Trong cuộc gặp đó, phái đoàn Trung Quốc đã báo tin vui cho phía Ukraine, rằng Bắc Kinh sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực của Kiev trong việc tìm kiếm một chiếc ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc đã ủng hộ Ukraine, bất chấp Nga khi đó đang tích cực vận động các nước nhằm ngăn chặn tham vọng của đối thủ kế bên. Thông tin trên đã được các nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc nắm rõ tình hình tiết lộ.
Động thái của Trung Quốc đánh dấu một cú thụt lùi về ngoại giao của Nga, nước lâu nay luôn tìm kiếm và nói chung là đã giành được sự ủng hộ của Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc trong các cuộc đấu về địa chính trị và tư tưởng với phương Tây. Động thái của Trung Quốc cũng đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, đồng minh thân thiết nhất, quý giá nhất của Moscow tại Liên Hợp Quốc sẵn sàng theo đuổi lợi ích riêng của mình, thậm chí kể cả khi phải đánh đổi người bạn Nga.
Trung Quốc và Nga xem nhau như là những đối tác chiến lược và thường thể hiện lập trường, quan điểm giống nhau nhất có thể tại Liên Hợp Quốc, một phần là vì mục đích kiềm chế ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ.
Tuy nhiên, việc duy trì mối quan hệ đối tác Trung-Nga đang khiến Bắc Kinh mất đi ngày càng nhiều lợi ích, bởi Moscow đang thể hiện sự quyết liệt theo cách đe dọa các lợi ích của những đối tác thương mại của Bắc Kinh, từ Trung Đông đến Ukraine.
Kể từ khi Nga tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea, Trung Quốc đã mở rộng mối quan hệ thương mại với Ukraine. Trung Quốc năm nay đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu ngô lớn nhất của Ukraine, tờ Financial Times đưa tin.
Cuối cùng, Ukraine, vốn không bị cạnh tranh gì, đã giành được 177 phiếu trong số 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để trở thành một thành viên của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, không giống như các cường quốc lớn như Nga và Mỹ, Kiev sẽ không có quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mặc dù vậy, chỉ riêng việc giành được một ghế trong Hội đồng Bảo an cũng khiến Kiev hết sức vui mừng. Giới chức Ukraine tuyên bố, họ sẽ tận dụng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc làm mặt trận mới để tập hợp lực lượng chống lại Nga.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết, Bắc Kinh và Moscow vẫn liên minh với nhau, và đồng quan điểm với nhau trong một loạt vấn đề từ Iran đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao trên, liên minh Nga-Trung đang bắt đầu suy yếu dần do hai nước nhận thấy những ưu tiên của họ “khác nhau” trong một loạt vấn đề, từ Nam Sudan đến Ukraine và Syria - nơi Bắc Kinh ủng hộ một cú thúc đẩy mạnh mẽ về ngoại giao, nhằm chấm dứt cuộc đấu đá nội bộ giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các kẻ thù của ông này.
“Trung Quốc không có lợi ích gì khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng như khi Nga cùng với Iran cung cấp sự hậu thuẫn mạnh mẽ về quân sự cho ông Assad. Một điều gì đó chắc chắn đang xảy ra. Có một sự chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc”, nhà ngoại giao cấp cao trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhận định.
Nhà ngoại giao trên cho rằng, một sự chuyển hướng hoàn toàn - có nghĩa là Trung Quốc công khai chống lại Nga - là điều không thể xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang khuyến khích Trung Quốc thể hiện lập trường tách biệt với Nga, nhằm làm chùn bước Tổng thống Vladimir Putin trong những quyết sách quyết liệt của ông này.
Nếu nỗ lực của phương Tây thành công trong việc làm suy yếu liên minh giữa Bắc Kinh và Moscow thì Washington và các đối tác của họ hy vọng sẽ có thể gây áp lực chính trị hơn đối với Nga trong các vấn đề quốc tế.
Liên minh giữa Nga với Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lâu nay vẫn được xem là một sự kiểm soát quan trọng đối với các tham vọng của Mỹ ở Liên Hợp Quốc, ngăn chặn Washington khỏi việc tự tung tự tác trong nhiều vấn đề an ninh cấp thiết của thế giới.
Bắc Kinh và Moscow cùng dùng quyền phủ quyết bác bỏ 4 nghị quyết của Bảo an Liên Hợp Quốc do phương Tây đề xuất lên nhằm buộc ông Assad phải ra đi và tiến hành điều tra tội ác chiến tranh ở Syria. Nga và Trung Quốc trước đó còn nhiều lần thể hiện quan điểm, lập trường chung thống nhất tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy có sự rạn nứt trong quan hệ Nga-Trung tại Liên Hợp Quốc. Khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria hồi tháng trước, Trung Quốc đã có một phản ứng thận trọng và tỏ ra không mấy mặn mà.
Chưa hết, mới đây, Trung Quốc còn công khai chỉ trích cả Nga và Mỹ về những bước đi ở Syria. Bắc Kinh cảnh báo các nước như Nga và Mỹ không được làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.
Nga và Trung Quốc còn thể hiện lập trường khác nhau trong một loạt vấn đề khác được đưa ra Liên Hợp Quốc như trừng phạt Nam Sudan, vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi...
Bắc Kinh và Moscow đang ngày càng có nhiều sự khác về quan điểm trong một loạt vấn đề quốc tế nhưng hai nước này được cho là sẽ tiếp tục hợp tác với nhau vì họ vẫn cần nhau. Tuy nhiên, cũng khó có thể kỳ vọng hai nước này sẽ là một liên minh bền chặt, thân thiết bởi mỗi bên đều theo đuổi những lợi ích riêng của mình.
Kiệt Linh - Theo CSC, VnMedia