Kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tổng chỉ huy quân đội Pháp thừa nhận: “Đối phương cao hơn chúng ta”!

VietTimes -- Navarre thấy rõ trong khi cuộc chiến tranh của phía Việt Nam là cuộc chiến tranh tổng hợp và tổng lực, được người dân tham gia một cách toàn diện, thì đối với nước Pháp, chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh nửa vời, không được dư luận quan tâm và ủng hộ. 
Tướng Pháp -- Henri Navarre
Tướng Pháp -- Henri Navarre

Phần 4: Paris những ngày tang tóc

Tuy không được xếp ngang hàng với Leclerc và de Lattre de Tassigny, song Henri Eugène Navarre (1898-1983) vẫn là một danh tướng của nước Pháp. Tốt nghiệp Trường võ bị Saint Cyr danh giá, trong cuộc đời binh nghiệp, Navarre từng chỉ huy sư đoàn Constantine ở Algeria, Tổng tham mưu trưởng Lục quân khối NATO.

Khi Navarre được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (7/5/1953) thay cho Raoul Salan nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc đàm phán trên thế mạnh, báo chí nước ngoài đã ca ngợi ông ta như một người có thể “uốn nắn lại tình hình Đông Dương…”. Và vị tướng 4 sao cũng tuyên bố đầy tự tin: “Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến thắng (ở Việt Nam) giống như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Tuy nhiên, với việc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, Kế hoạch Navarre bị phá sản hoàn toàn và cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi. Năm 1955, Navarre nghỉ hưu và xuất bản cuốn Đông Dương hấp hối, trong đó bào chữa, thanh minh, đổ lỗi thất bại của ông ta cho cấp trên và những người tiền nhiệm. Đến năm 1979, Navarre lại cho ra đơì̀ cuốn Thời điểm của những sự thật. Mặc dù chưa nói hết “sự thật”, nhất là vẫn còn lảng tránh, không nói kỹ về trách nhiệm của mình, tuy nhiên, cuốn sách cũng đã nêu những nguyên nhân chủ yếu khiến nước Pháp bại trận tại Việt Nam.

Trước hết, Navarre thấy rõ trong khi cuộc chiến tranh của phía Việt Nam là cuộc chiến tranh tổng hợp và tổng lực, được người dân tham gia một cách toàn diện, thì đối với nước Pháp, chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh nửa vời, không được dư luận quan tâm và ủng hộ. Trong khi nhân dân Việt Nam đồng tâm nhất trí chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc thì tâm trạng chung của giới chính khách cũng như tướng lĩnh ở Paris là nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc chiến, nhưng thoát ra như thế nào thì họ lại bất đồng.

Trong khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nhà nước bền vững, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ chính trị duy nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tổng chỉ huy duy nhất của lực lượng vũ trang, thì về phía Pháp, đến ngày Navarre nhậm chức, 19 chính phủ kế tiếp nhau ở Paris đã đưa sang Đông Dương 6 Cao ủy và 7 Tổng chỉ huy. Trong khi Việt Minh huy động được sức mạnh của toàn dân vào cuộc kháng chiến thì người dân Pháp chán ghét cuộc chiến tranh bẩn thỉu đến mức quân tăng viện cho Đông Dương phải lên đường vào ban đêm, quan tài đựng xác lính chết trận đưa về nước phải giấu giếm, máu quyên góp ở Pháp không được dùng cứu chữa cho lính Pháp bị thương ở Đông Dương… “Nếu gặp khó khăn nghiêm trọng, tôi hoàn toàn không có được một hậu phương vững chắc ở nước Pháp để trông cậy”.

 

Trong khi đối phương là một quân đội thống nhất về mục tiêu chính trị rõ ràng thì về phía Pháp, quân đội là một mớ hỗn độn các dân tộc và chủng tộc. Cuộc chiến được khoán trắng cho những người lính nhà nghề và những người lính đánh thuê mà không được biết tại sao họ phải chiến đấu.

Quân đội của tướng Giáp được xây dựng theo “một hình chóp nón sống” mà đáy của nó bám rễ sâu trong nhân dân. Tầng dưới của tháp là dân quân du kích, đối thủ vô hình chiến đấu tại chỗ, nơi nào cũng có. Tầng giữa là bộ đội địa phương, trình độ chiến đấu và trang bị ngày càng cải thiện. Đỉnh tháp là bộ đội chính quy không bị giam chân giữ đất nên rất cơ động, là chủ bài đích thực của Việt Minh.

Trong khi đó quân Pháp, một bộ phận quan trọng không thể rút chân khỏi nhiệm vụ chiếm đóng, giữ đất, còn ưu thế về không quân, pháo binh và xe tăng chỉ phát huy đầy đủ uy lực “trong một loại chiến tranh khác”. Chưa hết, phía Pháp có quá nhiều mục tiêu để đối phương tiến công, trong khi đối phương hầu như không có một mục tiêu nào rõ rệt cả.

Trên cơ sở đó, viên bại tướng bốn sao thừa nhận, phía Pháp chưa bao giờ đánh giá đúng giá trị đích thực của cái ưu thế quyết định – ưu thế có được do chế độ của Việt Nam so với chế độ của Pháp. “Trên mọi phương diện, sự kết hợp giữa chính trị, quân sự đã được Việt Minh tiến hành với một sự khéo léo bậc thầy; đối phương tất cả đều luôn luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ”.