VietinBank thu về 305,51 tỷ đồng từ thoái vốn Saigonbank
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về kết quả phiên đấu giá hơn 15,12 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã CK: CTG) sở hữu.
Được biết, chủ trương thoái toàn bộ vốn tại Saigonbank đã được Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietinbank thông qua từ ngày 3/10/2018.
Theo HNX, phiên đấu giá đã thu hút được 6 nhà đầu tư cá nhân tham gia với tổng khối lượng đăng ký mua lên tới 30,36 triệu đơn vị, cao gấp 2 lần so với số lượng cổ phiếu Saigonbank được đem đấu giá.
Trong đó, khối lượng đăng ký đặt mua thấp nhất là 130.000 cổ phần, cao nhất lên tới 5.443.700 đơn vị. Mức giá đặt mua cao nhất chỉ ở mức 20.300 đồng/cổ phần, không có nhiều chênh lệch so với mức giá khởi điểm là 20.100 đồng/cổ phần.
Kết quả được HNX công bố cho thấy đã có 3 nhà đầu tư trúng giá toàn bộ lô cổ phần. Với mức giá đấu bình quân là 20.204 đồng/cổ phần, VietinBank đã thu về được hơn 305,51 tỷ đồng từ thương vụ này.
Trước đó, vào tháng 6/2016, Vietinbank cũng tiến hành bán đấu giá hơn 16,8 triệu cổ phần Saigonbank, với mức giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phiếu. Mục đích nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu giữa các tổ chức tín dụng. Phiên đấu giá này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, đem về cho VietinBank số tiền gần 210,94 tỷ đồng.
Không chỉ riêng với trường hợp của VietinBank, hoạt động thoái vốn tại Saigonbank cũng diễn ra khá thuận lợi với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB) khi các phiên đấu giá đều thu đông đảo các nhà đầu tư tham gia.
Cụ thể, ngày 20/11/2017, phiên đấu giá chào bán 13,25 triệu cổ phần Saigonbank do Vietcombank sở hữu đã có tới 20 nhà đầu tư tham gia, với khối lượng đặt mua lên tới 53,8 triệu cổ phần. Với mức giá đấu bình quân là 20.100 đồng/cổ phần, Vietcombank đã thu về gần 266,36 tỷ đồng từ thương vụ này.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu Saigonbank “đắt hàng” được đánh giá một phần đến từ chất lượng tài chính lành mạnh và khối bất động sản có nhiều tiềm năng mà ngân hàng này đang quản lý sau thời gian dài hoạt động.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Saigonbank đang có dấu hiệu suy giảm sau khi các ngân hàng lớn triệt thoái vốn.
Việc thoái vốn tại Saigonbank của VietinBank và Vietcombank đã diễn ra khá thuận lợi (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
|
Quý 1/2019, lợi nhuận Saigonbank sụt giảm 40,2% so với cùng kỳ
Trong Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2019 vừa công bố, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 67 tỷ đồng, sụt giảm tới 40,2% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do nguồn thu nhập từ hoạt động khác sụt giảm mạnh tới 72,6% so với cùng kỳ, kết hợp với chi phí hoạt động tăng mạnh (+12% so với cùng kỳ). Trong khi đó, các nguồn thu từ thu nhập lãi thuần, thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối không có nhiều biến động.
Trước đó, trong năm 2018, Saigonbank cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thiếu tích cực, không đạt kế hoạch đề ra ở nhiều tiêu chí.
Trong đó, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này sụt giảm 4,44% so với đầu năm, đạt 20.373,56 tỷ đồng, đạt 86,7% kế hoạch năm. Nguồn vốn huy động cũng sụt giảm 5,6%, đạt 16.634,61 tỷ đồng. Tương tự, tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ cho vay của Saigonbank ở mức 13.771,1 tỷ đồng và chỉ đạt 87,16% kế hoạch. Trong đó, các khoản nợ xấu chiếm 2,19% tổng dư nợ.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank năm 2018 đạt 396,11 tỷ đồng nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 343,59 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập chỉ còn 52,52 tỷ đồng, chỉ đạt 35,01% kế hoạch đã đề ra.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Saigonbank định hướng tập trung vào khai thác khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, tăng quy mô hoạt động và xử lý thu hồi dứt điểm các khoản nợ xấu.
Cụ thể, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng, tăng quy mô tổng tài sản thêm 10%, lên mức 22.440 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 15.150 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu được đặt mục tiêu dưới 3% tổng dư nợ./.