Theo ông cuộc họp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra như thế nào? Có cơ sở nào để hy vọng vào một kết quả lạc quan trong cuộc họp này?
Đầu tiên, Triều Tiên là đất nước khác với những nước khác. Triều Tiên có thể chế chính trị vô cùng đặc biệt. Lãnh tụ cao nhất đưa ra chính sách như thế nào thì toàn dân, toàn đảng, toàn quân luôn đi theo. Việc Triều Tiên theo đuổi đường lối song tiến (song song phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế), bất chấp khó khăn trong vòng 5 năm qua đã chứng minh cho luận điểm này.
Khi lãnh đạo đã đưa ra chính sách như thế nào thì Triều Tiên sẽ không bao giờ lùi bước. Tới nay, Triều Tiên sẽ thay đổi chính sách từ song tiến sang đơn tiến. Đường lối này sẽ không bao giờ thay đổi. Triều Tiên sẽ tập trung vào phát triển kinh tế, nhưng không chỉ có vậy, Triều Tiên sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các nước để phát triển kinh tế.
Đây cũng là chủ trương vô cùng quan trọng mà hội nghị Trung ương 3 Đảng Lao Động Triều Tiên đưa ra. Lập trường cơ bản này sẽ không bao giờ thay đổi. Cho nên chúng ta có thể lạc quan về kết quả cụ thể mà hội nghị thượng đỉnh sẽ đạt được.
Hiện tại, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt tại Singapore để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
|
Dự kiến quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ diễn ra như thế nào?
Đây là một quá trình dài chứ không thể phá hủy ngay các kho vũ khí hạt nhân như Nhật Bản và các nước phương Tây đề ra. Trong tiếng Anh họ đề ra một thuật ngữ gọi là CVID - Complete, Verifiable and Irreversible Dismantlement (Phi hạt nhân hóa hoàn toàn, được kiểm chứng và không thể đảo ngược).
Triều Tiên rõ ràng vẫn giữ mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng bằng cách nào thì Triều Tiên vẫn phải có những bước đi cân nhắc, nhưng theo tôi, quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ được thực hiện qua nhiều giai đoạn.
Và bản thân việc Triều Tiên phải phát triển vũ khí hạt nhân là do chính sách thù địch của Mỹ, chứ không phải Triều Tiên muốn như vậy. Việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là để tự vệ. Quan hệ Triều Tiên - Mỹ từ thế kỷ trước đã chứng minh, một khi chính sách thù địch của Mỹ không bao giờ thay đổi thì Triều Tiên không thể không lo đến việc bảo vệ chính mình.
Khi đang phát triển vũ khí thì Triều Tiên vẫn chưa phải là mối đe dọa lớn nhưng nay đã khác. Cho nên Mỹ cũng cần tìm cách giải quyết mối đe dọa. Tấn công quân sự cũng là một cách nhưng Mỹ cũng sẽ phải chịu những mất mát rất lớn. Không chỉ Mỹ mà còn các quốc gia khác. Cho nên Mỹ phải có biện pháp giải quyết.
Thứ 2, ông Trump đang rất muốn có một thành tích trong đối ngoại. Vấn đề Triều Tiên trước nay, vẫn là “bài tập về nhà” đối với các đời tổng thống Mỹ. Chưa ai đưa ra được đáp án cho vấn đề Triều Tiên.
Ông Trump muốn ghi tên mình vào danh sách những tổng thống xuất sắc nhất. Triều Tiên đã tận dụng được điều này. Nhưng cho tới nay, trong nội bộ Mỹ vẫn còn những thế lực phản đối việc đàm phán với Triều Tiên và đòi chính quyền Trump đưa ra điều kiện khắt khe hơn.
Bản thân ông Trump đã nói sẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên trong cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore bằng “phương thức Trump”. Và “phương thức Trump” cụ thể là gì chúng ta sẽ phải đợi tới ngày 12/6.
Triều Tiên có dự đoán gì về “phương thức Trump”. Liệu phương thức Trump có bao gồm những điều kiện khắt khe như Mỹ đưa ra với Iran?
“Phương thức Trump” sẽ gồm nhiều giai đoạn. Triều Tiên khác Iran ở chỗ Triều Tiên công khai mục tiêu của mình là xây dựng lực lượng hạt nhân. Trong khi Iran không bao giờ thừa nhận điều đó.
Trên thực tế, mức độ nguy hiểm đối với Mỹ của Iran không là gì so với Triều Tiên. Động thái của Mỹ với Iran thực tế chỉ để Mỹ đạt được những mục tiêu chiến lược của mình tại Trung Đông nhưng tình hình Triều Tiên bấp bênh hơn rất nhiều với Mỹ.
Dự đoán của ông về nội dung thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore?
Vấn đề căn bản là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Khi đạt sự nhất trí về vấn đề này, thì hai bên sẽ đạt được một kết quả cụ thể, có thể là một tuyên bố. Tuyên bố bao gồm nội dung quan trọng: “Chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”.
Trước đây, khi hai bên ký hiệp định đình chiến, người ký là Tư lệnh quân đội Mỹ, thay mặt quân LHQ đóng tại Hàn Quốc. Còn phía Hàn Quốc không chịu ký vì tiếp tục muốn chiến tranh. Phía Triều Tiên, người ký là Tư lệnh quân đội Nhân dân Triều Tiên và quân chi viện Trung Quốc tại Triều Tiên.
Nhưng trong bản tuyên bố 27/4, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý đưa vào chi tiết: Sau 65 năm hiệp định đình chiến, hai miền Nam-Bắc sẽ xúc tiến đối thoại 3 bên hoặc 4 bên, tiến tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên nếu thiếu sự tham gia của Mỹ, tuyên bố trên sẽ không có ý nghĩa.