Trung Quốc muốn mua cả châu Âu

Các thương vụ lớn của Trung Quốc với doanh nghiệp châu Âu gần đây đang làm dấy lên lo ngại về việc nước này dùng kinh tế để tăng cường ảnh hưởng trên thế giới.
Trung Quốc muốn mua cả châu Âu

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang ngày càng để ý tới những công ty châu Âu, đặc biệt là những cái tên danh tiếng. Gần đây, họ bắt đầu quan tâm tới khu trung tâm thương mại cao cấp Potsdamer Platz ở Berlin và hãng sản xuất săm lốp Pirelli của Italy. Vì một số lý do nào đó, châu Âu lại tỏ ra chào đón với giới đầu tư Trung Quốc, kể cả là doanh nghiệp nhà nước, hơn là với công ty Nga.

Cho tới năm 2011, Trung Quốc vẫn là nơi tiếp nhận đầu tư từ châu Âu. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ đã làm sụt giảm giá tài sản tại đây. Một số nước ra sức tiến hành tư nhân hóa, và những công ty có tiếng đã không còn khắt khe trong việc chọn nhà đầu tư. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại hãng ôtô Volvo của Thụy Điển, phần lớn cổ phần của hãng xe hơi Peugeot Citroen, thương hiệu thời trang Sonya Rykiel của Pháp, cảng Piraeus của Hy Lạp, chuỗi nhà hàng Pizza Express và hãng thời trang cao cấp Aquascutum ở Anh. Lượng đầu tư từ Trung Quốc đang tăng theo cấp số nhân.

Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh vào châu Âu
Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh vào châu Âu

 Trung Quốc chỉ đóng góp 1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Đây là con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, số liệu này chưa bao gồm những khoản đầu tư tư nhân, như việc người Trung Quốc đổ xô mua đất ở Bồ Đào Nha hay Latvian thông qua chương trình "Thị thực vàng" của những quốc gia này. Giá cả ở châu Âu đang khá rẻ, họ rất cởi mở và có những yếu tố các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm - công nghệ và thương hiệu.

Thương vụ với Pirelli nhằm vào yếu tố thứ hai. Người mua là Công ty Săm lốp và Cao su Quốc gia Trung Quốc, thuộc địa gia quốc doanh ChemChian, với 20 triệu chiếc lốp được bán ra mỗi năm. Nhưng không mấy ai từng nghe tới thương hiệu Rubber Six and Aeolus của hãng này.

Cái họ cần là một lịch sử huy hoàng và danh tiếng lừng lẫy như của Pirelli. Công ty Italy này dường như đã được định giá quá cao - với giá cổ phiếu gấp 23 lần lợi nhuận. Tuy nhiên nó lại có giá trị thương hiệu cao thứ 5 thế giới.

Với một nhà thầu tham vọng có ngân sách và khả năng sản xuất hùng mạnh, Pirelli quả thực là một mục tiêu lý tưởng. Vốn hóa thị trường của hãng chỉ vào khoảng 7,5 tỷ USD (không là gì so với doanh thu 40 tỷ USD năm ngoái của ChemChina). Danh tiếng của nó sẽ đưa tên tuổi của gã khổng lồ Trung Quốc ra quốc tế. Thương vụ này có những nét tương đồng như khi Geely của Trung Quốc mua lại Volvo. Geely không chỉ muốn tiếp thu công nghệ, mà còn nhằm xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ đó. Hầu hết đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đều đổ vào những công ty có uy tín lâu năm. Với các công ty tư nhân, việc này không đáng ngại, như Hony Capital mua Pizza Express, Fosun International và Ping An Insurance đầu tư vào Potsdamer Platz, hay Geely thâu tóm Volvo. Ngày nay kinh doanh xuyên quốc gia đã trở nên rất phổ biến.

Nhưng khi những doanh nghiệp này rơi vào tay công ty quốc doanh Trung Quốc, đây lại là vấn đề chính trị. Chính phủ Trung Quốc đang muốn tận dụng các doanh nghiệp châu Âu để bành trướng ảnh hưởng trên toàn cầu. "Hiện tại, đầu tư Trung Quốc có vẻ như tiền từ trên trời rơi xuống. Nhưng nó có thể biến thành con ngựa thành Troy, mang theo tư tưởng chính trị và giá trị Trung Quốc vào châu Âu", Sophie Meunier tại Đại học Princeton cho biết trong một nghiên cứu năm ngoái.

Trong khi đó, công ty châu Âu đổ tiền vào Trung Quốc thì bị đòi hỏi lập liên doanh với các đối tác nội địa, và chịu nhiều hạn chế khác tùy từng ngành. EU đang cố gắng đàm phán để được tự do hơn, nhưng vẫn đang ở thế bất lợi.

Mở cửa cho đầu tư Trung Quốc cũng đồng nghĩa giúp quốc gia này nâng cao ảnh hưởng chính trị. Và động thái này cũng chẳng khác gì mở cửa thị trường châu Âu cho những gã khổng lồ năng lượng của Nga, như Rosneft và Gazprom. Những công ty này sẵn sàng chi tiền chỉ để tăng vị thế của Moscow trên bàn đàm phán.

Ngày nay, Chính phủ các nước châu Âu luôn e dè trước những khoản đầu tư từ Nga, kể cả đầu tư tư nhân. Chính phủ Anh đang buộc công ty đầu tư LetterOne của tỷ phú Mikhail Fridman bán tháo những cơ sở sản xuất dầu ở Biển Bắc mà họ mua lại từ Dea (Đức). Bởi vậy, khó có thể nói các thương vụ của công ty quốc doanh Trung Quốc như Dongfeng Motors và ChemChina có thuận lợi hơn hay không.

Châu Âu cần một chính sách chặt chẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy định cụ thể về những hoạt động được cho phép và những nhà đầu tư được khuyến khích. Chẳng hạn như yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư cho những công ty mới. Hoặc đề nghị họ phải hợp tác với đối tác châu Âu và không nắm được quyền kiểm soát doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân. Hiển nhiên là các công ty tư nhân Trung Quốc vẫn có thể trở thành công cụ chính sách của Chính phủ. Nhưng ít nhất thì những chính sách này sẽ khiến cơ hội cạnh tranh ở châu Âu công bằng hơn.

Theo Vnexpress