Trụ sở “Phố Wall” Việt Nam nên ở Thủ đô hay TP.HCM?

Tổng hợp ý kiến nhiều chiều của nhà quản lý, chuyên gia và người trong cuộc xung quanh đề xuất đặt trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội đang gây tranh cãi trong dư luận thời gian qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Tin rằng Trung ương, Chính phủ sẽ có quyết định đúng đắn”

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu trên báo Người Lao Động

“Hiện thị trường vốn phát triển qua thị trường chứng khoán - đặc biệt là thị trường cổ phiếu - chủ yếu tập trung ở sàn TP.HCM. Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về xác định vị trí, vai trò của TP.HCM đối với khu vực và Đông Nam Á đã nói rõ đây là trung tâm tài chính không chỉ của Việt Nam mà phấn đấu đạt đến tầm khu vực.

Đến năm 2005-2007, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định xây dựng TP.HCM là trung tâm tài chính của cả nước. Và trên thực tế, mọi hoạt động của các công ty, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán... cơ bản đều nằm ở TP.HCM.

Do đó, có thể nói việc Bộ Chính trị, trung ương khẳng định TP.HCM là trung tâm tài chính của cả nước là đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển chung, không thể khác được.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho đầu tư xây trụ sở HOSE có quy mô lớn, hiện đại như hiện nay cho thấy có sự chuẩn bị kỹ để phát triển thành trung tâm chứng khoán tầm cỡ của khu vực trong tương lai gần. Và nếu đã đầu tư xây dựng như thế mà không sử dụng thì sẽ lãng phí tiền của. Còn nếu đặt tại Hà Nội thì phải đầu tư một trụ sở khác xứng tầm. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ cần phải suy nghĩ.

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán thành một thể thống nhất. Vấn đề này đã manh nha từ khi xây dựng thị trường chứng khoán vào năm 1990.

Phải hiểu rõ rằng thị trường đó phải hoạt động chủ yếu ở trung tâm tài chính quốc gia chứ không thể nằm đâu mặc kệ. Điều này không mới mà thế giới họ đã làm. Ví dụ như các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thăm thị trường tài chính, họ muốn xem sở giao dịch chứng khoán không lẽ họ phải đi một nơi khác để xem trụ sở chính.

Tôi muốn cảnh báo rằng khi thị trường được xem là cái chợ thì họp chợ ở đâu phải tuân thủ đúng quy luật thị trường. Tôi nói đây không phải vì vấn đề về lợi ích cục bộ địa phương mà vì lợi của một quốc gia. Chúng ta phải tôn trọng quy luật phát triển chứ không thể vì một lý do nào khác.

Và tôi cho rằng việc đề xuất đặt trụ sở chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội chỉ là ý tưởng của những người soạn thảo. Và tôi tin rằng Trung ương, Chính phủ sẽ có quyết định đúng đắn nhất vì sự phát triển chung thị trường chứng khoán cũng như của đất nước”.

“Nên hết sức cẩn trọng”

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi


“Nếu đề nghị này được chấp thuận, TP.HCM sẽ phải giã từ một định chế tài chính - một loại hoạt động kinh tế tiền tệ mang nhiều ý nghĩa trong một nền kinh tế đang cần sức sống năng động từ những cộng đồng doanh nhân, chuyên gia, chuyên viên cũng rất năng động.

Theo tôi, những tình tiết lịch sử và những so sánh định lượng - định hướng là những yếu tố đáng cân nhắc, nhưng dường như chưa đươc quan tâm đúng mức trong đề nghị này.

Đề nghị di dời này, mặc dù mới chỉ là đề án trình Chính phủ, nên hết sức cẩn trọng. Lịch sử là lịch sử và lịch sử kinh tế cũng vậy, hãy cân nhắc lịch sử non trẻ của HOSE nhưng có gốc tích đứt đoạn từ 40 năm trước.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều lãnh đạo công ty niêm yết, nhiều nhà đầu tư chứng khoán sẽ cảm thấy day dứt”.

“Phải được đặt ở nơi kinh tế sôi động nhất”

Ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị

“Cho dù có quy hoạch thế nào đi nữa, thì cũng không thể phủ nhận được một thực tế mà lịch sử đã hình thành. Sài Gòn - TP.HCM là một trung tâm kinh tế - tài chính, một đầu mối thương mại tầm cỡ khu vực. Còn Hà Nội là một trung tâm văn hóa - chính trị.

Định vị này đã được hình thành từ lâu trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều nầy có thể nhìn thấy rõ qua hoạt động kinh tế của hai nơi, qua việc so sánh tầng suất bay của các hãng hàng không giữa Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Chính vì vậy cho nên, doanh nghiệp nước ngoài, ngân hàng nước ngoài khi đến đầu tư làm ăn ở Việt Nam, nơi đầu tiên mà họ mong muốn đặt trụ sở, văn phòng hay chi nhánh, chính là TP.HCM. Sau đó nếu có nhu cầu mở rộng thêm, thì họ mới nghĩ đến Hà Nội.

Nếu nhiệm vụ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là nơi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp huy động, tiếp cận vốn, thì nó phải được đặt ở nơi có hoạt động kinh tế thương mại diễn ra sôi động nhất, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn nhất, và đó không thể là nơi nào khác ngoài TP.HCM.

Việc đặt tại TP.HCM sẽ giúp cho hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được phát huy tốt hơn, được thuận lợi hơn nhờ gần với thị trường, gần với khách hàng của mình.

Mặt khác, vị thế cạnh tranh của của TP.HCM đối với các trung tâm thương mại - tài chính khác trong khu vực, cũng được củng cố nhờ có sự hiện diện của sở.

Ngược lại, việc đặt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội không làm cho hoạt động của sở thuận lợi hơn, cũng không thể giúp cho vị thế của Hà Nội nhờ nó mà khác đi. Sự hiện diện của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội cũng không thể giúp cho Hà Nội có thể cạnh tranh hiệu quả với cách trung tâm tài chính - thương mại của các nước khác trong khu vực. Vậy lý do gì để đặt ở Hà Nội?”.

“Trụ sở chính tại Hà Nội là hoàn toàn hợp lý!”


Nhà môi giới chứng khoán Phan Minh

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì Sở Giao dịch Chứng khóan Việt Nam trong tương lai nên được đặt tại Hà Nội vì những lý do sau:

Thứ nhất, ở các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Philippinnes, Malaysia…, sở giao dịch chứng khóan luôn được đặt tại thủ đô vì đây chính là nơi toàn bộ các bộ, sở, ban ngành trực thuộc chính phủ tọa lạc.

Bên cạnh đó, Sở Giao dịch Chứng khóan Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính nên có trụ sở chính tại Hà Nội là hoàn toàn hợp lý.

Trong số các công ty chứng khoán trong top đầu hiện nay thì đa phần là có hội sở chính tại Hà Nội nên việc Sở Giao dịch Chứng khóan Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội là hợp lý vì Sở có thể kiểm soát và điều hành họat động của các thành viên thị trường trực thuộc mình một cách hiệu quả và thuận lợi hơn.

Đối với lĩnh vực tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khóan nói riêng thì nhu cầu nắm bắt sớm những thay đổi và cập nhật về chính sách cũng như quy định quản lý của Nhà nước và các bộ chủ quản là hết sức cấp thiết, do đó, nếu như Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có hội sở chính tại Hà Nội thì sẽ có thuận lợi trong việc tiếp cận những thông tin trên”.

“Nếu đảo ngược thì cũng cần suy nghĩ!”


Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Tuấn Anh

“Trong giao dịch chứng khoán hệ thống công nghệ đóng vai trò quan trọng. Hiện nay hai sở sử dụng hệ thống công nghệ khác nhau.

Vậy nếu hợp nhất thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thì sẽ sử dụng hệ thống công nghệ nào? Hệ thống khớp lệnh nào là chủ đạo?

Vừa rồi HOSE đã đầu tư công nghệ khá là mạnh. Vậy nếu không sử dụng hệ thống này nữa thì sẽ là lãng phí. Hoặc nếu trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đặt tại Hà Nội mà hệ thống công nghệ đạt tại TP.HCM thì liệu có sự khập khiễng hay không?

Hơn nữa cần phải xét đến vấn đề vấn đề vốn hóa, thanh khoản ở đâu là lớn nhất? Thực tế sàn HOSE đang chiếm áp đảo về quy mô vốn hóa thị trường với tỷ lệ 88% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân một phiên trên sàn HOSE cũng chiếm hơn 70% thanh khoản toàn thị trường (năm 2014).

Và từ trước đến nay, HOSE đã là đại diện hình ảnh khi mà nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào chứng khoán Việt Nam để đầu tư. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cho thấy, khối này cũng mua bán cổ phiếu phần lớn trên sàn HOSE, trong đó tập trung ở rổ VN30.

Như vậy, khi sáp nhập hai sở, nếu chúng ta đảo ngược thì cũng là điều cần suy nghĩ!”.

“Trụ sở nên đặt gần nơi nguồn tư bản năng động nhất”


Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Ngọc

“Hiện nay có hai quan điểm về việc đặt trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam hoặc ở Hà Nội hoặc ở TP.HCM.

Tôi nhận thấy: thủ đô là trung tâm chính trị của cả nước thì ai cũng biết, nhưng nó có là lợi thế lớn để thị trường chứng khoán phát triển trong tương lai hay không thì không có điều gì để biện luận và chứng minh.

Ở các nước khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Đức thì các sở giao dịch chứng khoán thường đặt trụ sở tại trung tâm tài chính quốc gia chứ không phải đặt ở thủ đô là trung tâm chính trị.

Có lập luận cho rắng chỉ có ở thủ đô thì mới có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, không tụt hậu so với thị trường chứng khoán các nước Đông Nam Á. Theo tôi, muốn đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ để phát triển thị trường chứng khoán thì phải có tiền.

Mà Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc về sự quản lý của Nhà nước, do đó tiền đầu tư cho Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nếu có sẽ rót từ ngân sách. Nên trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam dù có đặt ở đâu thì tiền đầu tư lấy từ ngân sách cũng như nhau, chẳng nhiều hơn mà cũng chẳng ít hơn.

Nếu tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán xong thì việc đặt trụ sở tại Hà Nội có thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho thị trường chứng khoán Việt Nam hay không?

Chúng ta cần xét lại, bản chất của thị trường chứng khoán là thị trường luân chuyển vốn dài hạn trong nền kinh tế. Nó là nơi hội tụ và phân phối hiệu quả nguồn vốn cho doanh nghiệp dựa trên các quy luật về kinh tế: Doanh nghiệp nào hoạt động kinh hiệu quả sẽ tiếp tục nhận được vốn để mở rộng phát triển kinh doanh, còn doanh nghiệp  nào kinh doanh thua lỗ sẽ không còn nhận được thêm vốn của nhà đầu tư.

Xét theo bản chất đó của thị trường chứng khoán thì trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam - là cơ quan quản lý, giám sát của Nhà nước đối với thị trường chứng khoán - nên đặt gần nơi nguồn tư bản vận động dồi dào và năng động nhất, để từ đó có thể nắm bắt kịp thời những sự thay đổi trong luồng vốn tư bản mà có chính sách quản lý phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thị trường.

Do đó tôi ủng hộ việc đặt trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại TP.HCM, không phải  vì đây là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất và năng động nhất của cả nước. Đây cũng là kinh nghiệm lịch sử của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như: Hoa Kỳ, Canada, Đức…”.

Theo Bizlive