Trung Quốc đứng ở vị trí nào về tàu sân bay trên thế giới hiện nay?

VietTimes -- Trung Quốc với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang có tham vọng to lớn trong lĩnh vực tàu sân bay, nhưng trong dài hạn, Mỹ vẫn giữ vững vị trí số 1, khó có nước nào đuổi kịp và vượt qua.
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay động cơ thông thường Type 001A Trung Quốc hạ thủy ở nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay động cơ thông thường Type 001A Trung Quốc hạ thủy ở nhà máy đóng tàu Đại Liên thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 28/4 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho hay tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A của Trung Quốc có lượng giãn nước 70.000 tấn, dài 315 m, rộng 75 m, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh - Trung Quốc cải tạo từ tàu Varyag mua của Ukraine.
Mặc dù tàu sân bay Type 001A hạ thủy được một số người cho là tiêu chí nắm giữ công nghệ hải quân của Trung Quốc, nhưng một số nhà quan sát quân sự cho rằng thực lực của hải quân Trung Quốc vẫn chỉ tương đương khoảng 4% của Mỹ.
Sau khi chính thức đưa vào hoạt động, tàu sân bay mới của Trung Quốc cũng sẽ không thể độc lập chạy ra biển. Tàu sân bay thông thường hành động theo biên đội, tàu chính ở trung tâm biên đội, các trang bị trên không và trên biển khác sẽ đi theo bảo vệ và hỗ trợ.
Như vậy, so với các cường quốc quân sự khác, biên đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ như thế nào và đứng ở vị trí nào trên thế giới trong lĩnh vực tàu sân bay?
Trung Quốc: 1 chiếc đang hoạt động, 1 chiếc hạ thủy
Hiện nay, hải quân Trung Quốc biên chế một chiếc tàu sân bay duy nhất là tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu sân bay này chủ yếu dùng để nghiên cứu khoa học và huấn luyện. Trong đó, năm 2017, tàu sân bay Liêu Ninh đã tập trung tiến hành huấn luyện cất, hạ cánh máy bay trên Biển Đông.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Hãng tin Kyodo Nhật Bản dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho rằng biên đội tàu sân bay Liêu Ninh gồm có 3 tàu khu trục tên lửa, 3 tàu hộ vệ, 1 tàu tiếp tế, các máy bay chiến đấu J-15 và nhiều máy bay trực thăng.
Theo báo chí Trung Quốc, mặc dù điều kiện khí tượng, thủy văn đã tạo ra rất nhiều thách thức cho hoạt động huấn luyện cất, hạ cánh của máy bay trên tàu sân bay, nhưng các hoạt động huấn luyện này đã giúp hải quân Trung Quốc tích lũy được những kinh nghiệm quan trọng, từ đó hình thành sức chiến đấu cho biên đội tàu sân bay.
Tàu sân bay Mỹ: 10 chiếc đang hoạt động
Mỹ không chỉ có một lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, mà hải quân Mỹ còn có trên 75 năm kinh nghiệm sử dụng lực lượng không quân hải quân (máy bay trên tàu sân bay). Hiện nay, hải quân Mỹ đang có 10 tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz đang hoạt động trên khắp thế giới.
Một cụm tấn công tàu sân bay của Mỹ là một đơn vị tác chiến lớn nhất của hải quân Mỹ, thông thường gồm có 1 tàu sân bay, 7.500 nhân viên, 1 tàu tuần dương tên lửa có khả năng tần công tầm xa, 1 hạm đội cỡ nhỏ dùng để phòng không với 6 - 8 tàu khu trục hoặc tàu hộ vệ, 1 tàu ngầm tấn công dùng để tiêu diệt tàu ngầm và tàu chiến địch, 1 tàu tiếp tế đạn dược cùng với 65 - 70 máy bay.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson lớp Nimitz của hải quân Mỹ có chiều dài 333 m, lượng giãn nước 100.000 tấn, tháng 2/2017 bắt đầu tiến hành tuần tra Biển Đông.

Cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Trong thời điểm tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đã nhận lệnh chạy đến vùng biển bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Mỹ cho biết, cụm tấn công tàu sân bay này gồm có một liên đội máy bay, 2 tàu khu trục tên lửa và 1 tàu tuần dương tên lửa.
Trang mạng hải quân Mỹ cho biết cụm tấn công tàu sân bay có thể dùng để bảo vệ lực lượng đổ bộ trên biển, hàng không quân sự hoặc kinh tế.
Trước đây, Mỹ từng cho biết theo chính sách "quay trở lại châu Á" của chính quyền Barack Obama, đến trước năm 2020, Mỹ sẽ điều 60% lực lượng hải quân đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump - nay là Tổng thống Mỹ từng cam kết nâng cấp phần cứng và các lực lượng của quân đội Mỹ, bao gồm chế tạo 80 tàu chiến tiên tiến.
Tàu sân bay Anh: 2 chiếc đang chế tạo
Hiện nay, hải quân hoàng gia Anh chưa có tàu sân bay trong biên chế, nhưng đang chế tạo 2 tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth lượng giãn nước 67.000 tấn. Đây là tàu sân bay lớn nhất do Anh chế tạo trong lịch sử.
Tàu sân bay đầu tiên lớp Nữ Hoàng Elizabeth cũng mang tên là Nữ hoàng Elizabeth, đã hạ thủy vào năm 2014, dự tính đến năm 2021 sẽ hoàn thành và có khả năng tác chiến. Tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth thứ hai được đặt tên là Hoàng thân xứ Wales, sẽ hoàn thành muộn hơn tàu đầu tiên 2 năm.
Theo thiết kế, tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth có thể chở 36 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và 4 máy bay trực thăng Falco Columbarius, ngoài ra, nó còn có thể chở máy bay trực thăng Chinook và Apache.

Tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth, Anh. Ảnh: PA/Telegraph
Tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth, Anh. Ảnh: PA/Telegraph

Mỗi cụm tấn công tàu sân bay Anh đều sẽ có máy bay chiến đấu tàng hình, 1 liên đội máy bay trên tàu sân bay, các tàu khu trục và tàu hộ vệ, rất có khả năng còn có 1 tàu ngầm.
Tàu sân bay Ấn Độ: 1 chiếc hạ thủy và 2 chiếc đang chế tạo
Tàu sân bay INS Vikramaditya lớp 44.570 của Ấn Độ được cải tạo từ tàu sân bay Nga, năm 2013 chính thức hạ thủy.
Ấn Độ còn đang chế tạo tàu sân bay INS Vikrant lớp 40.000 tấn, dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2023, trở thành tàu sân bay tự chế hoàn toàn đầu tiên của Ấn Độ.
Theo tờ The Times of India năm 2016, tàu sân bay INS Vikrant sẽ có thể chở 30 máy bay, bao gồm máy bay trực thăng.
Ngoài ra, theo tờ The Diplomat Nhật Bản, Ấn Độ còn đang chế tạo tàu sân bay INS Vishal lượng giãn nước 65.000 tấn, lắp động cơ hạt nhân. Nó sẽ có thể chở 55 máy bay, bao gồm 35 máy bay chiến đấu cánh cố định và 20 máy bay cánh xoay.
Trên thực tế, bài viết chưa liệt kê hết tàu sân bay của các nước đã và đang chế tạo, chẳng hạn tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới lớp Ford của hải quân Mỹ hay tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle R91 của hải quân Pháp, tàu sân bay Kuznetsov của hải quân Nga.
Trong đó, Mỹ vẫn là nước sở hữu nhiều tàu sân bay nhất, có tàu sân bay hiện đại nhất. Trong dài hạn, hầu như tất cả các nước khó có thể đuổi kịp và vượt Mỹ trong lĩnh vực tàu sân bay.

Tàu sân bay INS Vikramaditya. Ảnh: The Indian Express
Tàu sân bay INS Vikramaditya của hải quân Ấn Độ. Ảnh: The Indian Express