Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Sydney (Australia) đã công bố một bản nghiên cứu hoàn thiện dài 104 trang có tiêu đề "Đảo ngược khủng hoảng: Chiến lược, chi tiêu quốc phòng và phòng thủ tập thể của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", trong đó lý giải vì sao Mỹ không còn chiếm ưu thế quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và khả năng duy trì cán cân sức mạnh có lợi của họ ngày càng không chắc chắn". Bản nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc như một "thế lực lớn", và bị coi là địch thủ hàng đầu trong Chiến lược Quốc phòng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố năm 2018.
Dù cho Mỹ hiện vẫn được xem là nước có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, nhưng "tác động hợp nhất từ các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông, các nguồn ngân sách được thắt chặt, ít đầu tư vào các khả năng quân sự hiện đại và quy mô của chương trình nghị sự xây dựng trật tự tự do của Mỹ đã khiến lực lượng vũ trang nước này có sự chuẩn bị không tốt trong cuộc cạnh tranh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".
"Vốn đã nghiên cứu kỹ cách thức chiến tranh của Mỹ - chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự áp đảo - Trung Quốc đã triển khai hàng loạt tên lửa đáng gờm có độ chính xác cao cùng nhiều hệ thống chống can thiệp nhằm làm suy giảm ưu thế quân sự của Mỹ" - nghiên cứu có đoạn - "Bằng cách gây khó khăn cho các lực lượng Mỹ hoạt động trong tầm bắn của các vũ khí này, Bắc Kinh có thể nhanh chóng sử dụng một lực lượng nhỏ để giành chiến thắng - đặc biệt là ở khu vực xung quanh Đài Loan, quần đảo Nhật Bản hay vùng biển ở Đông Nam Á - trước khi Mỹ kịp phản ứng, reo rắc sự hoài nghi về cam kết đảm bảo an ninh của Washington".
Trong lúc Mỹ vẫn sa lầy vào các chiến dịch chống phiến loạn - đặc biệt là ở Trung Đông - trong suốt thế kỷ 21, Trung Quốc đã ra sức hiện đại hóa lực lượng không quân, hải quân và mở rộng sức mạnh tên lửa mặt đất của mình để tăng cường khả năng bảo vệ các lợi ích của họ trong một khu vực giàu năng lượng khác - vùng biển chiến lược trải dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Nhiều mục tiêu của Bắc Kinh tại vùng biển này xung đột với mục tiêu của Washington.
Căng thẳng hàng hải đã trỗi dậy giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngay giữa lúc hai bên lao vào một cuộc chiến thương mại gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương và tiêu tốn hàng tỷ USD. Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, hay đối với đảo quốc Đài Loan - nước sắp hoàn tất thương vụ mua các chiến đấu cơ F-16V của Mỹ với giá 8 tỷ USD, khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Dù cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bị đẩy đến tình trạng bạo lực, nhưng nghiên cứu mới cho rằng Trung Quốc đủ khả năng để bảo vệ các mục tiêu của họ bằng cách khuấy động một "cuộc chiến hạn chế" để tái chiếm Đài Loan hay áp đặt chủ quyền đối với các đảo tranh chấp, trong đó không chỉ sử dụng các vũ khí truyền thống mà còn cả các vũ khí chính trị và đòn tấn công mạng.
"Trong mọi kịch bản, mục tiêu của Bắc Kinh sẽ là tấn công phủ đầu để bảo vệ các mục tiêu chính trị hoặc các mục đích chiến lược của họ trước khi Mỹ kịp ngăn chặn" - nghiên cứu nêu rõ.
Mỹ đã đầu tư nguồn lực tài chính cho ngân sách quốc phòng tới mức ngang bằng ngân sách quốc phòng của 7 nước tiếp sau họ trong bảng xếp hạng gộp lại và duy trì hàng trăm cơ sở quốc phòng trên khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thứ "tâm lý siêu cường đã lỗi thời" nói về "vai trò là người bảo vệ trật tự tự do của Mỹ trên thế giới" khiến cho Lầu Năm Góc bị quá tải và Washington quá xao nhãng để có thể giải quyết thách thức từ Trung Quốc kịp thời điểm - theo nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu còn đưa ra khuyến cáo rằng, Mỹ nên tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Australia và Nhật Bản. Bản nghiên cứu xuất hiện trùng thời điểm mà tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa kết thúc chuyến công du châu Á, nơi mà ông đã tiết lộ kế hoạch lắp đặt nhiều tên lửa đạn đạo mặt đất tầm trung, thứ vũ khí từng bị cấm theo quy định của INF - hiệp ước mà Mỹ rút khỏi hồi đầu tháng này.
Trung Quốc - bên không tham gia vào hiệp ước trên - đã cảnh báo sẽ đáp trả nếu Lầu Năm Góc mở rộng cơ sở tên lửa trong khu vực. Bắc Kinh cũng bác bỏ đề xuất về một thỏa thuận kiểm soát vũ trang mới mà Washington đưa ra, cho rằng Mỹ và Nga có trách nhiệm độc nhất bởi họ là các siêu cường hạt nhân đứng đầu thế giới.
Trong lúc Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong khu vực, bản nghiên cứu mới còn kêu gọi thiết lập một dạng "phòng thủ tập thể" giữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Nhưng trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc đang lao vào chiến tranh thương mại, tình trạng bất ổn trỗi dậy ở Afghanistan làm chậm kế hoạch hòa bình mà Mỹ đang đàm phán với Taliban và nhiều hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương... nghiên cứu trên nhấn mạnh rằng, việc chuyển hướng khỏi con đường từng giúp Trung Quốc làm suy giảm sự thống trị của Mỹ trong khu vực "sẽ cần có nhiều lựa chọn chiến lược mà Mỹ có thể không sẵn sàng hoặc không thể đưa ra".
Theo Newsweek