Tiến sĩ Triệu Kiến sinh 1980, hiện là Viện trưởng Nghiên cứu Tây Kinh Trung Quốc - một chuyên gia về kinh tế của Trung Quốc. Trong bài báo đăng trên Yicai ngày 11/8, ông cho rằng trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, các quốc gia khác đã “ngư ông đắc lợi”, gặt hái được những lợi ích từ việc chuỗi cung ứng toàn cầu loại bỏ Trung Quốc Mỹ cũng đã không rơi vào suy thoái dài hạn như dự kiến, chỉ có Trung Quốc là bên thua cuộc. Đây là lần hiếm hoi trên báo chí chính thống của Trung Quốc xuất hiện một ý kiến “ngược dòng” như vậy.
Trong bài viết, Tiến sĩ Triệu Kiến phân tích rằng, trong khi nghiên cứu và phân tích vĩ mô trong gần một năm qua, bản thân ông đã đưa ra một số phán đoán sai lầm: Thứ nhất, ông đã đánh giá thấp khả năng tạo lập và sửa chữa bảng cân đối kế toán của Fed cũng như khả năng miễn nhiễm với rủi ro của các nền kinh tế thị trường phát triển.
Thứ hai, trong quá trình "loại bỏ Trung Quốc" khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, một hiệu ứng lan tỏa lớn đã được tạo ra, cho phép ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh cũ của Trung Quốc ngồi hưởng lợi kiểu “ngư ông đắc lợi”. Họ ngồi hưởng lợi từ việc Trung Quốc bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn đặt hàng, tiền vốn, của cải, tài năng, chuỗi công nghiệp loại...kiếm được rất nhiều tiền, đồng thời làm chậm áp lực suy giảm theo chu kỳ.
Tác giả Triệu Kiến nêu ví dụ Singapore, quốc gia hưởng lợi từ việc vốn tài chính và của cải tư nhân của Trung Quốc di chuyển; hàng nghìn tỉ USD của cải đã được chuyển từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục sang Singapore, giúp nước này thay thế Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính quốc tế mà không cần bất kỳ nỗ lực nào.
Một ví dụ khác là các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mexico và Canada, đã tận dụng lợi thế của chuỗi công nghiệp và đơn đặt hàng chuyển dịch khỏi Trung Quốc đại lục. Đặc biệt là Mexico, nhờ tận dụng lợi thế địa lý với Mỹ, nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Bản thân nước Mỹ cũng đã đạt được bước tiến nhanh chóng trong quá trình tái công nghiệp hóa và khôi phục ngành công nghiệp sản xuất, từ năm 2022 đến nay đã đạt mức cao kỷ lục về đầu tư vào sản xuất và ngành chế tạo đang thực sự quay trở lại.
Bài báo chỉ ra rằng, ngược lại, kể từ nửa cuối năm ngoái đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đại lục liên tục giảm xuống. Bước vào tháng 6 và tháng 7, tốc độ giảm bắt đầu mạnh hơn. Số liệu xuất khẩu mới nhất của tháng 7 tính theo đồng USD đã giảm -14,5%, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Sự sụt giảm FDI thậm chí còn nghiêm trọng hơn, tạo ra mức thấp kỷ lục kể từ khi bước vào thế kỷ 21 này. Sự suy giảm FDI có ý nghĩa định hướng lớn hơn, bởi vì đầu tư trực tiếp nước ngoài thường dựa trên những xem xét dài hạn và thể hiện niềm tin của thế giới vào tương lai của Trung Quốc.
Bài báo phán đoán, mặc dù những biến đổi này có yếu tố chu kỳ, nhưng nêu quan ngại rằng chúng là những nguyên nhân lâu dài không thể đảo ngược. Điều này cũng có thể thấy từ việc thị phần thương mại của Trung Quốc trên thế giới liên tục giảm.
Triệu Kiến cho rằng đây là một "sự thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ" trong trật tự chính trị và thương mại quốc tế.
Theo Triệu Kiến, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đại lục dựa vào việc chiếm "vị trí C (carry)" của "công xưởng thế giới" để đưa hàng trăm triệu lao động vào tuyến tổng cung ứng toàn cầu, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và giá rẻ cho thế giới, đặc biệt là các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ; đồng thời tạo ra nhu cầu và đạt được kỳ tích tăng trưởng kinh tế của chính Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chiến lược phát triển mới do lưu thông nội bộ chi phối, điều đó có nghĩa là cấu trúc kép được tích lũy trong quá khứ sẽ trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian ngắn và khả năng giảm thiểu rủi ro vĩ mô sẽ bị giảm đi đáng kể.
Bài báo phân tích rằng nhiều khả năng Trung Quốc cũng đã đánh giá thấp ảnh hưởng lớn của việc loại bỏ ngoại lưu (sự tuần hoàn bên ngoài) và khó khăn trong việc đưa nội lưu (tuần hoàn trong nước) trở thành mô thức chủ đạo.
Bài báo cho rằng, điều kiện quan trọng để nội lưu không phải bên cung cấp (giải quyết công nghệ thắt cổ chai), cũng không phải bên cầu (tiêu hóa một lượng lớn công suất dư thừa), mà là bên phân phối; trong đó bao gồm cả phân phối thu nhập, tỷ trọng của khu vực dân cư vẫn còn thấp, và mức thanh toán chuyển khoản và lợi ích nhận được cũng thấp; bao gồm cả bảng cân đối kế toán của dân cư, tỷ lệ đòn bẩy quá cao và không thể giải phóng đủ nhu cầu để trong thời gian ngắn thay thế vòng tuần hoàn bên ngoài bị chặt đứt. Khi những vấn đề cơ bản này không thể được giải quyết trong thời gian ngắn, chu kỳ kép thoái hóa thành một chu kỳ duy nhất và chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề nhu cầu thiếu hụt nghiêm trọng.
Bài báo cho rằng trong vòng xoáy thay đổi toàn cầu ngày nay, không phải ai cũng là bên thua cuộc. Trung Quốc thay vì phục hồi mạnh mẽ, lại rơi vào tình trạng "lạm phát yếu" và phải đối mặt với áp lực lớn hơn từ tình trạng cung không đủ cầu trong thời gian dài. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, lại tiếp tục phồn vinh.
Theo Yicai
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu