Tổng thống Trump thề sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu Iran định trả đũa

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tấn công cực kỳ mạnh mẽ vào 52 địa điểm của Iran nếu Iran trả đũa sau cuộc tấn công làm chết tướng Qassem Soleimani và một thủ lĩnh dân quân Iraq, khiến cho hàng nghìn người tuần hành ở Iraq vì thương tiếc.
Tổng thống Trump đe dọa tấn công Iran nếu có hành động trả đũa (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump đe dọa tấn công Iran nếu có hành động trả đũa (Ảnh: Reuters)

Không có dấu hiệu tìm cách giảm bớt căng thẳng do cuộc tấn công mà ông ra lệnh đã khiến tướng Soleimani và thủ lĩnh dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn là Abu Mahdi al-Muhandis tại sân bay Baghdad ngày 3/1, ông Trump thậm chí đưa ra lời đe dọa với Iran trên Twitter. Cuộc tấn công đã làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Ông Trump viết: “Iran đang nói rất mạnh miệng về việc nhắm mục tiêu vào một số tài sản của Mỹ để trả thù cho cái chết của Soleimani. Trump cho biết Hoa Kỳ đã "khóa mục tiêu  52 địa điểm của Iran mà trong số đó có những địa điểm đặc biệt quan trọng với Iran cũng như nền văn hóa của nước này. Những mục tiêu bị nhắm tới, và cả chính Iran sẽ bị đánh rất nhanh và rất mạnh.”

“Mỹ không muốn có thêm bất kỳ mối đe dọa nào!” và ông Trump cũng nói thêm rằng 52 mục tiêu đại diện cho 52 người Mỹ bị bắt làm con tin ở Iran trong 444 ngày ở Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào tháng 11/1979, để lại một nỗi đau kéo dài trong quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Ông Trump không nói cụ thể về những địa điểm này. Lầu Năm Góc đã chuyển các câu hỏi về vấn đề này tới Nhà Trắng tuy nhiên vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Tối 4/1, một tên lửa rơi trúng Baghdad tại Vùng Xanh gần Đại sứ quán Hoa Kỳ. Trong khi đó, một tên lửa khác đã tấn công khu phố Jadriya gần đó và hai người khác đã bị bắn tại căn cứ không quân Balad ở phía bắc thành phố, tuy nhiên không có ai bị thiệt mạng.

Tổng thống Trump đã tham khảo một số mục tiêu tiềm năng cụ thể khác thường của Iran sau khi một chỉ huy cấp cao Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cũng đã đề cập đến một số mục tiêu cụ thể nhắm vào Mỹ, mà 35 mục tiêu trong số đó là cho các cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra để đáp trả cái chết của tướng Soleimani.

Trước đó, ngày 3/1, hãng thông tấn Tasnim dẫn lời tướng Gholamali Abuhamzeh nói rằng Iran sẽ trừng phạt người Mỹ bất cứ nơi nào họ thấy trong phạm vi của nước Cộng hòa Hồi giáo, và nhiều khả năng sẽ tấn công các tàu ở Vùng Vịnh. Trích dẫn lời tướng Gholamali Abuhamzeh: “Eo biển Hormuz là một điểm quan trọng đối với phương Tây và một số lượng lớn tàu khu trục và tàu chiến Mỹ đi qua đó. ... Các mục tiêu quan trọng của Mỹ trong khu vực đã được Iran xác định từ lâu. ... Khoảng 35 mục tiêu nhắm vào Mỹ trong khu vực cũng như Tel Aviv nằm trong tầm tay của chúng tôi.”

Lực lượng dân quân Kataib Hezbollah của Iraq cũng cảnh báo lực lượng an ninh Iraq tránh xa các căn cứ của Mỹ ở Iraq, với khoảng cách không dưới một nghìn mét bắt đầu từ tối 5/1.

Các bài đăng mang đậm chất đe dọa của Tổng thống Trump trên Twitter được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng ông đã nói với tổng thống Iraq rằng Mỹ vẫn cam kết giảm leo thang và ông cũng đã trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về vấn Iran, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại ảnh hưởng và mối đe dọa tiêu cực của Iran đối với khu vực.

Với những lo ngại về an ninh đã gia tăng sau cuộc tấn công ngày 3/1, NATO đã tạm ngưng các chương trình của họ để huấn luyện lực lượng an ninh và vũ trang Iraq.

Phát biểu trong một tuyên bố, người phát ngôn của NATO Dylan White, cho biết: “Bảo đảm an toàn cho người của chúng tôi ở Iraq là tối quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết.”

Cuộc tấn công đã đưa Washington và các đồng minh, chủ yếu là Saudi Arabia và Israel, vào sự căng thẳng chưa từng thấy trong cuộc đối đầu với Iran và các lực lượng dân quân ủy nhiệm trên toàn khu vực.

Pháp đã tăng cường các sáng kiến ngoại giao để giảm bớt căng thẳng. Văn phòng Tổng thống cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi với Tổng thống Iraq Barham Salih và nhà lãnh đạo thực tế của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thái tử Abu Dhabi, ông Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan.

Mỹ đã là đồng minh của chính phủ Iraq kể từ cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003 nhằm lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein, nhưng Iraq đã trở thành đồng minh chặt chẽ hơn với Iran.

Quốc hội Iraq đang triệu tập một phiên họp bất thường, trong đó có một cuộc bỏ phiếu để trục xuất quân đội Mỹ có thể được thực hiện ngay ngày 5/1. Nhiều người Iraq, bao gồm cả những người phản đối Soleimani, đã bày tỏ sự tức giận với Washington vì giết chết hai người trên lãnh thổ Iraq và có thể kéo đất nước của họ vào một cuộc xung đột khác.

(Theo Reuters)