Chiếc máy bay không người lái, có biệt danh “Phong Điểu” ("Hummingbird", Chim Ruồi) này, được Công ty Hoa Kình (hay China ASRock Innovation, Shenzhen Co., Ltd.) nghiên cứu phát triển. Máy bay không người lái Phong Điểu chỉ dài chưa đến 15 cm và cánh quạt chính có đường kính 13 cm. Thân máy bay có kích thước bằng quả trứng gà, nằm lòng bàn tay được trang bị hàng nghìn linh kiện, bao gồm cảm biến laser, camera quang học, pin rời, v.v. Chỉ nặng 35 gram, giá mỗi đơn vị khối lượng cao gấp mấy lần giá vàng.
UAV Phong Điểu được giới thiệu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (Ảnh: CCTV). |
Theo giới thiệu, UAV Phong Điểu có thể bay liên tục trong 25 phút mỗi lần và có bán kính liên lạc 2 km. Nó có nhiều chức năng như định vị ánh sáng, tránh chướng ngại vật bằng tia laser và quay phim chụp ảnh nhiệt. Với khả năng cơ động linh hoạt, lên xuống và bay tiến bay lùi, Phong Điểu có thể hoàn thành các nhiệm vụ như tiếp cận trinh sát và cũng có thể được kết nối với hệ thống chỉ huy chiến thuật, giúp nâng cao khả năng nhận biết tình huống và thu thập thông tin tình báo. Dự kiến, Phong Điểu sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Sơ đồ cấu tạo UAV tí hon Phong Điểu (Ảnh: Sohu). |
Tuy nhiên, thực ra Phong Điểu chỉ là bản copy của một loại UAV tí hon khác đã được quân đội Mỹ sử dụng đã lâu trước đây có tên "Black Hornet". Theo trang tin Sohu, nhà phát triển của Phong Điểu là Hoa Kình (còn gọi Huaqing), một công ty tư nhân có trụ sở chính tại Thâm Quyến, công ty cho biết chiếc UAV tí hon này của họ có thể truyền hình ảnh độ nét cao hoặc hình ảnh thời gian thực trong khoảng cách hơn 2 km.
Máy bay không người lái Phong Điểu nặng hơn so với chiếc "Black Hornet", dài 10 cm và nặng 18 gram do công ty Prox Dynamics của Na Uy sản xuất và được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 2012. Tuy nhiên chiếc "Black Hornet" chỉ có thể truyền hình ảnh xa 400 mét, mặc dù thời gian hoạt động của hai máy bay không người lái là tương đương nhau, khoảng 25 phút, nhưng pin của Phong Điểu có thể tháo rời và thay thế sau khi bay, còn pin của "Black Hornet" cần phải sạc.
Phong Điểu được sử dụng trinh sát chiến trường (Ảnh: Dwnews). |
Cả hai loại UAV tí hon này đều có một tổ hợp máy ảnh tương tự có thể chụp ảnh toàn cảnh ở độ cao tương đối lớn và máy ảnh nhiệt để nhìn ban đêm có thể được lắp đặt trên máy bay.
Các tính năng khác của máy bay không người lái Phong Điểu bao gồm cảm biến laser ở cả mọi phía để giúp nó phát hiện và tránh chướng ngại vật. Nó cũng hỗ trợ các liên kết dữ liệu được nối mạng, có nghĩa là có thể sử dụng tới 16 máy bay không người lái cùng loại trong một hệ thống để thực thi nhiệm vụ. Các liên kết dữ liệu này cũng có nghĩa là hệ thống chỉ huy chiến thuật tối tân này có thể điều khiển máy bay không người lái từ mặt đất thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh - điều này có thể mang lại lợi thế cho nó so với loại "Black Hornet" đã được sử dụng trong gần một thập kỷ.
Mạng chỉ huy UAV F-100 của quân đội Mỹ với thiết bị điều khiển và 2 chiếc Blackhornet (Ảnh: QQ). |
Máy bay không người lái siêu nhỏ Phong Điểu được trang bị 4 camera, đó là camera ánh sáng thường và camera nhiệt được trang bị theo hướng ngang phía trước và một camera được lắp đặt theo hướng 45 độ, có thể thực hiện quay hình ảnh toàn cảnh hướng xuống ở độ cao bay cao hơn. Camera hướng xuống được sử dụng để định vị theo chiều ngang của luồng ánh sáng và radar TOF siêu nhỏ bốn hướng có thể tránh chướng ngại vật một cách hiệu quả và thông minh.
Chiếc Blackhornet-3 phiên bản mới nhất của Mỹ (Ảnh: QQ). |
Theo truyền thông Trung Quốc, so với “Blackhornet”, Phong Điểu của Trung Quốc bay an toàn và thông minh hơn. Đồng thời, chức năng liên kết cũng mạnh mẽ hơn, có thể hỗ trợ quay video thời gian thực với độ phân giải 1080p, hỗ trợ công nghệ mạng “bầy đàn”, hiện có thể hỗ trợ đội hình 16 chiếc UAV. Trạm mặt đất có thể được kết nối với hệ thống chỉ huy chiến thuật như ATAK, và trung tâm chỉ huy có thể nắm bắt thông tin chiến trường từ xa về thiết bị cuối trong thời gian thực, nâng cao độ chính xác và hiệu quả chỉ huy và ra quyết định.
Máy bay không người lái “Blackhornet” quân đội Mỹ hiện sử dụng được công ty Prox Dynamics AS của Na Uy phát triển và chế tạo. Mặc dù trông giống như một món đồ chơi nhưng nó hoạt động tốt trong chiến đấu thực tế.
Video giới thiệu UAV Phong Điểu tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải (Video: QQ). |
"Blackhornet-3" phiên bản cải tiến mới nhất chỉ nặng 33 gram và dài 16,8 cm, thời gian bay tối đa 25 phút, tốc độ bay 21 km một giờ và độ cao bay tối đa là 120 mét. Đầu máy bay cũng được trang bị cảm biến quang điện và thiết bị ảnh nhiệt. Nó có thể thực hiện nhiệm vụ giám sát vào ban đêm và có thể thực hiện truyền video được mã hóa trong phạm vi 2 km.
Hệ thống Blackhornet P-100 cấu tạo đơn giản hơn Phong Điểu rất nhiều, chỉ bao gồm 2 máy bay không người lái và một thiết bị điều khiển từ xa bằng bàn tay, chỉ cần một người lính thao tác.