Không phải tự dưng mà Tổng thống Trump lại được đặt biệt danh “Tổng thống mạng xã hội”. Ông thường dùng mạng xã hội như một cái “loa phát thanh” để “quảng bá” cho một loạt các quan điểm, phát ngôn thù địch của mình.
Tính toán sai lầm thứ nhất, ngày 30/7, trong khi đoàn ngoại giao cao cấp của Mỹ đến Thượng Hải để nối lại vòng đàm phán thương mại giữa hai nước thì Tổng thống Trump lại có những phát ngôn gây sốc trên Twitter với nội dung đả kích chính phủ Bắc Kinh. Các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ diễn ra tại Thượng Hải bị đình trệ, nguyên nhân quan trọng nằm ở những tuyên bố của Tổng thống Trump.
Thứ hai, ngay sau những phát ngôn “thù địch” của Tổng thống Trump, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng “té nước theo mưa” tuyên bố Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ”. Mỹ đã thể hiện thái độ “không hợp tác” và có vẻ như “xứ cờ hoa” vẫn chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh vì liên tiếp có những hành động phá hỏng nó. Thương chiến thương mại và tiền tệ Mỹ - Trung được dự đoán sẽ còn leo thang và kéo dài, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các động thái tại Nhà Trắng
Trước thềm các cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng: “Đoàn chúng tôi đang đàm phán với họ (Trung Quốc), nhưng họ luôn thay đổi quyết định vào phút chót vì lợi ích của họ”. “Trung Quốc đang cư xử rất tồi, tệ nhất trong suốt 27 năm qua. Họ nói sẽ mua sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng minh họ đang làm như vậy. Đó là vấn đề chính của Trung Quốc. Họ không giữ lời”.
Ngay sau đó, tại phòng Bầu dục (văn phòng làm việc của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng), Tổng thống Trump đã “lấn áp” các cố vấn của mình, buộc họ phải nhượng bộ quan điểm tăng thuế quan với Trung Quốc. Được biết, quyết định tăng thuế của ngài Tổng thống được đưa ra sau một cuộc tranh luận căng thẳng. Tổng thống Trump khẳng định các khoản thuế sẽ buộc Trung Quốc phải “nghe lời”, tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.
Ngoại trừ Peter Navarro, cố vấn về vấn đề thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Trump, những người còn lại trong đội ngũ cố vấn cao cấp đều kiên quyết phản đối việc áp thuế quan mới. Bất đồng quan điểm là nguyên nhân chính khiến cuộc tranh luận kéo dài gần hai giờ. Tổng thống Trump cần một cam kết rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ.
Có lẽ, đối với ông Trump, chiến thuật “bắt nạt và hăm dọa” thuế quan là biện pháp tốt nhất. Cuối cùng các cố vấn của ông Trump đã phải nhượng bộ và giúp ông soạn thảo các thông báo áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc trên mạng xã hội Twitter.
Ngay sau đó, ngày 5/8 (theo giờ Mỹ), Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố Trung Quốc là “kẻ thao túng” tiền tệ và đe dọa sẽ đệ đơn lên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để ngăn chặn sự “phá giá” của đồng NDT, loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh do các hành động mới nhất của Trung Quốc tạo ra.
Ảnh: China Daily
|
Chiến thuật thuế quan đã tạo phản ứng ngược so với mục tiêu ban đầu của Tổng thống Trump
Đúng vậy, mục đích của Tổng thống Trump là muốn đồng USD trở nên rẻ hơn và cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump lại đang chống lại các mục tiêu đó.
Vào tháng 5/2019, Washington đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đồng NDT đã mất giá, tăng từ 6,7 lên 6,9 so với đồng USD. Gần đây nhất là quyết định áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, tuyên bố sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, bắt đầu từ ngày 1/6. Trung Quốc có thừa khả năng để làm mạnh tay hơn nhưng đất nước tỷ dân này kìm chế là muốn tìm ra một lối thoát cho các cuộc đàm phán thương mại.
Vào thứ Năm tuần trước, tức ngày 7/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ cho hạ tỷ giá tham chiếu NDT xuống mức thấp nhất so với USD kể từ tháng 12/2008, đạt hơn 7 NDT đổi 1 USD, tức là vượt quá mức 7, ngưỡng tỷ giá quan trọng mà Bắc Kinh được cho là đã cố gắng bảo vệ suốt 10 năm qua.
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá NDT so với USD sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu sang Mỹ và khiến hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ về đại lục trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ có thêm lợi thế xuất khẩu, bù đắp các tổn thất vì các đòn thuế của ông Trump.
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố thuế quan mới, chứng khoán Mỹ bắt đầu lao dốc, niềm tin kinh doanh và đầu tư xuyên biên giới bị suy yếu và người tiêu dùng thì hoang mang.
Theo Manila Times (www.manilatimes.net)
Người dịch: Thanh Ngọc
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu