Trung Quốc điều 5 chiến hạm áp sát lãnh thổ Mỹ nhằm mục đích gì?

Bắc Kinh đã phát đi nhiều thông điệp tới Washington vì sự kiện diễn ra đúng một ngày trước cuộc diễu binh phô trương lực lượng của Bắc Kinh hôm 3/9, mà Tổng thống Barack Obama đã chọn cách không tham dự, và cũng đúng lúc ông Obama đi thăm Alaska dự một hội nghị quốc tế về Bắc Cực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tờ báo của người Hoa hải ngoại Đa Chiều tung hô rằng sự kiện Bắc Kinh vừa điều 5 tàu chiến vào eo biển Bering, áp sát Alaska là một động thái chiến lược khôn ngoan.

Theo các nguồn tin Lầu Năm Góc, nhóm chiến hạm Trung Quốc đã đi qua vùng 12 hải lý của chuỗi đảo Aleutian sát rìa phía nam biển Bering vào ngày 2/9. Trung Quốc tuyên bố nhóm tàu hải quân được điều động tham gia cuộc tập trận chung với Nga hồi đầu tháng tại vùng biển Thái Bình Dương thuộc Nga và biển Nhật Bản. Đây là “hoạt động bình thường” không nhằm vào bất kỳ nước nào.

Đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc áp sát Alaska. Trước đó, các chiến hạm Trung Quốc tiến gần lãnh thổ Mỹ nhất là khi tham gia cuộc diễn tập hải quân quốc tế RIMPAC tại Hawaii. Động thái này của Trung Quốc không nghi ngờ bị Mỹ xem là một động thái chiến lược nhằm nỗ lực tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực. Ngoài ra, Đa Chiều còn cho rằng Bắc Kinh đã phát đi nhiều thông điệp tới Washington vì sự kiện diễn ra đúng một ngày trước cuộc diễu binh phô trương lực lượng của Bắc Kinh hôm 3/9, mà Tổng thống Barack Obama đã chọn cách không tham dự, và cũng đúng lúc ông Obama đi thăm Alaska dự một hội nghị quốc tế về Bắc Cực.

Tàu sân bay Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2014  tại Hawaii.
Tàu sân bay Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2014 tại Hawaii.

Theo tờ báo, trước tiên quyết định điều chiến hạm tới Alaska cảnh báo ông Obama rằng ông không thể phớt lờ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thứ hai, động thái trên diễn ra đúng 3 tuần trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ và trước khi Bắc Kinh thông báo nghị trình. Ông Tập không thể xuất hiện với thế yếu và phải biểu lộ một hình ảnh cương quyết và đáng kính trước cuộc gặp thượng đỉnh với ông Obama.

Động thái này cũng tương tự quyết định của Trung Quốc cho thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình J-20 trước chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates, do ông Obama phái tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào tháng 1/2011.

Thứ ba, các chiến hạm hải quân Trung Quốc tiến vào Alaska trong lúc Trung Quốc bị cáo buộc về thái độ hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Động thái trên bị Washington xem là mang tính khiêu khích, trong khi Mỹ luôn lấy vấn đề tự do hàng hải để chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Với việc hiện diện sát Alaska, Bắc Kinh muốn nói rằng các chiến hạm Trung Quốc đi qua chuỗi đảo Aleutian là hành động “phù hợp với luật pháp quốc tế”. Nó cũng nhắc lại điều mà ông Tập nói với ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi thăm Bắc Kinh rằng Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Trung Quốc và Mỹ.

Mỹ đã phản ứng hòa nhã trước sự hiện diện của chiến hạm Trung Quốc, cho thấy sự tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải, trong khi Trung Quốc thường phản ứng một cách quyết liệt thái quá như phát cảnh báo, quẫy nhiễu bằng tàu bè, máy bay thậm chí chặn, đe dọa đâm húc khi tàu Mỹ tiến sát vùng nước Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Một số quan chức Mỹ còn cho rằng sự có mặt của Trung Quốc gần Alaska là một tiến triển tích cực vì nó cung cấp cho Mỹ nhiều lý do hơn để tăng cường hiện diện quân sự tại vùng biển quốc tế sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Trong một động thái khác, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews tái khẳng định Canberra mong muốn tham gia các cuộc tập trận 4 bên với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tại Ấn Độ Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) cho biết.

Ông Andrews đang công du tới Ấn Độ tuần này, phát biểu trong một cuộc họp ở New Delhi rằng chính phủ công đảng dưới thời thủ tướng Kevin Rudd đã sai lầm khi rút khỏi các cuộc đối thoại và tập trận hải quân 4 bên. Việc Úc rút lui diễn ra sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng Úc Stephen Smith và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tháng 2/2008, bị một số người xem là cố gắng của chính phủ ông Rudd nhằm lấy lòng Bắc Kinh.

Ông Andrews cho biết, chính quyền Úc hiện nay sẽ nhận lời mời tham gia cuộc tập trận 4 bên nếu được Ấn Độ đồng ý với tư cách quan sát viên hoặc thậm chí tham gia tập trận. “Đó không phải quan điểm của chính phủ dương nhiệm. Nếu chúng tôi được Ấn Độ mời, hiển nhiên cả tôi và chính phủ đều sẵn sàng nhận lời”, bộ trưởng Andrews phát biểu trên tờ The Sydney Morning Herald. Theo báo này, một phát ngôn viên của ông Andrews còn cho biết thêm rằng các cuộc tập trận chung 4 bên sau đó đã được thảo luận trong một cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng Úc và bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Phát biểu của ông Andrews được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn trong khu vực. Nhật Bản đã đồng ý tham gia cuộc tập trận Malabar cùng với Mỹ và Ấn Độ năm nay. Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ luôn nhắc đi nhắc lại họ mong muốn mở rộng quy mô cuộc tập trận Malabar với sự tham gia của các đối tác khác như Canberra. Những sáng kiến xa hơn cũng được thảo luận giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Úc như một phần đối thoại 3 bên giữa các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương.

Việc này làm dấy lên lo ngại rằng những động thái trên có thể quá khiêu khích. Tuy nhiên, trước đó, Úc và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự song phương đầu tiên vào tháng 10 tới. Bộ trưởng Andrews nói ông hy vọng quan hệ quốc phòng giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc và tiến triển xa hơn trong hai năm tới. Dần dần các cuộc tập trận sẽ tăng quy mô giữa không quân và quân đội đôi bên.

Theo QPAN