Tờ Thời báo Hoàn cầu viết rằng “đường dây nóng nhắm vào các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các hoạt động gián điệp hay những người xúi giục, tài trợ cho những người khác trong việc thực hiện việc đó”.
Không chỉ giới hạn trong địa bàn tỉnh Cát Lâm, đường dây nóng mới sẽ nhận cuộc gọi từ khắp lãnh thổ Trung Quốc. Các nhà điều tra sẽ phúc đáp thông tin nhận được trong vòng vài ngày song người cung cấp không có phần thưởng nào. Hơn nữa, những ai cung cấp thông giả mạo sẽ bị truy tố, trừng phạt.
Ngay sau thông tin này được công bố, một “bản hướng dẫn” để giúp mọi người xác định được ai hay tổ chức nào là gián điệp xuất hiện trên trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của bản hướng dẫn này.
Theo chỉ bảo của bản hướng dẫn, những người nhiều khả năng là gián điệp thường có công việc mơ hồ, không cụ thể, rõ ràng và có rất nhiều tiền. Họ là “những nhân vật châm ngòi các chủ đề gây tranh cãi, sau đó rút lui, ẩn nấp sau cánh gà và quan sát các cuộc thảo luận”.
Đây là đường dây nóng thứ 2 được thiết lập ở Trung Quốc, sau khi tỉnh Hải Nam mở vào tháng 7. Theo Nhật báo Pháp chế, đường dây nóng ở Hải Nam đã nhận được hàng chục cuộc gọi, từ đó các nhà chức trách phát hiện ra hơn 10 trường hợp đáng ngờ.
Những tháng gần đây, Trung Quốc cho biết họ đã bắt giữ 4 công dân Nhật Bản do tình nghi làm gián điệp. Trong số đó, có 1 người đàn ông Nhật Bản bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ gần một căn cứ quân sự ở tỉnh Chiết Giang.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nói với Thời báo Hoàn cầu rằng “Hiện Trung Quốc đang bước vào thời kỳ quan trọng. Nhiều người nước ngoài muốn có được thông tin về các chiến lược quốc gia và không ít người âm mưu phá hoại sự phát triển của Trung Quốc”.
H.Bình - Theo Telegraph, Shanghaiist, NLĐ