Trung Quốc lo chống đỡ phán quyết “lưỡi bò”

VietTimes -- Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông, với hầu hết các dự đoán đều cho rằng Bắc Kinh có khả năng thua. Bắc Kinh đã mở cả một mặt trận ngoại giao nhằm vận động các nước ủng hộ quan điểm Biển Đông của Trung Quốc.
Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc biến thành một pháo đài quân sự
Đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc biến thành một pháo đài quân sự

Theo hãng Bloomberg ngày 13/5, trong những ngày qua ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã liên tiếp tìm cách thuyết phục các nước lớn nhỏ từ Nga, Ba Lan ở châu Âu, cho đến Gambia ở châu Phi, để các nước này ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Theo đó Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague không có thẩm quyền phán xử về Biển Đông, và các tranh chấp tại Biển Đông chỉ nên được giải quyết tay đôi giữa các nước có liên can.

Bloomberg cho biết, thậm chí Bắc Kinh còn bỏ công ve vãn cả một đảo quốc tí hon ở miền Nam Thái Bình Dương là Fidji để nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Các đại sứ Trung Quốc ở các nước đã được lệnh “đăng đàn thuyết pháp” về quan điểm Biển Đông của nước này, đồng thời yêu cầu các nước không nên "xía" vào vấn đề trên.

Các nước ASEAN là một trọng tâm thuyết phục. Ngoại trưởng Trung Quốc vừa ghé Brunei, Lào và Campuchia xong, thì Ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao đã lại tất tả lên đường thăm Malaysia và Indonesia.

Dĩ nhiên là Bắc Kinh cố gắng khoe khoang thành công của mình, như đã đơn phương loan báo là đã có ít nhất ba nước ASEAN là Lào, Campuchia và Brunei “đồng thuận” với chính sách Biển Đông của Trung Quốc, việc chưa được các nước này xác nhận công khai, thậm chí Campuhcia còn lên tiếng bác bỏ.

Theo các nhà quan sát, nếu lập trường của Trung Quốc theo đó Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye không có thẩm quyền xem xét vấn đề Biển Đông được nhiều nước ủng hộ, thì Trung Quốc sẽ tránh được tai tiếng là kẻ coi thường luật quốc tế khi bác bỏ phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực.

Điểm đáng chú ý là Mỹ, nước không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào ở Biển Đông, cũng không ngừng vận động các nước khác thể hiện rõ rệt quan điểm ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa án quốc tế về Biển Đông, đồng thời lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết này.

Ngay từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ ASEAN hồi đầu năm 2016, chính tổng thống Mỹ Obama đã cố gắng thuyết phục các đối tác Đông Nam Á về nhu cầu có lập trường thống nhất, công khai ủng hộ phán quyết của tòa án La Haye. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp diễn ra tại Nhật Bản, chắc chắn ông Obama cũng sẽ tìm kiếm hậu thuẫn của các cường quốc công nghiệp phát triển trên vấn đề này.

Trung Quốc vẽ
Trung Quốc vẽ "đường lưỡi bò" tham lam, phi pháp hòng độc chiếm Biển Đông đã bị cả thế giới lên án

Mới đây, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cũng vừa hoàn tất một vòng công du mới tại Lào, Việt Nam và Malaysia, nơi vấn đề tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cũng được gợi lên.

Ngoài nhóm G7, Liên hiệp châu Âu cũng đã lên tiếng nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông. Trong cuộc đua tìm hậu thuẫn, nhìn chung Mỹ đã thắng vì được sự ủng hộ của rất nhiều nước, chủ yếu là các nước lớn. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc vẫn cố gắng tỏ ra xem thường dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông

Trong một động thái khác, ngày 13/5 Lầu Năm Góc công bố một báo cáo mới cho biết Trung Quốc đã bồi đắp thêm gần 1.300 ha trên 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và nay tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng và quân sự hóa các đảo nhân tạo này. Đây là báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ về các hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2015.

Theo bộ Quốc phòng Mỹ, một khi hoàn tất các công trình xây dựng, 3 trong số các đảo nhân tạo của Trung Quốc nay sẽ là 3 đường băng dài khoảng 3 km có thể tiếp nhận các chiến đấu cơ phản lực và các hải cảng lớn. Bắc Kinh cũng đã đào các con kênh sâu, nạo vét các cảng, đồng thời xây dựng các cơ sở thông tin liên lạc, hậu cần và thu thập tin tình báo.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng tố cáo Trung Quốc có những hành động “cưỡng ép” để khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông, cho dù cho tới nay Bắc Kinh tránh sử dụng các phương tiện quân sự.

Theo ông Abraham Denmark, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á, thỉnh thoảng một vài tàu cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc có hành động “không chuyên nghiệp” đối với các tàu cá và chiến hạm của những nước khác. Ông Denmark cho biết Bắc Kinh có thiết lập một mức độ kiểm soát trong khu vực, nhưng vẫn giữ dưới mức xung đột vũ trang.

Cũng theo báo cáo trên, việc bồi đắp các đảo không cho Trung Quốc thêm bất cứ chủ quyền lãnh thổ nào, nhưng những đường băng, hải cảng, các thiết bị vũ khí, thiết bị giám sát sẽ giúp Bắc Kinh củng cố sự hiện diện dài hạn ở Biển Đông.

Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc lại tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh chỉ khiến cho quan hệ giữa Mỹ với các nước châu Á thêm chặt chẽ. Bản báo cáo của bộ Quốc phòng Mỹ nhắc lại rằng trong khoảng một thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã tăng rất mạnh chi tiêu quân sự, cụ thể là tăng trung bình 9,8% mỗi năm trong giai đoạn từ 2006 đến 2015.