Trước đó, đạo luật này từng gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của người dân Nga sau khi nó được Quốc hội Ukraine thông qua hồi tháng trước.
Bước đi trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền thân phương Tây ở Kiev đang tìm mọi cách để cắt đứt quan hệ với Nga, để tuyệt giao hoàn toàn với quá khứ thời Xô-viết và khi quân đội Ukraine đang chiến đấu chống lại lực lượng ly khai miền đông mà họ cho là được hậu thuẫn bởi Nga.
Đạo luật mới “cấm sử dụng các biểu tượng từ thời Xô-viết, lên án chế độ cộng sản, mở những kho tư liệu lịch sử của các cơ quan đặc biệt của Liên Xô” đồng thời chính thức công nhận vai trò của một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thân phát xít trong cuộc chiến giành độc lập của Ukraien vào giữa thế kỷ 20.
Ngoài việc chọc tức Nga – nước miêu tả động thái của Kiev là “độc tài, chuyên chế”, đạo luật vừa được Tổng thống Poroshenko ban hành còn làm leo thang căng thẳng giữa Kiev với lực lượng ly khai miền đông.
Luật mới Kiev cấm dùng cờ Xô viết và nó cũng có nghĩa là các bức tượng Lê-nin từ thời Liên Xô sẽ bị kéo đổ và tên của các quảng trường trên khắp đất nước Ukraine sẽ bị đổi lại. Luật này thậm chí còn cấm các hoạt động tuyên truyền chống phát xít.
Nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan được Kiev công nhận vai trò là Quân đội Nổi dậy Ukraine. Quân đội này từng có thời nghiêng về phía phát xít Đức. Nga luôn coi nhóm này là nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát xít.
Bất kỳ ai vi phạm đạo luật mới của Ukraine đều có thể bị phạt từ từ 5 đến 10 năm.
Việc Tổng thống Poroshenko ban hành đạo luật cấm các biểu tượng thời Xô-viết là một hành động thêm nữa trong chuỗi dài các hành động mà ông này tung ra nhằm làm tổn thương nước láng giềng Nga. Tất cả nằm trong mục đích của Kiev là tuyệt giao hoàn toàn với đất nước từng sát cánh bên họ.
Trước đó, hồi tháng 4, chính quyền Kiev cũng đã quyết định từ bỏ cái tên Xô-viết đặt cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II và bỏ dùng dải ruy băng St.George truyền thống thay vào đó hướng tới dùng hoa anh túc - một biểu tượng thời chiến của Anh, để kỷ niệm 70 năm ngày giành chiến thắng phát xít Đức. Hoa anh túc ban đầu chủ yếu được sử dụng ở Anh và trong các nhóm cựu chiến binh là đồng minh của Liên hiệp Anh như Canada, Australia và New Zealand để tôn vinh những người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh năm 1914-18. Trong khi đó, dải ruy băng St.George màu cam và đen là biểu tượng của chiến thắng, của tinh thần yêu nước mà người Nga thường dùng vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai nước này xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Cuộc khủng hoảng trên đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Mâu thuẫn này được cho là đã âm ỉ từ lâu và được dịp bùng phát sau sự kiện ông Yanukovych quyết gác lại thỏa thuận hợp tác với EU để ưu tiên mối quan hệ với một nước Nga vốn có nhiều mối liên kết sâu đậm về lịch sử, truyền thống, văn hóa và cả huyết thống với Ukraine.
Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng chính là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu giữa Nga và phương Tây. Cuộc đua tranh này được cho là diễn ra ngấm ngầm từ rất lâu.
Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Sau khi lực lượng Maidan thân phương Tây nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych thì cuộc chiến ở miền đông Ukraine chính thức được châm ngòi và cuộc đối đầu Đông-Tây cũng chính thức khởi phát.
Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Ukraine. Trong khi đó, Nga bày tỏ sự hoài nghi về tính hợp pháp của một chính quyền được dựng lên sau một cuộc đảo chính, đặc biệt là khi phe đối lập phá bỏ thỏa thuận vừa ký kết chưa đầy một ngày với cựu Tổng thống Yanukovych để xông vào chiếm thủ đô và lên nắm quyền.
Các khu vực miền đông có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Nga kiên quyết không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền ở Kiev cũng như không ủng hộ chính sách ngả về phương Tây. Kết quả là người dân ở nơi đây đã đổ ra đường biểu tình rầm rộ. Đáp trả lại các cuộc biểu tình trên, Kiev phát động chiến dịch quân sự mà họ gọi là “chống khủng bố” nhằm vào những người biểu tình.
Trong khi Mỹ và phương Tây thể hiện sự ủng hộ, cả ngầm ngầm và công khai, đối với chiến dịch quân sự đàn áp người biểu tình ở miền đông Ukraine của chính quyền Kiev thì Nga quyết liệt phản đối chiến dịch này. Kết quả là Kiev hiện nay đang quyết liệt đối đầu với Nga, tuyệt giao với Nga và tìm đến với phương Tây.
Theo: VnMedia