Ngày 15.08.2016, khi được hỏi về những ý kiến đề xuất khác nhau về một lệnh "ngừng bắn nhân đạo" tại thành phố Aleppo, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu rằng: Những lệnh ngừng bắn ngắn hạn đã giúp những kẻ khủng bố nhận được nguồn tiếp tế đạn dược và quân tiếp viện.
"Mục đích chính của những lệnh tạm dừng bắn là nhằm đến các hoạt động cứu trợ trong những tình huống nhân đạo, nhưng những nhóm khủng bố nhận thêm 7.000 người vào hàng ngũ chiến binh thánh chiến, chưa kể đến một lượng lớn vũ khí và đạn dược" - ông nói.
Cùng ngày 15.08.2016, Hải quân Nga bắt đầu cuộc tập trận trên vùng biển Địa Trung Hải và Biển Caspia, cuộc diễn tập sẽ kéo dài đến ngày 20.08, trong thành phần biên chế có sáu hạm tàu trang bị tên lửa hành trình "Kalibr".
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga nhận được sự chấp thuận của Iran và Iraq, cho phép các tên lửa hành trình bay qua lãnh thổ của các quốc gia này. Năm 2015, các tên lửa hành trình của Nga cũng bay qua lãnh thổ các quốc gia trong các chiến dịch tấn công khủng bố IS ở Syria.
Tàu tuần dương tên lửa - sân bay Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov, với khoảng 15 chiếc tiêm kích Su-33,MiG-29K / KUB; hơn 12 chiếc trực thăng quân sự Ka-52K, Ka-27; máy bay cảnh báo sớm và các máy bay trực thăng Ka-31 cũng được dự kiến triển khai trên vùng nước phía Đông Địa Trung Hải vào tháng 10 tới nhằm thực hiện không kích vào các vị trí mục tiêu của khủng bố tại Syria và đảm bảo phòng không cho cụm không quân viễn chinh Nga tại căn cứ quân sự Hmeymim.
Căn cứ không quân Hmeymim được chuyển đổi thành căn cứ quân sự chính thức vô thời hạn trên lãnh thổ Syria, một lực lượng quân thường trực của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sẽ được triển khai tại đây.
Các công trình cơ sở không quân và cơ cấu tổ chức phòng thủ được mở rộng, tạo điều kiện cho việc triển khai các máy bay trực thăng quân sự và máy bay tiêm kích, cường kích chiến trường.
Các hệ thống vũ khí, trang thiết bị, khí tài điện tử, vô tuyến mới, bao gồm hệ thống kiểm soát không lưu, cũng được triển khai đến căn cứ này. Một số các tổ hợp Pantsir-S2 (pháo – tên lửa phòng không tầm gần) được bố trí trên căn cứ và các khu vực then chốt, các đơn vị hậu cần kỹ thuật, bốc xếp và phục vụ cho máy bay vận tải phản lực hạng nặng Antonov An-124 sẽ được tổ chức và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Tất cả những kế hoặch gia tăng sức mạnh không quân trong tương lai gần của quân đội Nga ở nước ngoài đều bắt đầu bằng việc Không quân Nga được phép khai thác sử dụng căn cứ không quân ở nước sở tại, và lân cận quanh Syria.
Ngày 16.08.2016, máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 bắt đầu tiến hành các cuộc không kích đầu tiên từ căn cứ không quân Iran. Ngày 15.08.2016, Al-MasdarNews công bố những bức ảnh máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-22M3 đã được triển khai trên sân bay.
Căn cứ không quân Hamadan được quân đội Nga sử dụng vào ngày 23.11.2015 khi một máy bay Nga Su-34 "Fullback" hạ cánh và đỗ tại sân bay này hai ngày, nguồn tin được xác định bởi các nhà phân tích. Một máy bay vận tải Il-76 cũng đã hạ cánh tại căn cứ này 24.11 và sau đó đã cất cánh khỏi căn cứ.
Triển khai các máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-22M ở Iran là một bước tiến quan trọng làm thay đổi tình hình chính trị quân sự ở Syria và cả Trung Đông.
Moscow và Tehran bắt đầu hợp tác sâu sắc hơn về các vấn đề quan trọng trong khu vực. Điểm đặc biệt là, Iran là quốc gia mà tại đất nước này, vẫn đề độc lập được đưa lên cao hơn trên bất cứ điều gì khác. Vấn đề các máy bay Nga có triển khai lâu dài tại nước cộng hòa Hồi giáo này hay không vẫn còn là câu hỏi.
Trong mọi trường hợp, sự phát triển tình hình chính trị quân sự trong khu vực cho thấy Moscow sẽ không làm dịu lập trường chống khủng bố và tiếp tục gia tăng áp lực quân sự lên các tổ chức vũ trang bất hợp pháp do phương Tây hậu thuẫn ở Syria cho đến khi chấm dứt hoàn toàn những hoạt động này.
NT