Sự kiện sẽ đưa TPB trở thành ngân hàng thứ 15 trong số 35 ngân hàng thương mại Việt Nam thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đây cũng là nhà băng thứ hai, sau HDBank (HDB) niêm yết trong năm 2018 này. Đáng chú ý, cả hai cùng lựa chọn niêm yết tại HoSE – sở giao dịch chứng khoán có quy mô và trình độ cao nhất Việt Nam. Trước đó, trong năm 2017, đã có 4 ngân hàng thực hiện “lên sàn”; Tuy nhiên, chỉ có duy nhất VPBank (VPB) lên HoSE, trong khi Kienlongbank, LienVietPostBank, VIB mới đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Một trong những chi tiết luôn được quan tâm trong sự kiện lên sàn của một tân binh, đó là giá chào sàn. Vậy TPB sẽ chào HoSE với giá bao nhiêu?
Ngày 21/03/2018, Hội đồng quản trị (HĐQT) TPBank đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-TPB.HĐQT, trong đó quyết nghị giá chào sàn của cổ phiếu TPB tại HoSE được xác định ở mức 32.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giá này gấp 3 lần mệnh giá, thấp hơn 1.000 đồng so với mức giá chào sàn 33.000 đồng/cổ phiếu cách đây 3 tháng của HDB và thấp hơn 7.000 đồng so với mức giá chào sàn 39.000 đồng/cổ phiếu cách đây 8 tháng của VPB.
HĐQT TPBank đã tính toán như thế nào để đưa ra mức giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu nêu trên?
Phương pháp tính
“Giá tham chiếu của cổ phần TPBank là giá được tính toán dựa trên so sánh giá cổ phần trên (i) Giá trị sổ sách mỗi cổ phần (“Phương pháp P/B”) và (ii) So sánh giá trị lợi nhuận trên mỗi cổ phần (“Phương pháp P/E”)”, phía ngân hàng này cho hay.
Trước tiên, với phương pháp P/B, TPBank đã lựa chọn chứng khoán của 3 ngân hàng – Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM (HDB); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) – để tham chiếu.
Ba ngân hàng này đảm bảo tiêu chí: Có hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh, đã niêm yết tại HOSE/HNX/UPCoM; Có quy mô vốn điều lệ khoảng từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng – Tức là khá tương đồng với TPBank.
Dữ liệu thống kê từ FiinPro cho thấy, chốt tại ngày 19/03/2018, P/B của ACB, HDB, VIB lần lượt là 3,42 lần, 3,15 lần, 2,67 lần. Tính bình quân, hệ số P/B của 3 mã chứng khoán được lựa chọn tham chiếu này là 3,08 lần.
Nhân ngược hệ số P/B tham chiếu này với giá trị số sách trên mỗi cổ phần của TPBank tại thời điểm 31/12/2017 (11.429 đồng/cổ phiếu theo BCTC năm 2017 đã được kiểm toán của TPBank) sẽ cho ra giá tham chiếu tạm tính là 35.200 đồng/cổ phiếu.
Kế đó, với phương pháp P/E, TPBank cũng lựa chọn ACB, HDB, VIB để tham chiếu. Dữ liệu thống kê từ FiinPro cho thấy, chốt tại ngày 19/03/2018, P/E cơ bản của ACB là 24,77 lần, của HDB là 22,99 lần, VIB là 20,73 lần. Tương ứng, hệ số P/E bình quân của 3 mã này là 22,83 lần.
Nhân ngược hệ số P/E bình quân này với EPS của TPBank tại thời điểm 31/12/2017 (1.649 đồng/cổ phần theo BCTC năm 2017 đã kiểm toán) sẽ co gia giá trị tham chiếu tạm tính là 37.656 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, theo phương pháp so sánh P/B và P/E, TPBank có mức giá từ 35.200 đồng/cổ phiếu đến 37.656 đồng/cổ phiếu. Bình quân các phương pháp sẽ cho ra kết quả là 36.428 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, như đã nói, HĐQT TPBank đã chốt mức giá chào sàn cho TPB ở mức 32.000 đồng/cổ phiếu. Phía ngân hàng dường như muốn truyền đi một thông điệp về sự “khiêm tốn” trong định giá, đồng thời mở dư địa cho mã chứng khoán này có thể tăng trưởng tốt ngay khi lên HoSE.
Tất nhiên, cũng cần nhận thức rằng, HĐQT TPBank và đơn vị tư vấn của họ đã rất khéo trong việc lựa chọn các chứng khoán tham chiếu, là ACB, HDB, VIB – những nhà băng có P/B và P/E khá tốt, với thị giá tốt trên sàn (nằm trong vùng giá 40.000 và 50.000 đồng/cổ phiếu). Việc lựa chọn tham chiếu này sẽ cung cấp đòn bẩy tích cực cho việc định giá TPB, cũng như định hướng tốt cho diễn biến giá TPB trong thời gian đầu giao dịch.
Hẳn nhiên, nếu TPBank lựa chọn tham chiếu theo theo các mã như LPB (LienVietPostBank), KLB (Kienlongbank), NVB (NCB), BAB (BacABank) – những nhà băng có quy mô không khác biệt quá lớn với TPBank – hay thậm chí là SHB, kết quả tham chiếu có thể sẽ không tích cực bằng con số mà ngân hàng này đã lựa chọn. Dĩ nhiên, TPBank có tiêu chí lựa chọn của họ, không chỉ đơn thuần là các tổ chức đã niêm yết có vốn điều lệ từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng, mà còn phải là “có hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh”.
Room ngoại vẫn “hở” 5,11%
Ngân hàng này chính thức đổi thương hiệu từ TienPhong Bank sang TPBank kể từ cuối năm 2013, dù vẫn giữ tên là Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Sự thay đổi đánh dấu việc hoàn tất của ngân hàng trong nỗ lực tự tái cơ cấu.
Từ một ngân hàng có nhiều vấn đề, TPBank đã xây dựng phương án tự tái cơ cấu và được Ngân hàng Nhà nước thông qua vào tháng 7/2012. Hoạt động tái cơ cấu đi kèm với tăng vốn điều lệ thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, giúp “lột xác” TPBank trở thành một hình mẫu của hệ thống các TCTD Việt Nam về tự tái cơ cấu. Ngân hàng thậm chí còn được nhận Bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ cho nỗ lực này.
Có một chi tiết cần nhấn mạnh, TPBank là ngân hàng trẻ nhất hệ thống. Nhà băng này được thành lập ngày 12/05/2008, trên cơ sở góp vốn của 6 cổ đông sáng lập, gồm 3 tổ chức (CTCP FPT; Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam) và 3 cá nhân (Lê Quang Tiến; Trương Gia Bình; Vũ Quốc Khánh).
Từ vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng, TPBank đã trải qua 6 lần tăng vốn – gồm 3 lần phát hành riêng lẻ, 2 lần phát hành cho cổ đông hiện hữu và 1 lần chào bán ra công chúng. Lần gần nhất diễn ra vào tháng 08/2016, TPB đã chào bán riêng lẻ cho IFC hơn 29,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên mức 5.842.105.000.000 đồng.
Cập nhật tại ngày 21/03/2018, TPBank 611 cổ đông góp vốn, gồm 18 tổ chức và 593 cá nhân. Trong đó, có 6 cổ đông ngước ngoài – đều là các tổ chức, nắm giữ tổng cộng 145,5 triệu cổ phần – tương ứng tỷ lệ sở hữu 24,89%.
Hiện, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở TPBank là 30%, có nghĩa room ngoại ở nhà băng này vẫn đang “hở” 5,11% - mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới cổ phiếu ngân hàng. Thực tế, nhu cầu của khối ngoại đối với cổ phiếu “vua” là rất lớn nhưng hầu hết các mã trên sàn đều đã cạn room.
Đáng chú ý, trong cả 6 cổ đông nước ngoài của TPBank không có tổ chức nào thuộc diện cổ đông lớn, dù đang có tới 2/8 thành viên HĐQT ngân hàng là người ngoại quốc. Đó là ông Shuzo Shikata và ông Kento Tokimori, hai nhân sự người Nhật này đều là nhân sự cấp cao và đại diện cho Tập đoàn SBI Holdings, Inc., tại TPBank.
Cập nhật tới ngày 21/03/2018, TPBank có 3 cổ đông lớn, gồm: CTCP FPT (nắm giữ 50,7 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 8,68%); CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (7,60%); Tổng công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (5,14%).
Đỗ gia
Lâu nay trên thị trường, khi đề cập đến TPBank, công chúng thường ngay lập tức liên hệ tới Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (Doji). Đây được cho là nhóm sở hữu có chi phối lớn nhất tại TPBank.
Chủ tịch HĐQT TPBank, ông Đỗ Minh Phú, cũng đang đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji. Tới đây, theo quy định mới tại Luật các TCTD, ông Phú đã tuyên bố từ nhiệm mọi chức vụ tại Doji – tổ chức sáng nghiệp – để giữ ghế Chủ tịch TPBank.
Cá nhân ông Phú không đứng tên sở hữu bất kỳ cổ phiếu TPB nào. Tuy nhiên, vị doanh nhân này là người quyền lực nhất tại ngân hàng. Mức độ chi phối của ông Phú không chỉ dừng lại ở con số 44,4 triệu cổ phiếu TPB (7,60%) đứng tên Doji. Đó còn là 16,65 triệu cổ phiếu TPB (2,86%) đứng tên bởi con trai và con gái ông – là ông Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh.
Em trai ông Phú, ông Đỗ Anh Tú – Tổng Giám đốc CTCP DIANA, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sao Thủy – hiện cũng đang là người quyền lực bậc nhất TPBank, với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Ông Tú trực tiếp nắm giữ 27,75 triệu cổ phiếu TPB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,75%. Con gái ông Tú, bà Đỗ Quỳnh Anh cũng đứng tên 21,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,71%.
Như vậy, tính riêng số cổ phần TPB mà ông Phú (qua Doji), ông Tú và các con nắm giữ đã chiếm tới 18,92% sở hữu ngân hàng. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số nhà quan sát, mức độ chi phối của anh em ông Phú - Tú ở TPBank có thể không chỉ dừng ở tỷ lệ này.
Trước đây, khi công bố báo cáo tình hình quản trị ngân hàng, TPBank thường không đính kèm phụ lục danh sách cổ đông nội bộ và người có liên quan, nên rất khó xác định tỷ lệ sở hữu của lãnh đạo ngân hàng này và những người có liên quan đối với cổ phiếu TPB. Tình hình sở hữu ngân TPBank thường chỉ được hé lộ qua các bản công bố thông tin khi một số tổ chức thức hiện thoái vốn tại ngân hàng này.
Giờ đây, khi TPBank quyết định lên sàn, thị trường sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận các thông tin có liên quan tới TPBank. Trước tiên là qua bản Cáo bạch niêm yết.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là tại Cáo bạch niêm yết vừa công bố, trong phần thuyết minh về người có liên quan của ông Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú, TPBank chỉ đề cập đến người có liên quan là các con, mà không đề cập đến các đối tượng có liên quan khác. Có một cách giải thích hợp lý rằng, vì báo cáo chỉ thuyết minh về “số cổ phần những người có liên quan sở hữu” nên TPBank chỉ đề cập đến các cá nhân có liên quan mà sở hữu cổ phần.
Tuy nhiên, về luật, anh/chị/em ruột, bố/mẹ, vợ/chồng/con cái đều là các đối tượng thuộc diện người có liên quan của người nội bộ. Chiểu theo đó, trong phần thuyết minh “số cổ phần những người có liên quan sở hữu” của ông Đỗ Minh Phú, TPBank sẽ phải nêu ra cả trường hợp của ông Đỗ Anh Tú.
Được biết, hai anh em ông Phú – Tú sinh trưởng trong một gia đình “thế gia” của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh, là hai trong số 11 người con đầy tài năng và thành đạt của cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923) – đại diện xuất sắc của thế hệ doanh nhân miền Bắc những năm đầu giải phóng.
Với truyền thống và nền tảng gia đình, nhiều người thân của ông Phú và ông Tú là những thương gia rất thành công. Tuy nhiên họ cũng rất kín đáo, chẳng hạn phu nhân của ông Đỗ Anh Tú, là bà Trung Thị Lâm Ngọc. Chính bà Ngọc là người đã nhượng lại toàn bộ 21,7 triệu cổ phiếu TPBank cho con gái Đỗ Quỳnh Anh đứng tên vào tháng 04/2016.
Nữ doanh nhân này hiện đang hỗ trợ chồng điều hành một số doanh nghiệp như CTCP Nhiếp ảnh Hà Nội, CTCP Đầu tư Sao Thủy – Chi nhánh Bắc Ninh, CTCP Ánh sáng Sông Hồng, Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông CINE Việt Nam, Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy.
Bên cạnh đó, bà Ngọc cũng được biết đến qua một số thương vụ chuyển nhượng biệt thự cổ tại Hà Nội và bất động sản tại một số địa phương.
Theo Thông báo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về một số dự án đầu tư có liên quan đến việc sử dụng đất tại Đà Nẵng ban hành vào đầu năm 2013, thì năm 2006, bà Trung Thị Lâm Ngọc và ông Hoàng Hải là hai cá nhân đã được UBND Tp. Đà Nẵng chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng, với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng.
“Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 581,526 tỷ đồng (thu chênh lệch (495,374 tỷ đồng)”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Tuy nhiên, vẫn cần tìm hiểu thêm mới có thể xác định bà Trung Thị Lâm Ngọc trong thương vụ có liên quan tới Vũ “Nhôm” nêu trên có phải là bà Trung Thị Lâm Ngọc – phu nhân của Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú hay không./.