Lạm phát năm nay sẽ ở mức rất cao, và có thể vượt qua mức giới hạn 5% mà Chính phủ đề ra, đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, có 6 yếu tố sẽ tác động đến mức tăng cao của lạm phát, gồm:
- Tăng giá dịch vụ y tế lần 2 (dự kiến vào tháng 7), sau đợt tăng giá dịch vụ vào tháng 3 vừa qua.
- Tăng học phí vào năm học mới 2016 – 2017 vào tháng 9, sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối năm nay
- Xăng dầu thế giới hiện đã có hướng tăng trở lại. Xăng dầu mới đây đã có đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2016, nhưng kỳ tăng này chưa trùng với kỳ tính giá CPI nên chưa có tác động nhiều trong chỉ số lạm phát tháng 3. Từ tháng sau, giá xăng dầu dự kiến tăng và sẽ có tác động.
- Các mặt hàng tiêu dùng như sắt thép, mì chính (bột ngọt) cũng sẽ tăng giá. Bộ Công thương mới đây đã có quyết định về việc sử dụng các biện pháp phòng vệ tạm thời đối với một số mặt hàng, qua đó tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng phôi thép, thép dài, mì chính.
Việc ban hành thuế tự vệ đối với thép và mì chính thời gian vừa qua vào các ngày đầu tháng (ngày 7 và 10/3), với độ trễ của tác động chính sách, việc áp dụng thuế này sẽ tác động vào CPI cả nước trong thời gian tới
- Nhu cầu về vốn cho nền kinh tế tăng có thể gây áp lực tăng về lãi suất, dẫn đến tăng giá tiêu dùng nói chung.
- Giá gạo đã tăng lên trong tháng vừa rồi do nhu cầu thu gom gạo cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thời gian qua có những đợt thiên tai như rét đậm rét hại, xâm nhập mặn … nên việc trồng lúa bị ảnh hưởng nhiều. Việc này ảnh hưởng đến cả năng suất lẫn sản lượng lúa nên giá lúa gạo thời gian tới sẽ tăng.
Theo Tri thức trẻ