Triều Tiên gây bất ngờ khi phóng tên lửa bay xa 4.600 km qua lãnh thổ Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng 4/10, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản tới Thái Bình Dương. Điều này khiến chính phủ Nhật đưa ra báo động phòng không và các chuyến tàu ở đông bắc Nhật Bản phải tạm ngừng hoạt động.
Bản đồ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sáng 4/10 do Bộ Quốc phòng Nhật công bố ( Ảnh: NHK).
Bản đồ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sáng 4/10 do Bộ Quốc phòng Nhật công bố ( Ảnh: NHK).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, vào lúc 7h22’ sáng 4/10 theo giờ địa phương, Triều Tiên đã phóng một tên lửa bay qua khu vực đông bắc của đảo Honshu của Nhật Bản vào lúc khoảng 7h28’ đến 7h29’. Tên lửa bay qua vùng trời tỉnh Aomori và rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương cách Nhật Bản khoảng 3.200 km về phía đông vào lúc 7h44’.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Katsuya Hamada tuyên bố rằng tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng đi là loại tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể là loại Hwasong-12 đã được phóng thử nghiệm 4 lần trước đây. Ông cũng tiết lộ, quãng đường bay ước tính từ điểm phóng lên tới điểm rơi xuống là khoảng 4.600 km, đây được cho là tên lửa đạn đạo có tầm bay xa nhất được Triều Tiên phóng tính tới thời điểm hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Hamada: khoảng cách từ nơi phóng đến điểm rơi của tên lửa là 4.600km, xa nhất trước nay. (Ảnh: NHK).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Hamada: khoảng cách từ nơi phóng đến điểm rơi của tên lửa là 4.600km, xa nhất trước nay. (Ảnh: NHK).

Theo ông, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên phóng một tên lửa bay qua vùng trời phía trên lãnh thổ Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết họ ước tính đây là tên lửa đạn đạo tầm trung (medium-range ballistic missile, IRBM) có tầm bắn 4.600 km và độ cao tối đa khoảng 1.000 km, Lực lượng Phòng vệ Nhật đã không thực hiện bất kỳ "biện pháp tiêu diệt" nào.

Ông Matsuno Hiroichi, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản nói tại một cuộc họp báo: “Một loạt hành động của Triều Tiên, trong đó có việc nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo đã đe dọa đến hòa bình và an ninh của Nhật, khu vực và quốc tế; là sự thách thức nghiêm trọng đối với Nhật và cộng đồng quốc tế”.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, sau khi tên lửa được phóng đi, họ đã kích hoạt Hệ thống cảnh báo tức thời toàn bộ quốc gia (J-Alert) và Hệ thống thông tin liên lạc hành chính khẩn cấp "Em-Net" để đưa ra cảnh báo cho chính quyền các địa phương và công chúng. Theo các cơ quan truyền thông, cư dân của các tỉnh Hokkaido, Aomori và Tokyo đã nhận được cảnh báo lánh nạn.

Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA).

Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA).

Bộ tham mưu Liên quân Hàn Quốc cho biết, quả đạn tên lửa được phóng từ Mupyong-ri ở tỉnh Jagang-do, Bắc Triều Tiên, với tầm bắn hơn 4.500 km, tốc độ bay đạt Mach 17, (tức gấp 17 lần tốc độ âm thanh), độ cao bay tối đa hơn 970 km. Các thông số cụ thể của vụ phóng vẫn còn chờ được các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ phân tích thêm.

Phía Hàn Quốc tuyên bố, các hành vi khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên khi phóng tên lửa đạn đạo sẽ chỉ làm gia tăng sự cô lập của họ trong cộng đồng quốc tế và khiến Mỹ, Hàn Quốc tăng cường sức mạnh răn đe, đối phó với các hành vi khiêu khích.

Hàn Quốc bày tỏ kịch liệt lên án, nhấn mạnh có khả năng đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào của Triều Tiên và sẽ duy trì trạng thái cảnh giác cao độ.

Theo Hãng tin Anh Reuters, ông Kim Dong-yup, một cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc hiện đang giảng dạy tại Đại học Kyungnam, cho biết loại tên lửa được phóng sáng 4/10 có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 được Triều Tiên công khai vào năm 2017 như một phần của mối đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ.

Tên lửa Hwasong-12 tại một cuộc diễu binh (Ảnh: KCNA).

Tên lửa Hwasong-12 tại một cuộc diễu binh (Ảnh: KCNA).

Các nhà quan sát phân tích cho rằng các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên nhằm giúp họ phát triển các khả năng mới và gửi đi thông điệp rằng phát triển vũ khí là quyền lợi chủ quyền của Triều Tiên và cần được thế giới chấp nhận.

Reuters chỉ ra rằng nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được thực hiện theo “lofted trajectory” (quỹ đạo loft), tức là tên lửa được đưa lên trời cao, nhưng nó được rơi xuống không xa nơi phóng để tránh bay qua các nước láng giềng.

Ankit Panda, một chuyên gia về vũ khí và chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết việc phóng tên lửa bay qua Nhật Bản sẽ cho phép các nhà khoa học Triều Tiên thử nghiệm tên lửa trong các điều kiện thực tế hơn.

Ông cho biết điều này cho phép họ kiểm tra tải nhiệt (thermal loads) và áp suất khi tên lửa quay trở lại bầu khí quyển, điều này giúp nắm được các điều kiện tên lửa sẽ phải chịu trong chiến đấu thực tế.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát đơn vị tên lửa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát đơn vị tên lửa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA).

Ông Panda nói: "Về mặt chính trị, điều này rất phức tạp: tên lửa về cơ bản bay bên ngoài bầu khí quyển khi chúng ở phía trên lãnh thổ Nhật Bản, nhưng công chúng Nhật Bản rõ ràng là khá lo lắng trước cảnh báo về khả năng bị tên lửa của Triều Tiên tấn công".

Đây là vụ phóng thử tên lửa thứ 5 của Triều Tiên chỉ trong vòng 10 ngày. Tuần trước, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chống tàu ngầm ba bên. Vì vậy, đây có thể sự phản kích của Triều Tiên đối với cuộc tập trận này.

Được biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ Taecheon, tỉnh Bắc Pyongan ngày 25/9; ngày 28/9 phóng hai tên lửa từ Sunan, Bình Nhưỡng; ngày 1/10 phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) từ Suncheon, Nam Bình Nhưỡng. Từ đầu năm đến nay Triều Tiên đã phóng tất cả 21 tên lửa đạn đạo và hai tên lửa hành trình. Vụ phóng sáng 4/10 là lần thứ 9 Triều Tiên phóng tên lửa kể từ khi chính phủ mới được thành lập ở Hàn Quốc.

Theo tư liệu công khai, tên lửa đạn đạo Hwasong-12, còn được phương Tây gọi là KN-17 là một tên lửa đạn đạo tầm trung. Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 đã ra mắt lần đầu tại cuộc duyệt binh ngày 15/4/2017 (Lễ hội Thái Dương) để kỷ niệm sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Một số thông số kỹ thuật cơ bản: tên lửa Hwasong-12 trọng lượng 28 tấn, chiều dài 16 mét; trọng lượng đầu đạn: 500-650kg. Nơi sản xuất: Học viện Quốc phòng Triều Tiên.

Động cơ tên lửa sử dụng loại chất lỏng, được chuyển đổi từ tên lửa R-29 hoặc R-27

Phạm vi chiến đấu: từ 3.700–6.000 km; độ cao bay tối đa 2.111,5 km, quỹ đạo parabol; hệ thống dẫn đường: quán tính

Bệ phóng: sử dụng khung gầm xe tải MAZ.

Dân chúng Hàn Quốc theo dõi Triều Tiên phóng thử tên lửa qua tivi (Ảnh: AP).

Dân chúng Hàn Quốc theo dõi Triều Tiên phóng thử tên lửa qua tivi (Ảnh: AP).

Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 phóng lần đầu tiên có thiết kế một tầng, phần động cơ đẩy bao gồm một động cơ chính và bốn động cơ phụ. Cuộc thử nghiệm động cơ đầu tiên diễn ra vào tháng 3/2017. Ngoài ra, tên lửa đạn đạo Hwasong-10 trong mẫu trước cũng sử dụng cùng một động cơ chính và có thêm hai động cơ phụ. Tầm bắn tối đa ban đầu của tên lửa đạn đạo Hwasong 12 thay đổi tùy theo trọng lượng tải trọng, từ khoảng 3.700 km đến 6.000 km Tại cuộc diễu binh vào tháng 4/2017, tên lửa đạn đạo Hwasong-12 được đặt trên xe mang tên lửa đạn đạo Hwasong-10. Khi đó, có ý kiến cho rằng Hwasong-12 ra đời để thay thế tên lửa đạn đạo Hwasong-10 không ổn định.

Tên lửa Hwasong-12 phóng thử thành công lần đầu ngày 14/5/2017. Tên lửa bay cao 2.111km, bay xa được 787km, rơi xuống Biển Nhật Bản. Đài NBC của Mỹ ngày 19/5/2017 đã dẫn lời một số quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ nói “Triều Tiên đã thành công đưa đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển trong một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo”. Vụ phóng thử thành công lần thứ hai là ngày 29/8/2017. Tên lửa Hwasong-12 được phóng bay ở độ cao 550km, bay xa 2.700km rồi rơi xuống Thái Bình Dương.

Từ trước đến nay, chưa có thông tin công khai về tốc độ bay của Hwasong-12. Vì vậy, thông tin của Hàn Quốc và Nhật Bản nói tên lửa Hwasong-12 phóng sáng 4/10 đạt tới tốc độ Mach 17 đã khiến giới quan sát khá bất ngờ. Nếu thông tin này là chính xác thì đây quả là một bước tiến quan trọng về công nghệ tên lửa của Triều Tiên.