Trung Quốc gây căng thẳng, Mỹ-Nhật-EU liên thủ đối phó

VietTimes -- Nhằm đạt mục đích cưỡng bức các quốc gia láng giềng công nhận những tuyên bố phi pháp về những quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, trong vòng 5 năm trở lại đây, Bắc Kinh liên tiếp tiến hành những hoạt động có tính khiêu khích và đe dọa chiến tranh trên cả biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tàu JS Ariake và tàu JS Setogiri cập Cảng quốc tế Cam Ranh trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 - 15.04.2016
Tàu JS Ariake và tàu JS Setogiri cập Cảng quốc tế Cam Ranh trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 - 15.04.2016

Tiếp theo: Trung Quốc chơi trò “bên miệng hố chiến tranh” nguy cơ gậy ông đập lưng ông

Theo giới quan sát, các quốc gia trực tiếp chịu tác động của chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” này là Nhật Bản, Việt Nam, Philipines và một số quốc gia Đông Nam Á, nhưng căng thẳng nhất vẫn là Việt Nam và Philipines, sau đó là Nhật Bản. Tính huống diễn ra thường sát ngưỡng nổ súng. Trong vụ hạ đặt giàn khoan dầu HD-981, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã mở bạt che vũ khí để đe dọa và sử dụng tàu vận tải lớn đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Với chiến lược này, Trung Quốc hy vọng các quốc gia láng giềng chấp nhận giải pháp đàm phán song phương nhằm đạt lợi thế cao nhất hoặc luôn phải đối mặt với tình trạng nguy cơ chiến tranh cận kề.

Chiến lược này đã có chút hiệu quả khi Mỹ bận rộn với tình hình nội chiến ở Ukraine và sự cố can thiệp không thành công ở Syria đã buộc CIA, Lầu Năm Góc phải tập trung sự quan tâm vào việc tổ chức lực lượng giải quyết vấn đề Trung Đông. Lợi dụng cơ hội này Trung Quốc đã gia tăng đến chóng mặt tốc độ bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, tạo dưng vị thế tiếp tục chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” thúc đẩy các quốc gia láng giềng phải tiến hành đàm phán trong điều kiện bất lợi “đồng ý hay xung đột không chủ ý”.

Sự kiện Nga bất ngờ can thiệp ở Syria khiến tình huống lại xoay chiều theo một hướng mới. Chính quyền Assad đứng vững và Mỹ mất lợi thế gây sức ép ở Trung Đông, chuyển sự chú ý về khu vực Biển Đông, nơi mà Trung Quốc có thể sẽ giành được quyền thống trị khu vực. Chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” và những đảo nhân tạo là điều kiện tốt nhất để Mỹ phục hồi trọng tâm chiến lược ở khu vực này, và đó chính là nhược điểm chết người của định hướng chiến lược hải dương Trung Quốc.

Giới quân sự Mỹ muốn hành động quyết liệt hơn

Ngày 06.04.2016, Tư lệnh trường Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương các lực lượng vũ trang Mỹ, Đô đốc Harry Harris đưa ra đề xuất  cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đặc biệt, ông tin rằng cần phải tăng cường hơn nữa những hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, trong đó bao gồm gia tăng tần suất các chuyến bay của không quân hải quân, thu thập thông tin tình báo trong vòng mười hai dặm khu vực lãnh hải  bờ biển Trung Quốc.

Dẫn nguồn từ các quan chức Lầu Năm Góc, Báo Navy Times cho rằng Nhà Trắng không khuyến khích những tuyên bố cứng rắn của các quan chức quân sự. Vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở Washington năm 2010, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã công bố lệnh cấm các quan chức quân sự có bất kỳ ý kiến về tình hình Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain cáo buộc Nhà Trắng về sự lo lắng quá đáng về những rủi ro và chính sách thiếu quyết đoán trong vấn đề với Trung Quốc. Theo ông McCain, chính sách này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường các hành động bá quyền ở Biển Đông và khiến các đồng minh Mỹ trong khu vực mất phương hướng.

Cũng tại Washington Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không trên biển, nhưng một mặt khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Ông Tập tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận được những hành vi được thực hiện dưới vỏ bọc bảo vệ tự do hàng hải, nhưng lại đe dọa an ninh của Trung Quốc.

Điều đó có thể được hiểu là, những hành động mà các quốc gia khác, thực hiện trong vùng nước đảo nhân tạo, có thể được Bắc Kinh coi đó là hành vi đe dọa an ninh quốc gia, hay hiểu rộng hơn là Trung Quốc sẽ áp đặt các quy định cho tư do hàng hải và tự do hàng không trên vùng nước quần đảo Trường Sa.

Chiến lược “Bên miệng hố chiến tranh” sẽ dẫn đến điều gì?

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai hệ thống phòng không với hai khẩu đội tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thử nghiệm đường băng quân sự được xây dựng trên đảo nhân tạo Đá Chữ Thập.

 

Tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre Hải quân Pháp thăm Việt Nam

Những động thái cứng rắn của Bắc Kinh đã gây lên ấn tượng xấu đối với châu Âu. Ngày 05/06/2016 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Y ves Le Drian lên tiếng kêu gọi sự hiện diện quân sự của châu Âu trên Biển Đông tại Hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Đại diện chính thức của EU, lần đầu tiên đưa ra tuyên bố muốn EU can thiệp vào giải quyết các vấn đề trên Biển Đông nhằm ngăn chặn bất ổn và xung đột.

Pháp với dự kiến can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đóng vai trò tương tự như Nhật Bản và Mỹ. Trong đó hai quốc gia này đang cố gắng thể hiện là quốc gia hàng đầu dẫn dắt một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực. Chính phủ Pháp cho rằng, hải quân châu Âu nên thường xuyên có sự hiện diện trên vùng nước Biển Đông và tham gia vào sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Lời phát biển của Bộ trường Quốc phòng Pháp
 về vấn đề Biển Đông

Pháp đã kêu gọi EU hành động nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực, bao gồm những hoạt động thương mại với các nước ASEAN, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Jean-Yves Le Drian cho rằng "nếu chúng ta muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền này (quyền tự do hàng hải) và tự bảo vệ lợi ích của chính mình. "

Tương tự như Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani Nhật Bản, kêu gọi sự viện trợ quân sự nhiều hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của các quốc gia này, đại diện của Pháp ám chỉ  tư tưởng bá quyền của Bắc Kinh chính là nguyên nhân mối đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.

"Nếu pháp luật hàng hải quốc tế không được tôn trọng trên những vùng biển gần Trung Quốc (Biển Đông, biển Hoa Đông), ngày mai pháp luật quốc tế sẽ bị đe dọa không tôn trọng ở Bắc Cực, Địa Trung Hải, bất cứ nơi nào có thể,) Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố.

Đáp trả chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” Mỹ triển khai hàng hoạt những hành động quân sự trên Biển Đông, đàm phán với Philipines nhằm tăng cường sự hiện diện của Lính thủy đánh bộ Mỹ và quyền sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philipines để triển khai luân phiên các lực lượng không quân và Không quân Hải quân, không quân Lính thủy đánh bộ. Mỹ chưa có kế hoạch cung cấp các loại vũ khí hạng nặng hơn cho Philipines, nhưng cũng không loại trừ khả năng này.

Trong tháng 5 và tháng 6.2016, Mỹ và Nhật Bản đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quân sự với Philipines đồng thời đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích những hành động đe dọa của Trung Quốc.

Trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế, truyền thông nhiều nước và các cơ quan thông tấn báo chí công bố các thông tin cho biết: Trung quốc đang phát triển mạnh lực lượng dân quân biển, sẵn sàng cho các hành động quyết liệt tranh chấp chủ quyền dưới sự yểm trợ của tàu vỏ trắng (tàu thực thi pháp luật biển Trung Quốc), đóng hàng chục nghìn tàu cá hạng nặng trang bị tốt. Ngoài những căn cứ quân sự, tiền đồn của Trường thành cát trên Biển Đông, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển, cung cấp nguồn năng lượng cho các khu vực mà Bắc Kinh dự kiến sẽ áp đặt quyền kiểm soát.

Châu Âu tham gia vào vấn đề Biển Đông – đây chính là điều mong đợi của Mỹ" nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ Mira Rapp-Hooper nhận xét trong một cuộc phỏng vấn. Nhà nghiên cứu cho rằng, Pháp dự kiến các nước châu Âu sẽ tham gia tích cực vào các vấn đề phát sinh sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế PCA Lague trong vụ kiện tranh chấp giữa Trung Quốc và Philipines.

Hãng tin China Daily trong một tuyên bố ủng hộ chính quyền Bắc Kinh đã bình luận: “Washington cần biết, mọi hành động khiêu khích từ phía Mỹ sẽ nhận được sự đáp trả mạnh hơn gấp nhiều lần từ phía Bắc Kinh, sự phát triển không mong muốn trong quan hệ giữa hai nước sẽ dẫn đến sự đối đầu và sự chuẩn bị cho một tình huống, khi các sự cố sẽ dẫn đến một kịch bản xấu nhất (xung đột vũ trang), trong một thời điểm nào đó có thể xảy ra không định trước”.  

Nhưng tuyên bố gần đây của cựu ủy viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và bài viết trên báo Hoàn Cầu Trung Quốc cho thấy một nguy cơ hoàn toàn khác phía sau Chiến lược “Bên miệng hố chiến tranh” – đó là bản thân Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ có thể của một cuộc “chiến tranh không chủ ý”, một điều mà Trung Quốc không mong đợi và đang cố hết sức né tránh khi còn có thể.

Bản chất thực tế của chính sách đối ngoại Trung Quốc nhằm hướng sự quan tâm dân tộc của quốc gia đông dân nhất hành tinh này vào các vấn đề đối ngoại với tinh thần của “một dân tộc vĩ đại” để giải quyết vấn đề nội bộ. Tiến hành một chính sách đối ngoại mang màu sắc chiến tranh với Mỹ và các nước đồng minh không phải là ý định hàng đầu của quốc gia “công xưởng thế giới”. Sụ hình thành tư tưởng “chống Trung Quốc” ở Mỹ và châu Âu không phải là thành công mà là thảm họa.

Trung Quốc buộc phải cứng rắn trên Biển Đông, buộc phải đầu tư ngân sách gia tăng lực lượng và phương tiện chiến tranh để duy trì vị thế địa chính trị và bảo vệ chắc chắn tuyến đường vận tải huyết mạch cung cấp nguồn năng lượng cho công nghiệp sản xuất của Trung Quốc. Nhưng mỗi bước đi tiếp theo, Trung Quốc lại lôi kéo thêm nhiều quốc gia hùng mạnh tham gia vào vấn đề Biển Đông, ngoài Mỹ - Nhật, còn có các nước khác như Ấn Độ, Úc, EU và Indonesia.

Sau ngày 12/07/2016, mọi hy vọng giải quyết vấn đề Biển Đông trên thế mạnh theo chiến lược ‘bên miệng hố chiến tranh” sẽ sụp đổ. Philipines sẽ tăng cường sức mạnh quân sự với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật, có thể sẽ là EU, đi kèm theo đó là sự hiện diện của nhiều lực lượng quân sự trên Biển Đông nhằm thực hiện sứ mệnh “tự do hàng hải”.

Tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS mà Philipines có thể yêu cầu Mỹ cung cấp

Trung Quốc phải tiếp tục tăng cường ngân sách quốc phòng, gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông  đối đầu với những động thái mới của liên minh do Mỹ-Nhật hình thành và hoàn toàn không thu lại được bất cứ lợi ích gì từ các đảo nhân tạo hoặc quân sự hóa Biển Đông nếu đưa vào thực hiện.

Tình hình trên Biển Đông tiếp tục căng thẳng do trong nội bộ xã hội Trung Quốc yêu cầu phải có các hành động quyết đoán nhằm đẩy lùi Mỹ khỏi Biển Đông và biển Hoa Đông, bảo vệ cái gọi là “chủ quyền lịnh sử”. Những hành động này lại kéo theo sự xuất hiện của các lực lượng khác có lợi ích trong khu vực như EU. Bắc Kinh thực sự phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và “lợi ích cốt lõi” trong thời gian tới.

TTB