Báo cáo này được ông Lật Chiến Thư phát biểu từ hồi tháng Hai, nhưng đến tối 30/4 mới được công bố.
Ông Lật không dùng cụm từ triết lý chính trị mà chỉ gọi là “Những bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tập Cận Bình”, đồng thời khẳng định, hệ thống các tư tưởng chính trị được truyền tải trong các bài phát biểu của các lãnh tụ sẽ được đặt theo tên các vị đó.
Theo ông Lật, triết lý chính trị của Chủ tịch Tập được hợp thành từ một loạt các bài phát biểu của ông.
Ông Lật là đồng minh thân cận của ông Tập, phụ trách một cơ quan đầu não giải quyết công việc hàng ngày của lãnh đạo, những phát ngôn của vị Chánh văn phòng này có thể được coi như ý kiến thay mặt lãnh đạo cao nhất của Đảng. Lời nói của ông còn có uy lực lớn hơn cả những bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo hoặc nhận xét từ các cố vấn chính trị cao cấp chẳng hạn.
Một “hệ thống lý luận đầy đủ” - như lời ông Lật - sẽ có trọng lượng rất lớn trong nền chính trị Trung Quốc, bởi mỗi đời lãnh tụ chỉ có thể có một hệ thống như vậy.
Thông điệp của ông Lật đã được phổ biến trong nội bộ kể từ tháng Hai nhưng chỉ mới được công bố hôm 30/4 vừa qua thể hiện một điều là trong suốt ba tháng qua, trong Đảng đã đạt được sự đồng thuận về nội dung của hệ thống lý luận này rồi và giờ đây, nó sẽ được đưa vào Điều lệ đảng như là những “tư tưởng chỉ đạo”.
Tầm quan trọng của triết lý này là gì?
Sự hoàn tất “triết lý chính trị” mà chắc sẽ được gọi theo tên của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng bởi nó sẽ chỉ ra cách mà lãnh tụ đảng sẽ tự nhìn mình trong mối quan hệ với lịch sử đảng.
Tại Trung Quốc, truyền thống đặt tên hệ tư tưởng theo điều lệ Đảng sau khi lãnh tụ tối cao đã xác lập chỉ có ở thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Hai người tiền nhiệm của ông Tập là các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào không làm như vậy.
Trong báo cáo của mình, Chánh Văn phòng Lật Chiến Thư đã khắc họa cấu trúc cơ bản của triết lý chính trị Tập Cận Bình. Trong đó có những chính sách cơ bản như cải cách phía cung của nền kinh tế, những chuẩn mực mới về phát triển kinh tế và nhận thức toàn diện về an ninh quốc gia.
Một khi được đưa vào Điều lệ Đảng như là tư tưởng chỉ đạo, những chính sách này sẽ trở thành trụ cột làm cơ sở cho sự điều hành đất nước lâu dài sau khi ông Tập rời vũ đài.
Những chủ đề trong triết lý chính trị của ông Tập
Giấc mơ Trung Hoa
Cải cách phần cung của nền kinh tế
An ninh quốc gia
Phát triển quân đội Trung Quôc hùng mạnh
Xóa đói giảm nghèo
Tư tưởng và chiến lược quyền lực mềm
Phát triển xã hội
Kỷ luật của đảng và các nguyên tắc chính trị
Bảo vệ môi trường
Chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc
Cải cách
Điều hành bằng Luật pháp