Trung Quốc chế tạo được vũ khí năng lượng nhỏ gọn có thể bắn hạ các vệ tinh Starlink

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc thông báo đã nghiên cứu chế tạo được nguồn năng lượng nhỏ gọn làm giảm đáng kể kích thước của vũ khí vi sóng công suất cao có khả năng bắn hạ các vệ tinh Starlink của Mỹ.
Hình ảnh mô phỏng vũ khí vi sóng Trung Quốc bắn hạ vệ tinh Starlink (Ảnh: The EurAsia).
Hình ảnh mô phỏng vũ khí vi sóng Trung Quốc bắn hạ vệ tinh Starlink (Ảnh: The EurAsia).

Theo trang The EurAsian Times ngày 31/3, thiết bị vũ khí vi sóng (high-power microwave weapons) này có thể tạo ra tới 10 gigawatt điện với tốc độ 10 xung mỗi giây. Với năng lượng này có thể tạo ra vi sóng đủ mạnh để phá hủy máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và thậm chí cả chip trong vệ tinh hoạt động trên không gian.

Thông thường những hệ thống cung cấp nguồn năng lượng cao như vậy không chỉ phức tạp, cồng kềnh mà còn lớn bằng cả một căn phòng. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu do ông Thư Đình (Shu Ting) đứng đầu liên kết với Trường Cao đẳng Nghiên cứu Khoa học tiên tiến tại Đại học Công nghệ Quốc phòng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam; thiết bị mới này cùng với tất cả các thành phần cần thiết như tụ điện và hệ thống điều khiển có thể nhỏ gọn tới mức đặt trong giá sách. Nguồn cung cấp năng lượng nhỏ này sẽ cho phép quân đội lắp đặt pháo vi sóng lên xe tải hoặc mái nhà để gây bất ngờ cho các mục tiêu của kẻ thù đang bay ngang qua phía trên bầu trời.

Thư Đình và các đồng nghiệp cho biết trong một bài báo xuất bản ngày 16/3 trên tạp chí “Intense Lasers and Particle Beams” (Laser cường độ cao và chùm hạt) rằng thiết bị này có thể hoạt động liên tục miễn là nó được cắm vào ổ điện. Theo một số nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) đã tăng tốc phát triển vũ khí vi sóng công suất cao sau khi các vệ tinh Starlink của SpaceX được sử dụng có hiệu quả để chống lại Nga ở Ukraine.

Họ chỉ ra rằng, bất kể từ quan điểm kỹ thuật hay kinh tế, đều không thể bắn hạ mạng lưới Starlink được hình thành bởi hàng nghìn vệ tinh đã ở quỹ đạo trái đất thấp bằng các tên lửa chống vệ tinh truyền thống.

Toàn bộ thiết bị của hệ thống vũ khí vi sóng nhỏ gọn có thể đặt trên giá sách (Ảnh:The EurAsia).

Toàn bộ thiết bị của hệ thống vũ khí vi sóng nhỏ gọn có thể đặt trên giá sách

(Ảnh:The EurAsia).

Tuy nhiên, pháo vi sóng, mặc dù giá thành rẻ, nhưng có thể chặn liên lạc vệ tinh hoặc gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ thống điện. Ben Lewis, một nhà phân tích quốc phòng Mỹ chuyên về nghiên cứu và phát triển PLA và các vấn đề an ninh của Đài Loan, nói với The EurAsian Times rằng mọi người đã thấy Starlink tạo điều kiện thuận lợi cho liên lạc của Ukraine hiệu quả như thế nào và Bắc Kinh rất lo ngại về tác động của nó đối với Đài Loan trường hợp xảy ra vụ việc khẩn cấp ở Đài Loan.

Ông chỉ ra rằng Trung Quốc đã phát triển một loại vũ khí có khả năng loại bỏ Starlink và đã có cơ quan truyền thông địa phương đã đề cập cụ thể đến nó, điều này cho thấy họ đã coi trọng nó như thế nào.

Mặc dù Trung Quốc hiện vẫn được cho là tụt hậu so với Mỹ và Nga về công nghệ vi sóng năng lượng cao sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng nếu vận dụng hiệu quả những vũ khí như vậy có thể cho phép họ tấn công chính xác các vệ tinh Starlink. Ben Lewis cho rằng vũ khí chống vệ tinh (Anti-satellite, ASAT) đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là đối với Trung Quốc.

Ví dụ, nếu nổ ra xung đột ở eo biển Đài Loan, nếu muốn ngăn quân đội Mỹ can thiệp, Bắc Kinh có thể tìm cách sử dụng vũ khí chống vệ tinh để vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh của Mỹ. Ông chỉ ra rằng phía Trung Quốc muốn tăng cường đe dọa đối với các vệ tinh, máy bay không người lái và máy bay quân sự của Mỹ, có thể sử dụng hệ thống mới này để đạt được mục tiêu của họ.

Nhưng hiện tại, phần lớn thiết bị của quân đội chỉ tạo ra vi sóng với mức năng lượng kilowatt hoặc megawatt. Báo cáo mới nhất, trích dẫn các ước tính gần đây của các nhà khoa học trong PLA, cho thấy để làm hỏng một vệ tinh có khả năng được bảo vệ bằng các biện pháp che chắn, công suất của chùm vi sóng sẽ cần phải là một gigawatt hoặc cao hơn.

Năm 2018, công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ tuyên bố đã sử dụng tia laser năng lượng cao và vi sóng năng lượng cao để hạ gục 45 máy bay không người lái trong một cuộc tập trận.

Tuy nhiên, vũ khí vi sóng mới này có thể được sử dụng hiệu quả như một vũ khí chống vệ tinh, có khả năng cho phép Trung Quốc tấn công các vệ tinh Starlink một cách chính xác.

Lewis đã đề cập rằng "Vũ khí chống vệ tinh” (ASAT) đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh thông thường hiện đại, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Mỹ duy trì một hệ thống vệ tinh mạnh mẽ để do thám và liên lạc, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xa nhà."

"Để cản trở các hoạt động của Mỹ chống lại các lực lượng Trung Quốc, chẳng hạn như ở Đài Loan, Trung Quốc sẽ tìm cách vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh của Mỹ bằng vũ khí ASAT. Hệ thống mới này là một phương pháp khác mà Trung Quốc có thể sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đó, làm tăng mối đe dọa đối với các vệ tinh, máy bay không người lái và máy bay có người lái của Mỹ”, Lewis giải thích.

Nói cách khác, tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong việc tạo ra vũ khí vi sóng công suất cao cho thấy mong muốn mạnh mẽ của nước này sở hữu khả năng tiêu diệt các vệ tinh của đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột.