, nổ súng cảnh cáo, sẵn sàng chuẩn bị khi cục diện leo thang...

H.L