Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra đề suất thiết lập thủ đô mới ở Kalimantan, thuộc phần lãnh thổ của Indonesia trên hòn đảo mà nước này chia sẻ với Malaysia và Brunei, trong bài phát biểu trước Quốc hội, chỉ một ngày trước kỷ niệm ngày độc lập quốc gia.
"Tôi đề nghị Quốc hội cho phép di dời thủ đô của đất nước tới Kalimantan" - ông Widodo, người sắp tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai của mình trong tháng 10 tới sau khi giành chiến thắng bầu cử hồi tháng 4, nói - "Một thành phố thủ đô không chỉ là biểu tượng của bản sắc mà còn thể hiện sự tiến bộ của một quốc gia. Việc này nhằm mục đích hiện thực hóa bình đẳng kinh tế và công bằng".
Ông Widodo không đưa ra địa điểm chính xác của thành phố mới trong một khu vực vốn nổi tiếng với những cánh rừng mưa nhiệt đới, các mỏ than, và là nơi ở của khoảng 16 triệu người. Hồi tháng 5 vừa qua, ông Widodo đã tới thăm Kalimantan để khảo sát khu vực này, và trong tháng trước, ông liệt ra 3 tỉnh trên Twitter: Trung, Đông và Nam Kalimantan.
Theo giới chức Indonesia, thủ đô mới cần phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Trước hết, nó cần phải nằm ở trung tâm của Indonesia - một bán đảo gồm hơn 1.700 hòn đảo nhỏ trải dài 5.000 km từ Tây sang Đông. Tân thủ đô cũng cần phải là một nơi hứng chịu ít rủi ro về thảm họa thiên nhiên hơn các phần còn lại của Indonesia - vốn thường xuyên hứng chịu các trận động đất, lũ lụt và núi lửa phun trào.
Jakarta là một trong những thành phố có mật độ dân cư dày đặc nhất thế giới, là nơi ở của hơn 10 triệu người và con số này thậm chí còn tăng gấp 3 lần nếu tính cả những người sống ở các thị trấn xung quanh. Thành phố này cũng dễ chịu ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt và tình trạng sụt lún, do hàng triệu người dân đào giếng khoan để lấy nước ngầm, ảnh hưởng đến các tầng địa chất.
Di dời thủ đô tới một địa điểm an toàn và đỡ đông đúc hơn sẽ có chi phí lên tới 33 tỷ USD - theo Bộ trưởng Kế hoạch Bambang Brodjonegoro. Mức giá này bao gồm di dời các văn phòng chính phủ, nhà ở của khoảng 1,5 triệu công chức, theo dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2024.
Indonesia không phải là nước Đông Nam Á đầu tiên di dời thủ đô của mình. Năm 2005, các tướng lĩnh quân đội cai trị ở Myanmar đã dời thủ đô tới Naypyidaw, một thị trấn nằm trên các ngọn đồi ở vùng sâu, cách thủ đô cũ là Yangon tới 320 km.
Trong những năm 1990, lãnh đạo Malaysia Mahathir Mohamad cũng cho xây dựng một thủ đô hành chính ở Putrajaya, cách Kuala Lumpur khoảng 33 km, một trong những siêu dự án định hình di sản đầu tiên của ông.
Nhiều người kỳ vọng ông Widodo sẽ công bố địa điểm cụ thể tân thủ đô của Indonesia trong hôm thứ Sáu (16/8), nhưng chính quyền nước này vẫn tỏ ra khá thận trọng về việc công bố quá nhiều thông tin do lo ngại rằng kế hoạch sẽ khiến cho giá đất tăng đột biến.
Thế nhưng, điều đó không thể ngăn cản người dân Indonesia đồn đoán. Cư dân mạng nước này dự đoán rằng ông Widodo sẽ lựa chọn Bukit Soeharto - một vùng rừng núi ở Đông Kalimantan và là nhà của một thành viên trong Quốc hội từng đọc lời cầu nguyện sau bài phát biểu của Tổng thống.
Theo Reuters