Bằng cách tăng cường hoạt động ở Syria và Iraq, Tổng thống Nga Putin thách thức Tổng thống Mỹ Obama ở hai mục tiêu đối ngoại chính trong các năm cuối nhiệm kỳ của ông Barack Obama:
Tìm ra một giải pháp cho cuộc nội chiến Syria, và tỏ ra hiệu quả trong cuộc chiến chống phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Hai mục tiêu này sẽ được ông Obama trình bày ở kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) ngày 28.9.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng diễn thuyết ở UNGA. Sau đó, hai lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ có cuộc gặp bên lề.
Ngày 27.9, ông Putin nói với các kênh truyền hình Mỹ CBS và PBS: việc Mỹ hỗ trợ quân nổi dậy ở Syria là phi pháp và không hiệu quả, khi quân nổi dậy do Mỹ huấn luyện lại bỏ ngũ, chiến đấu cùng IS với chính vũ khí do Mỹ cung cấp.
Ông Putin chỉ trích kế hoạch huấn luyện 5.400 tay súng nổi dậy chống IS: “Hóa ra chỉ có 60 tay súng được huấn luyện kỹ, số còn lại đào ngũ cùng vũ khí Mỹ để theo IS”.
Lầu Năm Góc đã thú nhận: 70 tay súng nổi dậy (do Mỹ huấn luyện tốn 500 triệu USD) để hoạt động trong Syria đã nộp vũ khí cho tổ chức khủng bố Al Qaeda!
Nhóm 54 quân nổi dậy được vào Syria hồi đầu năm cũng bị một nhánh Al-Qaeda ở Syria tấn công, một số bỏ ngũ, chỉ còn lại 4 người.
Ông Putin nói: Tổng thống Bashar Assad của Syria đáng được quốc tế ủng hộ, khi quân đội Syria đang chống lại các tổ chức khủng bố.
Ông nói việc Nga ủng hộ chế độ Assad dựa vào Hiến chương LHQ: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ một chính phủ hợp pháp. Hiện sự hỗ trợ này là cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, nhân sự huấn luyện và viện trợ nhân đạo cho nhân dân Syria”.
Cuộc nội chiến Syria 5 năm nay đã khiến 250.000 người chết, hàng triệu người Syria tỵ nạn ở các nước láng giềng và châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng tỵ nạn, khiến cần khẩn cấp có giải pháp kết thúc cuộc nội chiến này.
Đòn hợp tác tình báo của Nga khiến Mỹ bị choáng
Mỹ cũng đang bối rối khi Nga vừa đạt được một thỏa thuận chia sẻ tin tình báo về IS với Iraq, Syria và Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói ông đang liên hệ chặt chẽ với ông Putin, về hoạt động của Nga ở Syria, và các ông đều ủng hộ nỗ lực củng cố chế độ Assad.
Thỏa thuận trên không báo cho Mỹ biết. Các quan chức Mỹ biết có một nhóm sĩ quan Nga ở Baghdad, nhưng họ bị bất ngờ, khi quân đội Iraq công bố thỏa thuận trên hôm 27.9.
Mỹ phản đối việc Syria tham gia hoạt động chia sẻ tin tình báo này. Đại tá Steven H. Warren, người phát ngôn của liên minh chống IS ở Baghdad, nói: “Chúng tôi không ủng hộ sự hiện diện của quan chức chính phủ Syria có mặt. Họ là một phần của chế độ đàn áp nhân dân Syria”.
Những nước đi của Nga dẫn đến những câu hỏi quan trọng, về quan hệ giữa Mỹ với một đồng minh chống IS khác: Iraq.
Với khoảng 3.500 cố vấn, huấn luyện viên cùng một số quân nhân Mỹ tại Iraq, Thủ tướng Haider al-Abadi tự nhận là thành viên cần thiết của liên minh chống IS.
Tuy nhiên, chính phủ Iraq do cộng đồng Hồi giáo phái Shiite chiếm đa số từ lâu lo ngại việc lật đổ chế độ Assad sẽ làm IS mạnh thêm.
Nên họ lặng lẽ giúp Nga triển khai quân sự ở Syria: cho phép vận tải cơ Nga bay trong không phận để đến Syria, trong khi Bulgaria đóng không phận không cho vận tải cơ Nga đến Syria, theo yêu cầu của Mỹ.
Các quan chức Mỹ cáo buộc Iraq cho phép Iran sử dụng không phận để chuyển vũ khí cho chế độ Assad, nhưng Iraq phủ nhận.
Năm ngoái, Nga bán chiến đấu cơ cho Iraq dội bom IS, sau khi Mỹ hủy một chuyến giao hàng. Iraq hiện đàm phán với Nga để mua thêm vũ khí hiện đại.
>> Tổng thống Nga Putin ném bài tẩy, phương tây gãi đầu gãi tai
>> Tổng thống Putin mặt đối mặt ông Obama, bàn chuyện chống IS
Ông Putin bắt ông Obama giải bài toán khó
Đấy là dấu hiệu thứ hai cho thấy: ông Putin đang có một chiến thuật rất khác với cách chống IS của Mỹ, bằng cách lập một liên minh đối thủ gồm Syria và Iran, nhằm để Nga mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, không chỉ cho Nga có thế ủng hộ quân sự cho chế độ Assad.
Khủng hoảng Syria trở thành một cái gai nhức nhối không thể gỡ cho ông Obama. Dù bỏ nhiều năm tìm một giải pháp, ông Obama chưa bao giờ đầu tư mạnh vào cách kết thúc cuộc nội chiến. Sự miễn cưỡng của ông do ông tin không có giải pháp nào sẽ không kéo Mỹ vào một cuộc xung đột khác tại Trung Đông.
Giới chỉ trích đã yêu cầu ông Obama quyết đoán hơn về Trung Đông và Syria, vì việc Mỹ thiếu một chính sách rõ ràng đã khiến IS có cơ hội mở rộng hoạt động chiếm đất ở Syria và Iraq.
Hôm 27.9, hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ Sergei Lavrov và John Kerry gặp nhau, nhằm tìm ra sự kết hợp hoạt động quân sự ở Syria, theo các quan chức hai nước cho biết.
Hiện các quan chức Mỹ vẫn chưa thể rõ chiến lược dài hơi của ông Putin ở Syria, Iraq. Họ nói ông Kerry để mở khả năng Nhà Trắng-Điện Kremlin có thể điều phối chống IS, nếu không hợp tác.
Ông Lavrov nói Mỹ và Nga có thể đạt đến một thỏa thuận chống IS.
Dennis Ross, cố vấn về Trung Đông trong nhiệm kỳ 1 của ông Obama, nói: “Nga đã làm rõ vấn đề: sẽ chẳng thể đạt được một giải pháp nào nếu không có họ. Và họ tự đặt vào một thế mạnh khiến chúng ta chẳng có nhiều lựa chọn nào ngoài việc đối thoại với họ”.
Mỹ-Nga không nhất trí về lý do chính của cuộc nội chiến Syria. Quan hệ Nga-Mỹ hiện xuống cấp vì khủng hoảng Ukraine, nhưng hai bên cùng quan ngại nỗi đe dọa từ IS.
Mỹ cùng phương tây đòi ông Assad phải rời bỏ quyền lực, nói chính ông gây ra sự bất ổn và cuộc khủng hoảng này chỉ có thể giải quyết, bằng một thỏa thuận chuyển giao chính trị vốn yêu cầu ông Assad phải ra đi.
Tuy nhiên, vài tuần qua, Mỹ giảm đòi hỏi này, một số quan chức không loại trừ khả năng ông Assad tiếp tục nắm quyền lực thêm vài năm.
Một quan chức cấp cao thừa nhận: có một “thực tế mới” ở Syria, buộc ông Obama phải tìm một giải pháp, cho phép ông Assad tiếp tục nắm quyền trong một thời gian, thay vì ra đi lập tức như trước đây Nhà Trắng mong muốn.
Các hành động mới của Nga ở Syria góp phần củng cố sự thay đổi này:
Ông Putin nói cần có chế độ Assad trong nỗ lực quốc tế chống IS. Nga đôi lúc gợi ý phải đánh thắng IS trước, rồi mới tìm giải pháp cho cuộc nội chiến Syria.
Kể cả khi Mỹ dựa vào một chiến thuật ngoại giao để ráng kéo Nga hợp tác ở Syria, Điện Kremlin tiếp tục khiến Nhà Trắng bị choáng váng bằng các động thái chính trị-quân sự đơn phương, theo nhận định của báo Washington Times (Mỹ):
Vài tuần qua, Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria, nhằm giúp chế độ Assad chống IS. Mỹ cáo buộc Nga đưa chiến đấu cơ, xe tăng, tên lửa phòng không và 2.000 quân đến một căn cứ không quân ở thành phố cảng Latakia, hậu cứ của ông Assad.
Nga nhồi thêm nỗi lo cho Mỹ, bằng việc cho máy bay không người lái bay tuần tra quanh Latakia, phía tây Idlib và phía tây Hama, theo một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên. Ông nói các nhà phân tích Mỹ không phát hiện bất kỳ tay súng IS nào ở các khu vực trên.
Điều này dẫn đến viễn cảnh Nga có thể tấn công quân nổi dậy đang muốn lật đổ chế độ Assad và có sự “chống lưng” của Mỹ.
Vĩnh Thụy - Theo Washington Times, Một thế giới