Lực lượng an ninh ở Tân Cương (Ảnh: Reuters) |
Dự luật Duy Ngô Nhĩ năm 2019 là một phiên bản tăng cường của một dự luật trước đây từng gây phẫn nộ cho Bắc Kinh khi nó được Thượng viện thông qua hồi tháng 9. Dự luật này kêu gọi Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt vào các quan chức cấp cao của Trung Quốc, mặc dù ông đang tìm kiếm một thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài.
Tuần trước, ông Trump cũng ký duyệt một đạo luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, bất chấp phản ứng phẫn nộ từ phía Trung Quốc.
Dự luật về người Duy Ngô Nhĩ được thông qua tại Hạ viện Mỹ với số phiếu thuận gần như tuyệt đối (407-1), trong đó kêu gọi Tổng thống Mỹ lên án những hành động lạm dụng nhằm vào người Hồi giáo và kêu gọi đóng cửa cái mà họ gọi là “trại giam tập thể” ở Tân Cương. Dự luật cũng kêu gọi áp lệnh trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Dự luật được sửa đổi này cần được Thượng viện Mỹ thông qua trước khi gửi tới Tổng thống để ký duyệt thành đạo luật. Nhà Trắng hiện không nêu rõ ông Trump ủng hộ hay phản đối dự luật này – trong đó có một điều khoản cho phép Tổng thống ra lệnh trừng phạt nếu ông nhận thấy điều đó phù hợp với lợi ích quốc gia.
Động thái mới của Washington lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh. Trong một tuyên bố đưa ra sáng 4/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi dự luật này là đòn tấn công hiểm độc nhằm vào Trung Quốc và là sự can thiệp nghiêm trọng vào vấn đề nội bộ của nước này.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ lập tức sửa chữa sai lầm của họ, ngăn chặn dự luật về Tân Cương trở thành đạo luật, ngừng sử dụng Tân Cương như một cách để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc” – tuyên bố trên nêu rõ.
Trung Quốc liên tiếp bác bỏ cáo buộc liên quan tới cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ mà chính quyền Washington đưa ra và nói rằng các khu trại của họ mang mục đích định hướng nghề nghiệp. Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ trả đũa “tương xứng” nếu Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc bị Washington trừng phạt.
Trước đó, trong hôm đầu tuần này, Trung Quốc cũng bắt đầu phản đòn trước việc Mỹ thông qua đạo luât về Hong Kong bằng cách cấm các tàu và máy bay quân sự của Mỹ tới thăm Hong Kong, đồng thời tuyên bố lệnh trừng phạt nhằm vào một số tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, phản ứng của Trung Quốc sẽ mạnh mẽ hơn nhiều nếu như ông Trump ký duyệt dự luật Duy Ngô Nhĩ, trong khi một số người còn cho rằng Bắc Kinh có thể áp lệnh cấm thị thực đối với các quan chức cấp cao của Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trong hôm 3/12 đăng tải một đoạn tweet nói rằng Bắc Kinh sẽ sớm công bố danh sách những định chế không đáng tin cậy để áp lệnh trừng phạt đối với những bên gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc.
(Theo Reuters)