Tờ The Hindu Ấn Độ ngày 27/8 cho hay trong thời điểm liên tiếp xảy ra khủng hoảng từ bán đảo Triều Tiên đến cao nguyên Doklam ở dãy Himalayas, Trung Quốc luôn tăng cường dự trữ dầu mỏ chiến lược. Từng chiếc tàu chở dầu khổng lồ thường xuyên diễn ra hoạt động vận chuyển, bốc dỡ tại các cảng lớn của Trung Quốc.
Đầu tháng 8/2017, ở cảng Ninh Ba duyên hải Trung Quốc đã xuất hiện hình ảnh của tàu chở dầu lớn nhất thế giới - TI châu Âu (TIEurope). Một chuyến đi của chiếc tàu chở dầu khổng lồ này có thể vận chuyển 3 triệu thùng dầu, tương đương với tổng sản lượng một ngày của quốc gia giàu dầu lửa Kuwait.
Trung Quốc lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, vì vậy Bắc Kinh cố gắng gia tăng dự trữ dầu mỏ chiến lược là điều có thể lý giải được. Sự lo ngại của Trung Quốc xuất phát từ cạnh tranh địa - chính trị, chủ yếu tập trung ở eo biển Malacca - nơi nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi chứng kiến lượng lớn thương mại toàn cầu.
Trong số dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu, có đến gần 80% phải đi qua Ấn Độ Dương hoặc eo biển Malacca, sự gián đoạn trong chạy hai chiều của tàu chở dầu và tàu chở hàng container ở vùng biển này sẽ gây ảnh hưởng mang tính thảm họa. Vì vậy, Trung Quốc tìm cách để tránh khỏi “tình cảnh khó khăn Malacca”.
Hệ thống đường ống đông - tây cỡ lớn của Trung Quốc đưa khí đốt từ Trung Á vận chuyển trên đất liền về các trung tâm công nghiệp duyên hải như Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Trung Quốc xây dựng các cảng biển như Gwadar ở Pakistan và Kyaukpyu ở Myanmar phần lớn là để tránh eo biển Malacca.
Quy mô dự trữ năng lượng chiến lược của Trung Quốc hiện còn chưa rõ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đến giữa năm 2016, Trung Quốc có 33,25 triệu tấn dầu dự trữ. Nhưng một nguồn khác sử dụng hình ảnh vệ tinh và Big Data dự đoán, lượng dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc phải lớn hơn nhiều.
Cuộc khủng hoảng ở cao nguyên Doklam và cuộc đối đầu giữa quân đội Trung - Ấn đã trở nên công khai trong thời gian qua, điều này làm cho Trung Quốc lo ngại hơn đối với an ninh năng lượng.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột quân sự, rất có khả năng hai bên sẽ xảy ra chiến tranh trên biển, từ đó ảnh hưởng đến cung ứng năng lượng của Trung Quốc.