Khái niệm "an ninh quốc gia" hết sức rộng lớn và được định nghĩa mơ hồ trong luật gây nhiều lo ngại.
Theo AFP, luật nói trên được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc - một cơ quan thường được coi chỉ là nơi thông qua các quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc với đa số tuyệt đối: 154 phiếu thuận, không phiếu chống, và một vắng mặt.
Trong một phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, một quan chức cao cấp của Quốc hội Trung Quốc tuyên bố, tình hình an ninh quốc gia tại Trung Quốc "đang ngày càng nghiêm trọng hơn". Theo quan chức này, luật mới sẽ bảo đảm không có chỗ cho "các xung đột, xâm hại hay can thiệp từ bên ngoài".
Phạm vi của luật an ninh mới bao trùm một loạt các lĩnh vực, từ quân sự, đến văn hóa, kinh tế, bên cạnh nhiều khu vực địa lý mới.
Theo AFP, nhiều doanh nghiệp nước ngoài và nhà ngoại giao bình luận khái niệm "an ninh quốc gia" trong luật là quá rộng.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch ngay lập tức lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc ra luật mơ hồ để gia tăng đàn áp.
Không phủ nhận Trung Quốc có quyền gia luật về an ninh quốc gia, HRW cho rằng trong văn bản luật mới thông qua, có nhiều yếu tố đáng lo ngại.
Theo nữ chuyên gia về Trung Quốc, Vương Tùng Liên (Maya Wang), thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, luật mới có thể biến một công dân bình thường thành một mối đe dọa đối với "an ninh quốc gia".
Một trong các mục tiêu chính của luật này là gia tăng kiểm soát lĩnh vực internet, ngăn chặn các nội dung chính trị khác với quan điểm chính thống của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nữ chuyên gia Vương Tùng Liên nhận xét: Luật an ninh mới nằm trong một loạt các luật liên quan đến an ninh quốc gia (gồm một dự luật chống khủng bố, hay luật về chống "tà giáo" và "các hoạt động mê tín" vừa thông qua tuần trước) mà chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm "triệt hạ khả năng chỉ trích của xã hội dân sự nhắm vào chính quyền".
Còn theo một số nghị sĩ dân chủ Hồng Kông, mặc dù không được áp dụng trực tiếp tại đặc khu hành chính Hồng Kông, nhưng việc Hồng Kông và Macau được nhắc đến trong luật này "tạo áp lực buộc chính quyền Hồng Kông" phải đặt lại vấn đề thông qua luật riêng về an ninh nội địa, bất lợi cho tiến trình dân chủ hóa.
Năm 2003, một dự luật như vậy do chính quyền Hồng Kông đưa ra đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội, khiến khoảng 500.000 người xuống đường phản đối, buộc chính quyền phải rút lại điều luật dự kiến (điều 23 trong Luật cơ bản Hồng Kông, bộ luật được coi là Hiến pháp của đặc khu hành chính này).
Theo: BizLive