TBKTSG đã tham khảo ý kiến của ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, về sự phá giá đồng tệ và lý do ẩn náu đằng sau sự phá giá đó.
“Mỹ và châu Âu đã khuếch đại quá mức việc Trung Quốc giảm tăng trưởng. Hỏi trên thế giới trong lịch sử, cả Nhật và Mỹ, có nước nào giữ được mức tăng trưởng 7-10%/năm trong hàng chục năm như Trung Quốc? Nhật Bản 25 năm tăng trưởng được trên 7%/năm, thì 25 năm tiếp theo giẫm chân ở 0%/năm. Đòi hỏi một nước có 1,6 tỉ người như Trung Quốc 30 năm nay cứ “lơ lửng” ở mức tăng trưởng trên 7%/năm, không bớt xuống là không đúng quy luật. Trung Quốc từ tăng trưởng 9-10% xuống có thể 6-7%/năm đã là tốt, không như Nhật “rơi” từ 7% về 0%”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Giả định Trung Quốc không phá giá đồng tệ, họ có thể gặp trường hợp của Thái Lan năm 1997, cụ thể tất cả đều tốt, chỉ có đồng baht bị neo cứng và thâm hụt thương mại. Đồng tệ trước tháng 8-2015 cũng bị neo cứng và Trung Quốc sắp sửa thâm hụt thương mại. Anh năm 1992, Thụy Điển năm 1992 và Mexico năm 1994 đều trong tình trạng như thế. Trung Quốc phá giá và đang từng bước thả nổi tỷ giá là nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tiền tệ trong tương lai”.
Việc neo cứng đồng nội tệ và vay nợ nước ngoài ngắn hạn đã gây ra những thương tổn rất lớn, dẫn tới khủng hoảng tài chính, kinh tế ở các nước đang phát triển hồi đầu thập niên 1990. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner trong cuốn “Stress Test” nhớ lại “sau những năm tăng trưởng mạnh mẽ, Chính phủ Mexico đã trở nên phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay ngắn hạn nước ngoài - loại tiền có thể chạy ra nhanh khi niềm tin lung lay. Mexico lại neo cứng tỷ giá đồng peso với đô la Mỹ, một công thức cho sự bất ổn khi niềm tin đội nón ra đi”.
“Tương tự năm 1997 Thái Lan đã bỏ qua những cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về sự nguy hiểm của việc neo cứng tỷ giá và vay nợ nước ngoài. Chẳng có chuyện gì khi nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng nhanh. Nhưng khi sự tăng trưởng nhanh kết thúc, nó trở nên nặng nề”, Timothy Geithner viết. “Khi niềm tin vào đồng baht bay phần phật trước gió, thay vì chấn chỉnh nó, Chính phủ Thái lại dốc cạn quỹ dự trữ ngoại hối để bảo vệ sự neo cứng tỷ giá với đô la Mỹ, hy vọng cơn bão sẽ sớm qua đi. Nhưng nó đã không qua”.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, việc Trung Quốc phá giá đồng tệ đã được tính toán kỹ. Ông nói: “Năm 2008, Trung Quốc đưa ra chiến lược nội nhu (hướng vào nhu cầu nội địa). Khi đó khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu bên ngoài suy giảm mạnh. Quay sang một thời gian, Trung Quốc nhận ra nội nhu cũng giảm, lý do là dân số già đi nhanh, tỷ lệ tiết kiệm cao hơn tiêu dùng, cộng với làn sóng di cư từ nông thôn ra đô thị chững lại. Làn sóng người di cư này là một trong những lực lượng tiêu thụ mạnh của nền kinh tế. Họ quay lại ngoại nhu (hướng vào nhu cầu quốc tế). Muốn quay lại ngoại nhu, hành động đầu tiên phải là phá giá đồng tệ để khuyến khích xuất khẩu”.
“Chúng tôi làm một số phép tính nghiên cứu: ảnh hưởng xuất khẩu của Trung Quốc tới sản lượng và tới thu nhập của dân cư lại cao hơn thị trường nội địa. Xuất khẩu của họ tăng 1%, thì tăng được 0,27% sản lượng và 0,7% thu nhập của dân cư. Còn tiêu thụ nội địa tăng 1%, chỉ tạo ra mức tăng 0,21% sản lượng và 0,6% thu nhập dân cư. Họ lựa chọn xuất khẩu là đúng”.
Trong khi xuất khẩu là chiến lược phù hợp với Trung Quốc, nó dường như không thật sự thích hợp với Việt Nam. Ông Nghĩa tiếp: “Cũng sử dụng phương pháp trên với Việt Nam, kết quả là 1% tăng trưởng xuất khẩu tạo ra 0,2% tăng trưởng sản lượng, thu nhập dân cư tăng được 0,66%. Nhưng 1% tăng trưởng trên thị trường nội địa, lại tạo ra 0,29% tăng trưởng sản lượng và 0,79% thu nhập dân cư”.
Ông Nghĩa kết luận: “Trung Quốc chọn thời điểm phá giá đồng tệ rất chuẩn xác. Thời điểm họ hành động, cả Mỹ, Nhật và châu Âu đều không thể hành động vì cả ba trung tâm kinh tế này không thể hạ lãi suất hơn được nữa. Lãi suất qua đêm của Mỹ đã ở 0,25%/năm một thời gian dài, của Nhật đã gần bằng 0%, còn của châu Âu thậm chí đã âm. Lãi suất của cả ba đang ở mức thấp nhất lịch sử, trong khi muốn phá giá, phải hạ lãi suất. Nói hình ảnh các quốc gia khác muốn “chiến tranh tiền tệ” với Trung Quốc cũng không thể khai chiến vì hết đạn rồi!”.
Theo TBKTSG