GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - là người may mắn khi có nhiều năm được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, trong những ngày cả nước tiếc thương trước sự ra đi của người cộng sản mẫu mực Nguyễn Phú Trọng, VietTimes đã cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết ôn lại những kỷ niệm đẹp về Tổng Bí thư.
Thưa giáo sư, những năm tháng giáo sư làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những ấn tượng gì về Tổng Bí thư?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thực sự xúc động khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi. Đó là một người mà tôi rất kính trọng, bởi phẩm chất liêm khiết, khoan hoà, chân thành và cũng rất bản lĩnh.
Tôi thấy mình may mắn khi từng được làm việc dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở hai đơn vị. Đó là khi tôi làm đại biểu Quốc hội Khoá XI và XII, lúc đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội (từ năm 2006 đến đến năm 2011) và lần thứ hai khi tôi là thành viên Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XI, mà Tổ trưởng Tổ Biên tập là đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ông là một nhà lãnh đạo mẫu mực, chân thành, cởi mở với cán bộ cấp dưới, với cử tri, với nhân dân và đặc biệt tôn trọng nguyên tắc dân chủ.
Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm tháng cùng công tác ở Quốc hội?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là người tôn trọng nguyên tắc làm việc và rất dân chủ. Trong suốt 5 năm làm việc dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, có nhiều dự án, nhiều vấn đề nổi cộm với những ý kiến trái chiều gay gắt, nhưng tôi không hề thấy ông hạn chế quyền phát biểu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp có những ý kiến chưa hoàn thiện thì ông chỉ nhắc nhở khéo léo và tinh tế.
Trong quá trình làm văn kiện Đại hội XI của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặt những câu hỏi sâu sắc, mang tính gợi mở để mọi người cùng thảo luận. Khi thảo luận, ông không bao giờ áp đặt ý kiến chủ quan cho mọi người.
Ông thường nói với chúng tôi: Các đồng chí hãy phát huy hết hiểu biết, sáng kiến của mình và mạnh dạn đề xuất, không có ai chụp mũ các đồng chí đâu. Chính sự động viên đó của ông đã truyền cảm hứng và động lực cho chúng tôi để đề xuất nhiều ý kiến thiết thực.
Các ý kiến đóng góp vào Văn kiện rất đa dạng, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều lắng nghe, chắt lọc. Để rồi, Dự thảo Văn kiện Đại hội XI đã lần đầu tiên đưa hai chữ “dân chủ” lên trước bốn chữ “công bằng, văn minh”: “Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhấn mạnh yêu cầu “dân chủ”, ghi một dấu ấn trong con đường phát triển của đất nước.
Trong cuộc đời mình, chính ông đã là người lãnh đạo thực thi một cách mẫu mực tinh thần dân chủ.
Trên nghị trường khi đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết luôn có tiếng nói phản biện mang tính khoa học, vì sự phát triển của đất nước. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có ủng hộ ông?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Trước mỗi quyết định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, đều xin ý kiến các đại biểu Quốc hội một cách dân chủ.
Khi Quốc hội xem xét dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, có nhiều ý kiến không đồng tình vì dự án chuẩn bị chưa kỹ, chưa phù hợp với tình hình kinh tế đất nước lúc đó. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy phiếu thăm dò, tỷ lệ không đồng ý rất cao, nhưng báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thảo luận trước khi Quốc hội biểu quyết lại có chỗ chưa phản ánh đúng.
Vì thế, tôi đã ngồi tại hội trường viết một bức thư, phản ánh tình hình với Chủ tịch Quốc hội. Khi đưa thư, tôi nói thêm rằng: “Thưa anh, có nhiều đại biểu phát hiện báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chỗ chưa chính xác, đề nghị anh cho rà soát lại.”
Nghe tôi nói thế, nhiều người đang ngồi cạnh Chủ tịch hết sức ngạc nhiên nhưng Chủ tịch vẫn vui vẻ nhận thư. Sau đó, ông đưa ý kiến trên ra để Thường vụ Quốc hội sửa báo cáo, tổ chức bỏ phiếu ở Quốc hội và lần đó, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã không được thông qua.
Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy đã thể hiện đúng tác phong của ông là rất tôn trọng đại biểu, làm việc dân chủ, cẩn trọng, có nguyên tắc, nhưng cũng rất thoải mái, dễ gần.
Giáo sư luôn ca ngợi sự liêm chính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc của VietTimes một vài kỷ niệm?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Hồi làm việc ở Quốc hội, hằng ngày đến cơ quan, việc đầu tiên của tôi là lấy thư báo để đọc, xử lý công việc. Một lần, thấy thiệp cưới con trai Chủ tịch Quốc hội nhưng lễ cưới đã quá mấy ngày rồi, tôi vội gọi anh Nguyễn Huy Đông, thư ký Chủ tịch Quốc hội, hỏi sao Văn phòng lại chuyển thư từ chậm thế. Anh Đông cười bảo tôi đấy là thiệp báo hỷ chứ không phải là thiệp mời. Tôi ngạc nhiên: “Nhưng sao cưới được mấy ngày rồi, tôi mới nhận được thiệp báo hỷ?” Anh Đông bảo: “Anh Trọng dặn cưới xong mới được gửi thiệp báo hỷ cho các anh. Cả Quốc hội, anh ấy chỉ mời có 2 người thôi, còn lại đều gửi báo hỷ hết”.
Câu chuyện nhỏ nhưng đã cho tôi thấy rõ tính liêm khiết là phẩm chất thường trực của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trở thành thái độ ứng xử đúng đắn trong mọi việc. Tôi nghĩ, chỉ một hành động nhỏ ấy của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đủ làm gương cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao. Phải làm sao để ngăn chặn tất cả những cơ hội mà người khác có thể lợi dụng đưa tiền nong, quà cáp, đấy mới là người có tầm nhìn và thực sự liêm khiết.
Khi tôi làm việc ở Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận được tin người chị cả của đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất, chúng tôi có đến viếng. Đây là người chị mà tôi biết rằng vô cùng quan trọng với ông. Đến nơi, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nơi người chị gái Chủ tịch Quốc hội ở chỉ là một căn nhà ngói đơn sơ, trên diện tích đất khá nhỏ.
Ngạc nhiên là bởi, ông từng là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nếu muốn thì đã có thể tác động để địa phương cấp đất cho chị mình nhiều hơn. Thậm chí, ở cương vị ấy, nhiều người chỉ cần “bật đèn xanh”, địa phương cũng sẵn sàng tạo điều kiện. Nhưng hẳn là ông không cho phép nên mới thế.
Những câu chuyện đời thường mà tôi được chứng kiến, khiến tôi rất khâm phục ông - một nhà lãnh đạo thực sự liêm khiết, trong sáng, không để người khác tiếp cận bằng của cải vật chất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người rất chân tình. Có lần, sau buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chúng tôi dự tiệc đứng ở sảnh Nhà khách Chính phủ (số 35 Hùng Vương). Tôi vô tình đứng cạnh Chủ tịch Quốc hội và bất ngờ thấy ông quay sang hỏi tôi: “Thế cái đường ở quê chú đã làm xong chưa?”.
Quả thực câu hỏi của ông làm tôi rất ngạc nhiên, vì không nghĩ ông có thể nhớ được cả quê của mình ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội - nơi có một con đường đang làm dở dang khi ông chuyển từ vị trí Bí thư Thành uỷ Hà Nội lên làm Chủ tịch Quốc hội. Vì tôi cũng chỉ là một trong số 500 đại biểu Quốc hội, không quá gần gũi, thân tình với ông.
Nhưng câu hỏi của ông đã giúp tôi hiểu rằng, ông luôn có sự quan tâm chân thành đến người khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được dân chúng kính trọng vì đã giương cao ngọn cờ chống tham nhũng suốt nhiều năm qua với quan điểm “không có vùng cấm”. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi động cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất kịp thời. Bởi vì, tham nhũng đục khoét tài sản của đất nước và làm giảm lòng tin của người dân, không ngăn chặn được kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
Tổng Bí thư phải là người trong sạch, không tì vết và rất bản lĩnh mới dám làm và mới làm được như vậy. Chống tham nhũng rất cần bản lĩnh và sự dũng cảm, vì chống tham nhũng là chống lại những người dày dạn kinh nghiệm, đầy thế lực nên nhiều áp lực và rất nguy hiểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để làm trong sạch Đảng, Nhà nước, trong sạch xã hội với mục đích chấn chỉnh kỷ cương, để Đảng tiếp tục xứng đáng với vai trò lãnh đạo, tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân, xây dựng đất nước hùng cường, xã hội, thật sự dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, tôi cho rằng đã có sự đổi mới căn bản về cách tổ chức, phương pháp phòng chống tham nhũng. Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chức năng phòng chống tham nhũng được giao cho Ban chỉ đạo Trung ương và các ban chỉ đạo của cấp uỷ địa phương, cơ sở về phòng chống tham nhũng. Đó là một đổi mới căn bản và điều đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trước đây, chúng ta từng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Khi Quốc hội khoá XI bàn về Luật Phòng chống tham nhũng, tôi từng có ý kiến rằng không thể giao cho người ta tự kiểm tra, phát hiện tiêu cực việc người ta làm, vì như thế là bất cập, trái khoáy. Thực tế kể từ khi hoạt động phòng chống tham nhũng được giao trực tiếp cho Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng thì kết quả khác hẳn. Đó là cách làm sáng suốt, mang đậm dấu ấn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tôi luôn nghĩ Đảng ta, Nhân dân ta, Tổ quốc ta thật may mắn khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng xuất hiện kịp thời. Trong gần ba nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn và vững chắc trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Di sản đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rất lớn. Mong rằng các đồng chí tiếp nối cương vị Tổng Bí thư nói riêng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung sẽ tiếp tục sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, noi theo tấm gương sáng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thực hiện thành công Đổi mới, đưa “dân tộc ta bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cám ơn giáo sư!