Tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn ở Trung Quốc đã trở nên trầm trọng đến nỗi giới lãnh đạo nước này phải tuyên bố rằng việc bình ổn nguồn cung và giá cả là "nhiệm vụ chính trị quan trọng".
Người Trung Quốc rất ưa chuộng thịt lợn, nhất là các món như thịt lợn xào, sườn lợn xào chua ngọt, thịt lợn hầm, dạ dày lợn, màn thầu thịt lợn...Trung bình mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 54,5 kg thịt lợn mỗi năm. Gần một nửa tổng lượng thịt lợn của toàn thế giới được tiêu thụ ở Trung Quốc.
Nhưng trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ sắp tới gần, giới chức nước này ngày càng tỏ rõ lo ngại về việc nguồn cung thịt lợn không đủ, khiến người dân bất bình. Họ cũng lo ngại rằng tình trạng thiếu thịt lợn sẽ làm hỏng bầu không khí vui vẻ và hòa bình trong lễ kỷ niệm lần thứ 70 quóc khánh, sự kiện lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay.
"Chúng ta cần đảm bảo nguồn cung thịt lợn bằng mọi giá" - Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nói, thêm rằng tình trạng thiếu thịt lợn ở Trung Quốc sẽ trở nên "đặc biệt nghiêm trọng" trong quý cuối cùng của năm nay và nửa đầu năm 2020 - "Chúng ta cần phải tăng cường định hướng và quan sát dư luận".
Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Hồ tuyên bố rằng Chính phủ sẽ tung ra nguồn thịt lợn đông lạnh dự trữ. Cũng giống như Chính phủ Mỹ dự trữ dầu mỏ để tung ra thị trường trong khoảng thời gian khủng hoảng, Trung Quốc cũng dự trữ thịt lợn để sử dụng trong những thời điểm như hiện nay.
"Sự sẵn có của thực phẩm là một trong những thước đo quan trọng đối với người dân khi họ trả lời câu hỏi: Liệu cuộc sống hiện tại có tốt hơn so với 70 năm trước?" - Andrew Polk, chuyên gia phân tích tại hãng tư vẫn Trivium China, trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định - "Vì lý do đó mà giới lãnh đạo có đủ động lực để đảm bảo nguồn cung thịt lợn".
Tình trạng thiếu thịt lợn ở Trung Quốc bắt đầu cách đây 1 năm khi mà dịch cúm lợn châu Phi bùng phát. Đại dịch khiến chính quyền nước này phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn bệnh để ngăn chặn virus lây lan. Hậu quả là trong năm ngoái, đàn lợn của Trung Quốc đã giảm tới 1/3, trong khi sản lượng thịt lợn thành phẩm giảm mạnh.
Trung Quốc sản xuất khoảng 54 triệu tấn thịt lợn trong năm 2018 - theo thống kê chính thức - nhưng dự kiến trong năm nay sẽ chỉ sản xuất được 40 triệu tấn. Rabobank - công ty dịch vụ tài chính Hà Lan - ước tính rằng sản lượng thịt lợn của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 34 triệu tấn trong năm 2020.
Việc tiêu hủy lợn bệnh hàng loạn đã khiến giá thịt lợn tăng cao. Trong tháng 7 vừa qua, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng tới 50%, đạt mức cao kỷ lục là 2,25 USD/pound, vượt qua kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2016.
Giá thịt lợn tăng cao khiến cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao, nhiều người đăng tải hình ảnh cho thấy họ vừa mua một miếng thịt lợn cỡ chỉ bằng ngón tay. Trong một đoạn đăng tải khác trên mạng xa hội TikTok, một người đàn ông đi dọc con phố trên tay xách một tảng thịt lợn lớn và so sánh nó như một chiếc siêu xe Lamborghini.
Khách hàng mua thịt lợn tại một chợ truyền thống ở Bắc Kinh hôm 5/9 (Ảnh: AFP)
|
Ở Xinfadi, chợ thịt lớn nhất Bắc Kinh, các cửa hiệu và khách hàng đều chán nản vì tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn. Trong tháng 8 vừa qua, giá thịt lợn tăng nhanh nhất mà bà Yu - 50 tuổi, chủ một cửa hiệu bán thịt trong chợ suốt 20 năm qua - có thể nhớ được.
"Nó ảnh hưởng lớn tới công việc kinh doanh của tôi" - bà Yu nói, thêm rằng lượng khách hàng tới mua thịt đã giảm tới 1/3 nếu so với cùng kỳ năm ngoái - "Giờ có rất ít khách mua bởi nhiều người không đủ tiền mua thịt lợn. Họ nói giá đắt quá".
Shang Jinsheng - một người hưu trí 68 tuổi - cho hay bà chỉ dám bỏ tiền mua một lượng thịt lợn bằng một nửa so với thường lệ, thay vào đó chuyển sang sử dụng thủy sản để thay thế.
"Trước đây tuần này tôi cũng mua thịt lợn, giờ đã 3 tuần rồi tôi chưa mua chút nào" - bà Shang nói - "Tôi chuyển sang mua tôm, nhưng ngày nào cũng qua hàng thịt lợn để theo dõi giá cả ra sao".
Trong lúc kỳ nghỉ lễ tới gần, chính quyền các cấp ở Trung Quốc đang có nhiều hành động để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.
Ở thành phố Quảng Châu, chính quyền đã bắt đầu xuất kho 1.800 tấn thịt lợn cấp đông để cung cấp cho các chợ địa phương, từ nay cho tới dịp lễ ngày 1/10 tới. Ở Nam ninh, người dân có thể mua thịt lợn với giá giảm 10% so với giá trên thị trường. Tuy nhiên, mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 1 kg mỗi ngày, và chủ cửa hiệu chỉ được bán mỗi ngày một con lợn.
Chính phủ Trung ương đã ra chỉ thị rằng các tỉnh thành cần phải tự chủ nguồn cung thịt lợn của họ. Trong khi đó, các ngân hàng phải tiếp tục cho vay đối với các chủ hộ trang trại nuôi lợn và các lò mổ với lãi suất thấp. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn không có cách giải quyết nhanh chóng tình trạng này.
"Lợn không thể tăng trưởng chỉ trong một đêm được. Chúng cần thời gian" - ông Sun, 45 tuổi, chủ một quầy bán thịt lợn ở chợ Xinfadi nói.
Nhằm lấp đầy chỗ thiếu hụt, lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay. Trung Quốc nhập thịt lợn chủ yếu từ các nước châu Âu, và một lượng khác của Mỹ. Điều này càng khiến thương chiến với nước Mỹ thêm phần thách thức. Bắc Kinh đã áp thuế 10% đối với hàng nông sản Mỹ trong tháng 9, khiến mức thuế đối với thịt lợn nhập từ Mỹ lên tới 72%, cùng lúc hủy một số lô hàng thịt lợn lớn nhập từ Mỹ.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giảm thiểu tầm ảnh hưởng của thương chiến. Một quan chức nước này phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia rằng lượng thịt lợn nhập từ Mỹ chỉ chiếm không quá 0,2% tổng lượng thịt lợn trên thị trường nước này. Tuy nhiên, lượng thịt lợn mà Trung Quốc nhập từ Mỹ đã giảm gần 2 lần chỉ trong vòng 2 năm qua, ngay trong thời điểm mà Trung Quốc cần tới nguồn cung thịt lợn nhất.
Trong một biện pháp khác, chính quyền các cấp cũng thuyết phục người dân ăn ít thịt lợn hơn.
Tờ Life Times của Trung Quốc thậm chí còn có bài viết cho rằng ăn quá nhiều thịt lợn không có lợi cho sức khỏe. "Hãy ăn ít thịt lợn đi: Cả ví tiền và cơ thể bạn sẽ cảm ơn bạn" - tiêu đề của bài viết đăng tải trên mạng xã hội Weibo nêu rõ. Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc chả mấy hứng thú với những bài viết kiểu này.
Theo Washington Post