Tổng thư ký WHO yêu cầu minh bạch và cung cấp thêm dữ liệu gốc về SARS-CoV-2, Trung Quốc phản ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 15/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ cuộc điều tra giai đoạn hai về nguồn gốc SARS-CoV-2, cung cấp thêm dữ liệu gốc có liên quan; Bắc Kinh đã lập tức bác bỏ...
Ngày 15/7, ông Tedros Adhanom công khai yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc SARS-CoV-2 và cung cấp dữ liệu gốc có liên quan (Ảnh: Dwnews).
Ngày 15/7, ông Tedros Adhanom công khai yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc SARS-CoV-2 và cung cấp dữ liệu gốc có liên quan (Ảnh: Dwnews).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), ông Tedros hôm thứ Năm (15/7) đã thừa nhận rằng một trong những thách thức chính trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra là "lấy được dữ liệu gốc" vì dữ liệu gốc liên quan không được chia sẻ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thúc giục Trung Quốc hợp tác trong giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc của coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) và yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm dữ liệu gốc có liên quan.

Ông Tedros cũng thừa nhận trong cuộc họp báo tại Geneva rằng cộng đồng quốc tế đã loại trừ quá sớm khả năng SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ông nói rằng WHO đang đặt nền móng cho một giai đoạn điều tra mới về nguồn gốc của SARS-CoV-2, đồng thời cho biết thêm: "Chúng tôi hy vọng sẽ thông qua sự hợp tác tốt hơn để làm rõ được những gì đã xảy ra".

WHO trong thời gian qua đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng do cộng đồng quốc tế liên tục yêu cầu tổ chức này tiến hành các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Vào tháng 1 năm nay, WHO đã cử một nhóm chuyên gia độc lập để điều tra nguồn gốc của loại virus này sau hơn một năm kể từ khi SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Vũ Hán.

Kết luận của nhóm điều tra chung WHO - Trung Quốc về nguồn gốc SARS-CoV-2 tháng 3/2021 đã có kết luận có lợi cho Trung Quốc (Ảnh: AP).

Kết luận của nhóm điều tra chung WHO - Trung Quốc về nguồn gốc SARS-CoV-2 tháng 3/2021 đã có kết luận có lợi cho Trung Quốc (Ảnh: AP).

Hôm thứ Năm (15/7) ông Tedros Adhanom thừa nhận rằng một trong những thách thức chính trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra là "lấy được dữ liệu gốc" vì dữ liệu gốc liên quan đã không được chia sẻ. Ông nói: "Bây giờ chúng tôi đã thiết kế giai đoạn hai của cuộc điều tra nghiên cứu, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch, cởi mở và hợp tác, đặc biệt là cung cấp các dữ liệu gốc có liên quan. Chúng tôi yêu cầu họ cung cấp các dữ liệu liên quan đến giai đoạn đầu của dịch bệnh".

Ông Tedros: Rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "rất phổ biến"

Sau khi nhóm chuyên gia độc lập kết thúc giai đoạn đầu của cuộc điều tra, các thành viên của nhóm đã trì hoãn đến cuối tháng 3 mới công bố báo cáo liên quan, và nhóm chuyên gia cùng các đồng nghiệp Trung Quốc của họ đã không đưa ra kết luận rõ ràng về nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Ngược lại, họ đã sắp đặt một số giả thuyết có thể xảy ra và phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 rất có thể lây truyền từ dơi sang người thông qua một số động vật dưới dạng vật chủ trung gian, còn giả thuyết về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm được coi là "cực kỳ bất khả thi".

Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán nơi bị nghi ngờ là xảy ra sự cố rò rỉ virus (Ảnh: AP).

Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán nơi bị nghi ngờ là xảy ra sự cố rò rỉ virus (Ảnh: AP).

Nhóm điều tra đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì thiếu tính minh bạch và không được quyền truy cập độc lập, cũng như không tiến hành đánh giá sâu hơn về lý thuyết rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm. Hãng tin Pháp AFP cho biết trong báo cáo này chỉ có 440 từ thảo luận về chuyên môn và bác bỏ giả thuyết cho rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Các giả thuyết liên quan từ lâu đã được coi là thuyết âm mưu của cánh hữu, và chính phủ Trung Quốc liên tục chỉ trích mạnh mẽ các giả thuyết liên quan, nhưng quan điểm này ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ ở Mỹ.

Ông Tedros Adhanom hôm 15/7 nhắc lại rằng WHO cần tiến hành thêm các cuộc điều tra về giả thuyết cho rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ông cho rằng một số nhóm đã cố gắng loại trừ quá sớm khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Là một nhà miễn dịch học, Tedros Adhanom nhấn mạnh rằng bản thân ông trước đây đã từng làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, "các sự cố trong phòng thí nghiệm có thể xảy ra".

Ông nói: "Điều này rất phổ biến, và tôi đã thấy những tình huống tương tự xảy ra. Điều quan trọng là phải kiểm tra cụ thể những gì đã xảy ra trong phòng thí nghiệm". Chúng ta cần thông tin về điều kiện của các phòng thí nghiệm này trước khi bắt đầu đợt dịch COVID-19".

Ông Tedros Adhanom vốn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc (Ảnh: THX).

Ông Tedros Adhanom vốn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc (Ảnh: THX).

Ông Tedros Adhanom trước đây đã than thở rằng nhóm chuyên gia quốc tế không thể thu thập được tất cả các dữ liệu gốc cần thiết để đưa ra đánh giá chính xác. Ông nói, hơn 4 triệu người trên thế giới đã chết vì SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi cho rằng chúng ta có trách nhiệm phải biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng ta cần biết điều gì đã xảy ra để ngăn chặn những vụ dịch tương tự tái diễn".

Trung Quốc phản ứng về ý kiến của ông Tedros Adhanom

Trước việc Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom kêu gọi Trung Quốc tích cực hợp tác trong giai đoạn 2 cuộc điều tra làn rõ nguồn gốc của SARS-CoV-2, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 16/7 đã có phản hồi.

Theo tin tức trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/7, Triệu Lập Kiên đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Một phóng viên hỏi ông Tedros Adhanom đã kêu gọi tiến hành giai đoạn hai của quá trình truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2, Trung Quốc có sẵn sàng hợp tác không?

Ông Triệu Lập Kiên trả lời: “Trung Quốc chú ý đến dự thảo kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 do ông Tedros Adhanom và Ban Thư ký WHO đề xuất, và các chuyên gia Trung Quốc đang nghiên cứu”.

Về tuyên bố của Tedros Adhanom nói cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc ở Trung Quốc đã bị cản trở và yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu gốc ban đầu có liên quan, Triệu Lập Kiên trả lời rằng thực tế là trong thời gian nhóm chuyên gia chung của WHO cuộc điều tra tại Trung Quốc, Trung Quốc đã hiển thị các dữ liệu gốc cần được quan tâm đặc biệt. Các chuyên gia nước ngoài cũng đã nhiều lần nói rõ rằng nhóm chuyên gia của WHO đã thu được số lượng lớn dữ liệu và thông tin và hoàn toàn hiểu rằng một số thông tin không thể được sao chép và mang ra khỏi quốc gia do quyền riêng tư cá nhân.

Bà Thạch Chính Lệ, nhân vật có biệt hiệu "Người Dơi" ở Viện Virus Vũ Hán bị nghi ngờ có liên quan đến SARS-CoV-2 (Ảnh: Dwnews).

Bà Thạch Chính Lệ, nhân vật có biệt hiệu "Người Dơi" ở Viện Virus Vũ Hán bị nghi ngờ có liên quan đến SARS-CoV-2 (Ảnh: Dwnews).

Triệu Lập Kiên đề cập vào tháng 3 năm 2021, WHO đã công bố bản báo cáo nghiên cứu truy xuất nguồn gốc chung Trung Quốc-WHO, kết luận rằng rất khó có thể xảy ra rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Đây là một báo cáo khoa học và có thẩm quyền và là cơ sở cho giai đoạn tiếp theo của quá trình truy xuất nguồn gốc toàn cầu. Tất cả các bên đều cần tôn trọng ý kiến ​​của các nhà khoa học và các kết luận khoa học, không nên chính trị hóa. Kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 toàn cầu trong giai đoạn tiếp theo nên do các quốc gia thành viên chủ đạo và đạt được nhất trí thông qua tham vấn.

Giới quan sát nhận xét, gần đây ông Tedros Adhanom đã có sự thay đổi mạnh mẽ về lập trường trong vấn đề truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2. Trước đây ông thường ủng hộ quan điểm của phía Trung Quốc; tuy nhiên nay ông đã quay sang ủng hộ việc tiến hành điều tra giai đoạn 2 truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Trung Quốc, không tán thành quan việc Trung Quốc cho rằng nguồn gốc SARS-CoV-2 “chưa chắc ở Vũ Hán” và yêu cầu phải điều tra truy xuất nguồn gốc trên toàn thế giới, trong đó trọng điểm là Mỹ.