Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn về vụ nổ ở cảng Beirut

VietTimes – Được tin hai vụ nổ liên tiếp tại cảng Beirut, thủ đô Lebanon ngày 4/8 làm ít nhất 78 người chết, gần 4.000 người bị thương, nhiều người bị mất tích và gây thiệt hại lớn về tài sản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 5/8 đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống nước Cộng hòa Lebanon Michel Aoun.
Một góc của thủ đô Beirut, Lebanon tan hoang sau vụ nổ kinh hoàng (Ảnh: NYTimes)
Một góc của thủ đô Beirut, Lebanon tan hoang sau vụ nổ kinh hoàng (Ảnh: NYTimes)

Một số quốc gia và tổ chức trên thế giới cũng đang đề nghị hỗ trợ đất nước Lebanon sau sự kiện thảm kịch xảy ra vào tối ngày 4/8.

Trước đó, chiều tối ngày 4/8, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại khu cảng của thủ đô Beirut, Lebanon, khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Vụ nổ lớn đến mức có thể cảm nhận được ở Cyprus, cách đó khoảng 240 km. Vụ nổ làm hư hại nhiều tòa nhà trong khu vực cảng, gần với trung tâm thành phố. Hiện chưa rõ số người đang bị mắc kẹt bên trong đống đổ nát.

Các nhà điều tra tin rằng 2.700 tấn ammonium nitrate - chất hóa học sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp - đã bắt lửa và gây ra vụ nổ. Để so sánh, máy bay ném bom khủng bố ở thành phố Oklahoma, Mỹ vào năm 1995 đã sử dụng 2 tấn hóa chất này, khiến 168 người thiệt mạng và phá hủy một tòa nhà liên bang. Nhiều người cho rằng chính phủ Lebanon đã không quản lý tốt lượng chất hóa học này, khiến thảm họa xảy ra.

Hiện có nhiều quốc gia đang hỗ trợ Lebanon sau thảm kịch. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến thăm Lebanon trong ngày hôm nay (6/8), và chính phủ của ông đã cử các đội nhân viên cứu hộ, gửi trang thiết bị y tế cùng một phòng khám di động tới nước này.

Ai Cập cũng thiết lập một bệnh viện dã chiến ở thủ đô Beirut với sự hỗ trợ của Đại sứ quán của họ tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các đội nhân viên y tế tới Lebanon, cùng các trang thiết bị y tế cần thiết. Nước này cũng đang thiết lập một bệnh viện dã chiến ở Beirut; theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Israel cũng đề nghị hỗ trợ Lebanon thông qua Pháp và Liên hợp quốc. Israel và Lebanon vốn thiếu quan hệ ngoại giao và xét về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, bởi vậy động thái này rất đáng chú ý.

Một số thực thể phi nhà nước cũng đang tiếp nhận các khoản tiền đóng góp từ cá nhân để giúp đỡ người dân Lebanon, trong đó bao gồm tổ chức Chữ Thập đỏ Lebanon và Impact Lebanon.

Vụ nổ vừa qua được xem là thảm kịch chưa từng có tiền lệ, ngay cả với Lebanon, một quốc gia đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và Chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006. Khoảng 300.000 người đã mất nhà sau vụ nổ; phát ngôn viên của tổ chức nhân đạo Mercy Corps nói với hãng Al-Monitor.