Ấn Độ tăng cường triển khai ở biên giới
Ngày 15/11, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Thượng tướng Bipin Rawat cho biết cùng với sự thay đổi của tình hình địa hình, quân đội Ấn Độ phải có khả năng triển khai những xe bọc thép như xe tăng chiến đấu ở biên giới phía tây và phía bắc.
Tại lễ khai mạc một cuộc hội thảo về xe bọc thép, tướng Bipin Rawat cho biết ở sa mạc Thar, khu vực ở phía tây Ấn Độ và Pakistan, cùng với sự phát triển của các con kênh, những khu vực cằn cỗi trước đây đã trở thành ốc đảo, mật độ dân số cũng gia tăng, điều này sẽ "tạo ra thách thức" cho Ấn Độ.
Tướng Bipin Rawat nói: "Cùng với sự phát triển của hệ thống kênh rạch, chúng ta cần nhấn mạnh tính cần thiết của các cây cầu và cách thức vượt qua chúng của xe chiến đấu bọc thép. Đây chính là lý do tôi nói chiến trường sẽ trở nên phức tạp, địa hình sẽ phức tạp hơn".
Theo tướng Bipin Rawat, bất kể tương lai thế nào, xe bọc thép của Ấn Độ phải có khả năng hoạt động ở biên giới phía tây và phía bắc Ấn Độ, bất kể quân đội Ấn Độ biên chế loại vũ khí nào thì cũng phải có khả năng tác chiến hiệp đồng trên hai chiến tuyến.
Tướng Bipin Rawat nhấn mạnh, quân đội Ấn Độ đang tìm cách tiến hành hiện đại hóa lực lượng cơ giới và đã đưa ra thời gian biểu cho nó, hy vọng đến giai đoạn 2025 - 2027 sẽ có xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hiện đại.
Ông cho biết thêm: "Lúc đó, chúng ta không thể phạm sai lầm. Chúng ta phải làm rõ nhu cầu, khả năng và mục tiêu chính xác của mình. Chúng ta phải có khả năng tác chiến ngày đêm".
Ngoài ra, tướng Bipin Rawat còn cho rằng cần phải nhìn thẳng vào nhu cầu của lực lượng bộ binh Ấn Độ.
Trang tin Sina ngày 16/11 còn cho rằng từ đối đầu biên giới ở khu vực Doklam gần đây cho thấy Ấn Độ đang thể hiện tự tin, cứng rắn hơn trong đối đầu với Trung Quốc. Hiện nay, Ấn Độ có 3 sư đoàn miền núi sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, Ấn Độ còn triển khai gần 10.000 quân ở khu vực Ladakh, mãi đến đầu tháng 11/2017 mới rút đi.
Để ngăn chặn quân đội Trung Quốc "vượt biên" và tái diễn sự kiện đối đầu Doklam, lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ có kế hoạch thành lập và triển khai một đơn vị cơ giới hóa nhằm tăng tốc huy động ở biên giới Trung - Ấn. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ thành lập lực lượng như vậy trong hơn 50 năm qua.
Lực lượng cảnh sát biên giới ở phía tây và phía bắc sẽ được trang bị trên 250 xe jeep, xe việt dã ATV, xe tuyết, xe xúc đào và xe truyền động 4 bánh.
Một quan chức Ấn Độ cho biết mặc dù lục quân Ấn Độ có trung đoàn bộ binh cơ giới, nhưng bất kể thời bình hay thời chiến, lực lượng đi đầu chính là lực lượng cảnh sát biên giới, vì vậy cần thiết lập đơn vị cơ giới hóa.
Ấn Độ đặc biệt coi trọng lực lượng miền núi và cao nguyên là do họ rút ra được bài học từ cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962. Sau cuộc chiến này, khả năng tác chiến miền núi của Ấn Độ luôn được cải thiện một cách ổn định, không ít phương diện còn dẫn trước thế giới.
Quân đội Ấn Độ cũng có kinh nghiệm tác chiến miền núi phong phú như hạn chế sử dụng các loại vũ khí "nổ" để tránh để tuyết lở, khắc phục các hạn chế về địa hình miền núi.
Trung Quốc tích cực chuẩn bị cho khả năng xung đột
Theo sĩ quan tình báo Mỹ, nếu xung đột biên giới giữa Trung - Ấn xảy ra trong tương lai, hai bên sẽ cần phải ứng phó với địa hình núi cao khó khăn và điều kiện thời tiết phức tạp.
Để ứng phó với tình hình này, Ấn Độ và Trung Quốc đều phải đầu tư rất nhiều tài lực, vật lực cho lực lượng quân sự có thể tác chiến trên miền núi và cao nguyên.
Khu vực như vậy có các đặc điểm như ít đường sá và các công trình hạ tầng khác, dân số thưa thớt, tài nguyên có hạn, tầm nhìn hạn chế. Có nơi dốc đứng, thường xảy ra lũ vào mùa mưa... Địa hình miền núi gây khó khăn cho chỉ huy, hiệp đồng, cơ động.
Nhưng với địa hình miền núi, chỉ cần một lực lượng khá nhỏ cũng có thể chốt giữ một cửa khẩu và khe núi quan trọng; có thể sử dụng bình phong tự nhiên để hỗ trợ cho hệ thống phòng ngự chiều sâu.
Ở địa hình này thường chỉ có thể sử dụng trang bị hạng nhẹ và lực lượng cơ động đường không. Có thể sử dụng một cụm tấn công hạng nặng quy mô nhỏ để hành tiến theo địa hình bằng phẳng ở một số khe núi hoặc cao nguyên, tiến hành hỗ trợ cho lực lượng trang bị hạng nhẹ.
Tuy nhiên, đường đi nhỏ hẹp làm cho việc bao vây và tấn công bên sườn trở nên khó khăn và làm giảm nhịp độ tác chiến bình thường.
Địa hình miền núi cũng có thể che giấu việc tập trung và cơ động lực lượng. Trọng điểm của tác chiến miền núi là thâm nhập nhanh chóng, tấn công cạnh sườn, bao vây, phục kích, không kích và tác chiến đặc biệt. Tác chiến không tiếp xúc và hành động chiến tranh thông tin trong tấn công hỏa lực liên hợp rất quan trọng đối với thành công của các chiến dịch.
Tác chiến ở khu vực miền núi khó có thể dựa vào sự hỗ trợ tại địa phương vì dân cư thưa thớt. Địa hình khó khăn và thời tiết phức tạp càng gây khó cho cung cấp hậu cần, thiết bị và hỗ trợ các hành động tác chiến. Yêu cầu công tác bảo đảm hậu cần cao hơn rất nhiều. Khả năng thông tin cũng đặt ra yêu cầu rất cao để có thể hỗ trợ cho các đơn vị phân tán, bảo vệ các đơn vị cơ động, trinh sát tìm hiểu tình hình và xác định mục tiêu.
Lý luận tác chiến của quân đội Trung Quốc rất coi trọng thâm nhập và đột phá tuyến phòng thủ thứ nhất của đối phương. Sách lược này nhấn mạnh, sử dụng giáp công, bao vây và trong tình hình có khả năng tiến hành nhảy dù và đưa lực lượng đặc nhiệm "cắm" vào hậu phương của "địch" để hỗ trợ cho tấn công chính diện.
Tư tưởng tác chiến mới nhất của quân đội Trung Quốc cho rằng một quân đội thông tin hóa sẽ có ưu thế tấn công lớn hơn. Hệ thống trinh sát, thông tin, dẫn đường và định vị thông tin hóa có thể hỗ trợ cho việc tập kết, triển khai, cơ động và tấn công bí mật.
Lực lượng quân sự hiện đại có thể tiến hành cơ động lập thể và đánh nghi binh trên nhiều hướng tốt hơn, nắm được địa hình quan trọng, tiến hành tấn công chiều sâu đối với "địch". Ngoài ra, sự hỗ trợ hậu cần và trang bị thông tin hóa có thể khắc phục rất nhiều khó khăn của môi trường phức tạp.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc coi trọng tác chiến liên hợp, tiến hành cải cách quy mô lớn cho phù hợp. Không quân tác chiến trên cao nguyên coi trọng tính liên hợp giữa máy bay, tên lửa đất đối không, lực lượng radar và lực lượng thông tin.
Hoạt động huấn luyện của không quân coi trọng tác chiến liên hợp với lục quân, cơ động tầm xa, tấn công mặt đất, phòng không, hành động ứng phó khẩn cấp, hành động trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Những đơn vị máy bay, các công trình hạ tầng xây dựng mới trong những năm qua có thể hỗ trợ tốt hơn cho các hành động ở khu vực biên giới Trung - Ấn.
Đáng chú ý, quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay trinh sát kiêm tấn công không người lái CH-4 ở khu vực này.
Lực lượng tên lửa Trung Quốc cũng đã tích cực huấn luyện và triển khai bí mật ở khu vực miền núi, cao nguyên nhằm vào Ấn Độ.
Quân đội Trung Quốc còn đang phát triển một số trang bị tác chiến hạng nhẹ, chủ yếu dùng để triển khai tốt hơn các hành động quân sự ở miền núi, chẳng hạn xe vũ trang địa hình 8x8, lựu pháo 122 mm PCL-09.
Trung Quốc còn đang phát triển một loại xe tăng hạng nhẹ mới để thay thế cho xe tăng hạng nhẹ Type 62 cũ. Trọng lượng của xe tăng mới khoảng 35 tấn, lắp pháo 105 mm và tiến hành thử nghiệm ở cao nguyên Tây Tạng.
Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay trực thăng hạng trung Z-20 có khả năng tương tự máy bay trực thăng Black Hawk của Mỹ, có thể triển khai hành động ở khu vực cao nguyên.
Sina cho rằng Trung Quốc có đủ năng lực quân sự để đáp trả trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc mong muốn "bảo vệ hòa bình và an ninh của khu vực biên giới" với Ấn Độ.