Trung Quốc lo lắng trước Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông

Chiều ngày 28/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phản ứng đầu tiên ngay sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra Tuyên bố của Chủ tịch về Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Trong buổi họp báo chiều 28/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái lăp lại quan điểm cho rằng tình hình Biển Đông không phải là vấn đề chung giữa ASEAN và Trung Quốc.

“Bắc Kinh hết sức quan ngại trước việc tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 ra ngày 28/4 có đề cập tới vấn đề Biển Đông… Đây không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Theo ông Hồng Lỗi, Trung Quốc đã “hết sức kiềm chế” trong vấn đề Biển Đông.

“Bắc Kinh kiên quyết phản đối các quốc gia riêng lẻ nói bóng gió về Trung Quốc vì lợi ích của mình và thao túng mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN”, người phát ngôn nói.

Ông này cũng nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên tuyên bố chủ quyền.

Về quan ngại của ASEAN liên quan đến các hoạt động cải tạo, bồi đắp các bãi đá trên Biển Đông, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có quyền xây dựng trên các hòn đảo ở vùng biển này và rằng không hề có vấn đề gì đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ông Hồng Lỗi cũng bác bỏ những cáo buộc của giới chức ngư nghiệp Philippines rằng công việc cải tạo đất đai của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới hoạt động đánh bắt hải sản do các rạn san hô bị hủy hoại.

Những tuyên bố trên của Trung Quốc tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền gần hết (tới 90%) diện tích.

Năm ngoái, Trung Quốc đã trắng trợn đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết và đã gây phẫn nộ sâu sắc trong dư luận khu vực cũng như quốc tế.

Chưa hết, Bắc Kinh còn ngang ngược chiếm bãi cạn Hoàng Nham, nơi thuộc quyền kiểm soát của Philippines và được Manila gọi là Scaborough. Từ khi chiếm bãi cạn này, Trung Quốc thường xuyên cử các tàu hải giám, hải cảnh tới khu vực bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham để tuần tra và xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.

Những hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc không chỉ khiến cộng đồng quốc tế quan ngại mà còn buộc nhiều nước trong và ngoài khu vực phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp để thích ứng với tình hình mới.

Theo Dân trí