Tomahawk Mỹ tấn công Syria bị “mất thiêng“: Nga phù phép hay đòn tâm lý chiến?
Tiệp Nguyễn
VietTimes -- Đồng tác giả của cuốn sách "Ngày 11.9: Sự thật cuối cùng" Joe Quinn đã phân tích sức tàn phá của tên lửa Tomahawk và những mục tiêu tại Syria mà Mỹ thông báo đã triệt hạ thành công. Ông kết luận hoặc Mỹ đã không thông báo toàn bộ sự thật về năng lực yếu kém của tên lửa Tomahawk hoặc số lượng mục tiêu tại Syria nhiều hơn 3 địa điểm, RI cho biết.
Trong suốt thế kỷ 20, khả năng của Mỹ để thể hiện quyền lực và thống trị nền địa chính trị toàn cầu dựa vào nhận thức của mọi người rằng Mỹ là một đội quân mạnh nhất thế giới. Trong hầu hết các trường hợp, mối đe dọa của năng lực quân sự này đủ để "làm cho mọi thứ xong xuôi" theo cách của người Mỹ hay phương Tây.
Việc duy trì niềm tin rộng lớn về sự nổi trội của quân đội Mỹ là một điều rất quan trọng với giới quyền uy của Mỹ và mọi điều có thể phơi bày một sự thật khác cần phải bị loại trừ bằng mọi giá. Khi quân Mỹ và phương Tây phô diễn khả năng, họ cần thiết đưa ra một chiến dịch tuyên truyền và truyền thông được sắp đặt cẩn thận về kết quả thực hiện, bao gồm cả những lời dối trá công khai về hiệu quả của kỹ thuật quân sự đã được sử dụng. Điều này hoàn toàn không gây ngạc nhiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố: "Toàn bộ các cơ sở nghiên cứu, lưu trữ và sản xuất vũ khí hóa học của Syria đã bị triệt hạ thành công".
Trong cuộc chiến vùng vịnh lần thứ nhất năm 1990, hiệu quả của tên lửa Patriot Mỹ tại Israel, Ả rập Xê-út và Kuwait trong việc bắn hạ tên lửa Scud của Iraq đã được tán dương bởi truyền thông và các quyền lực phương Tây. Người ta đã công bố tỷ lệ thành công của Patriot đạt tới 95%. Sau đó, tổng thống George Bush tuyên bố kỷ lục của Patriot là "gần như hoàn hảo".
Những năm sau này, quân đội Mỹ đã giảm tỷ lệ này xuống còn 79% trên bầu trời Ả rập Xê-út và 40% tại Israel. Theo báo cáo của Văn phòng Tổng kiểm toán Mỹ đã kết luận tên lửa Patriot chỉ hạ được 9% số lượng tên lửa Scud khi đối đầu. Lực lượng phòng vệ Israel tính toán tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của Patriot chỉ đạt 2%.
Vào đêm ngày 25.1.1991 tại Tel Aviv, ba quả tên lửa Patriot đã được phóng lên bầu trời sau đó rơi xuống mặt đất và phát nổ. Hai trong số chúng đã rơi vào khu vực dân sự và báo Israel Ma'ariv thông tin vào thời điểm đó có 1 người Israel thiệt mạng, 44 người khác bị thương và một vài tòa nhà bị phá hủy. Sự cố này, cùng 1 vài vụ khác đã khiến nhà khoa học vũ khí của MIT ông Ted Postol trong phiên điều trần trước quốc hội đã nói rằng: "Có thể nói nếu chúng ta không đánh chặn tên lửa Scud thì mức độ thiệt hại đã không tồi tệ như thực tế".
Trong một phim tài liệu được phát trên truyền hình Israel vào năm 1993, Bộ trưởng Quốc phòng Israel thời kỳ chiến tranh vùng vịnh là ông Moshe Arens, tổng tham mưu trưởng của lực lượng phòng vệ Israel - tướng Dan Shomron và Haim Asa thành viên của đội kỹ thuật Israel chuyên làm việc với tên lửa Patriot trong cuộc chiến, tất cả đều gạt bỏ hệ thống Patriot. Tướng Shomron coi thành tích của Patriot là "một sự hoang đường". Ông Asa gọi nó là "một trò đùa". Tất cả đều nhất trí với một bản báo cáo của Không lực Israel năm 1991 kết luận: "Không có bất cứ bằng chứng nào của một vụ đánh chặn thành công" mặc dù có "chứng cứ gián tiếp cho một vụ có thể đã đánh chặn thành công".
Điểm này chỉ ra, Mỹ đã có một sự dối trá trong thời gian dài về hiệu quả tên lửa của họ.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu ngầm.
Sau khi bắn hơn 100 quả tên lửa hành trình các loại vào những mục tiêu tại Syria ngày 14.4, tổng thống Trump đã tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn tất" và đưa lên dòng tweet "một vụ tấn công được thực hiện hoàn hảo". Quan chức của Lầu Năm Góc cũng tuyên bố không có tên lửa nào trong 105 tên lửa của liên quân bị bắn rơi bởi những hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô của Syria. Cuộc tấn công "chính xác và áp đảo" và phòng không Syria "không có hiệu quả trên quy mô lớn".
Một điểm quan trọng mà truyền thông tuyên truyền về cuộc tấn công quên mất là chỉ có 3 địa điểm là mục tiêu bị nhắm tới. Hay ít nhất đó là câu chuyện chính thức được kể. Thượng tướng Kenneth F. McKenzie tuyên bố với báo giới vào 14.4 là mục tiêu chính trong chiến dịch là Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh tại vùng Damascus. Có tổng cộng 76 tên lửa bao gồm 57 tên lửa Tomahawk đã bắn vào cơ sở này. Ông cũng nói 22 tên lửa khác bắn vào cơ sở chứa vũ khí hóa học gần thành phố Homs và khoảng 7 tên lửa vào một hầm chứa vũ khí hóa học ở cùng địa điểm.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, tướng Joseph Dunford đã xác nhận chỉ có 3 mục tiêu bị tấn công bao gồm cả trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh tại Damascus mà ông nói nó được sử dụng để nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thử nghiệm vũ khí hóa học, một cơ sở ở phía tây thành phố Homs được Mỹ cho rằng là trung tâm sản xuất khí sarin và một trụ sở chỉ huy gần cơ sở thứ nhất.
Trường HIAST địa điểm được Mỹ cho là cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học.
"Trung tâm nghiên cứu khoa học" Barzeh không thật sự là một trung tâm nghiên cứu khoa học. Đầu tiên và trước hết đó là một trường đại học có tên là Học viện cấp cao về kỹ thuật và khoa học ứng dụng (HIAST): "HIAST được thành lập năm 1983. Mục tiêu của nó là đào tạo chuyên môn cho các cá nhân để thực hiện các nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật và khoa học để họ có thể tham gia tiến trình kinh tế và khoa học tại Syria. HIAST cung cấp cơ hội để tạo nên những bước phát triển trong việc nghiên cứu ứng dụng bằng cách tham gia các khóa học để đạt được chứng chỉ kỹ sư, thạc sĩ hay tiến sĩ".
Ngoài việc thông tin tuyến bố của chính phủ Mỹ trường đại học này có chứa cơ sở vũ khí hóa học, giới truyền thông còn đăng tải lại những hình ảnh khu vực trước và sau khi bị tấn công bằng tên lửa. Những hình ảnh này được chính phủ Mỹ cung cấp cho truyền thông.
Trường HIAST trước vụ tấn công.
Có thể những tấm ảnh vệ tinh chất lượng thấp này được truyền thông ưa chuộng vì nó tạo ra một khoảng cách giữa độc giả và sự thật mà họ đang nhìn vào nhưng điều khó hiểu là tại sao truyền thông phương Tây không tự tìm hiểu HIAST qua Google Maps.
Trường HIAST sau vụ tấn công.
Dưới đây là hình ảnh tổng thể về khu vực đại học HIAST từ Google Maps, có thể thấy nó nằm ở vành ngoài quận Barzeh của Damascus. "Phòng nghiên cứu vũ khí hóa học" một phần của trường bị tên lửa Mỹ tấn công được khoanh màu đỏ.
Khu vực trường được khoanh màu đỏ.
Còn trong video dưới là một nhóm người đang ở bên ngoài "những tòa nhà chứa vũ khí hóa học" 24 giờ sau khi địa điểm này bị tấn công bằng 76 tên lửa hành trình. Hãy lưu ý rằng họ không mặc đồ bảo hộ, phòng độc.
Tiếp tục theo dõi khu vực tòa nhà bị tấn công. 76 quả tên lửa hành trình mỗi quả mang theo đầu đạn gần 500kg đã tấn công 3 tòa nhà mà chỉ phá hủy được chúng một phần, tổng cộng với 35 tấn thuốc nổ chất lượng cao. Để so sánh, dưới đây là một video 9 quả bom 500kg đánh trúng một tòa nhà có bề mặt gần như khu vực tòa nhà HIAST:
Tờ Independent của Anh đã thông tin về vụ tấn công bằng tên lửa hành trình với tiêu đề: "Hình ảnh cho thấy những tòa nhà bị phá hủy và đổ nát do không kích Syria" nhưng sau đó đưa ra 13 hình ảnh của cùng những tòa nhà đổ nát của HIAST tại ngoại ô Barzeh của Damascus. Liệu điều này có phải là bằng chứng "ấn tượng" duy nhất mà họ có với những tuyên bố mơ hồ của chính phủ Mỹ?
Theo Saeed Saeed, người đứng đầu viện nghiên cứu và phát triển công nghiệp hóa dược, khu vực trường HIAST bị tấn công trước đây được sử dụng bởi Tổ chức chống sử dụng vũ khí hóa học OPCW nhưng hiện tại được sử dụng để sản xuất dược phẩm.
Ông nói: "Kể từ khi khủng hoảng Syria nổ ra, đất nước thiếu nhiều loại thuốc do các lệnh trừng của những nước phương Tây. Các công ty nước ngoài dừng xuất khẩu thuốc chất lượng cao tới Syria, đặc biệt là thuốc chống ung thư. Vì thế chúng tôi phải tổ chức nghiên cứu các loại thuốc chống ung thư tại đây và 3 loại thuốc chống ung thư đã được phát triển".
Điều này gần giống như năm 1998 vào thời của tổng thống Bill Clinton, tên lửa hành trình đã tấn công một nhà máy dược phẩm tại Sudan.
Hai khu vực khác bị tên lửa hành trình Mỹ tấn công nằm ở phía tây thành phố Homs. Một "trung tâm sản xuất khí sarin" và một "trụ sở chỉ huy" hay một "boongke".
Và dưới đây là những ảnh trước và sau không cận cảnh với những ảnh vệ tinh hơi mờ của 2 địa điểm trên do giới truyền thông (chính phủ Mỹ) cung cấp. Dưới đây là "trung tâm sản xuất khí sarin":
Địa điểm "sản xuất khí sarin" phía tây thành phố Homs trước vụ tấn công.
Địa điểm "sản xuất khí sarin" phía Tây thành phố Homs sau vụ tấn công.
Có 4,5 hố bom trên mặt đất và 3 tòa nhà nhỏ biến mất. Tiếp tục tới vị trí cuối trong 3 mục tiêu. "Trụ sở chỉ huy" cách địa điểm ở ảnh trên vài km.
Boongke trước vụ tấn công.
Boongke sau vụ tấn công.
Có vẻ như tên lửa chỉ tác động ở phần bên trái của mục tiêu. "Boongke" vẫn còn nguyên.
Nếu so sánh với các video trên chỉ cần ném 9 quả bom 500kg vào tòa nhà của đại học HIAST, tiếp theo 5 quả vào "cơ sở sản xuất khí sarin" ở phía Tây thành phố Homs và 1 quả nữa vào "boongke". Như vậy sẽ có 15 lần tấn công thành công dựa theo ảnh và tuyên bố của chính quyền Mỹ về 3 mục tiêu bị tấn công.
Để công bằng và khách quan hơn, dưới đây là những báo cáo của chính phủ Syria về căn cứ không quân Mezzeh ở phía Nam của Damascus cũng bị tấn công bởi tên lửa hành trình. Video được xuất bản bởi Ruptly:
Không có thiệt hại nào trong video trên nhưng có thể chúng ta cho rằng những thiệt hại đáng kể không nằm trong tầm ngắm của camera. Nhưng hãy thêm 10 quả tên lửa hành trình nữa đánh vào căn cứ để tổng số lên thành 25 quả. Dù 10 quả tên lửa đó sẽ chỉ đánh vào một số địa điểm trống rỗng tại Homs hoặc ngoại ô Damascus. Như vậy, có tối đa 35 quả tên lửa có hiệu quả trong tổng cộng 103 quả. Vậy câu hỏi đặt ra là điều gì xảy ra với số tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của ông Trump?
Người Nga có câu trả lời. Theo dữ liệu radar của họ trong sự kiện, có 6 căn cứ không quân và sân bay bị tấn công. Tại sao Lầu Năm Góc không đưa những địa điểm này vào trong báo cáo?
Căn cứ không quân Duwali - 4 tên lửa tấn công, 4 bị bắn hạ
Căn cứ không quân Dumayr - 12 tên lửa tấn công, 12 bị bắn hạ
Căn cứ không quân Baley - 18 tên lửa tấn công, 18 bị bắn hạ
Căn cứ không quân Shayrat - 12 tên lửa tấn công, 12 bị bắn hạ
Căn cứ không quân Marj Ruhayyil - 18 tên lửa tấn công, 18 bị bắn hạ
Sân bay quốc tế Damascus - 4 tên lửa tấn công, 4 bị bắn hạ
Nếu những thông tin trên là thật chúng ta có lý do chính đáng để tin vào những phân tích ở trên, và chúng ta cần cân nhắc về khả năng chính phủ Mỹ đã tấn công ít nhất 10 mục tiêu bằng tên lửa hành trình. Sau khi những tên lửa tấn công (một số tên lửa cần tới 2 giờ bay để tiếp cận mục tiêu), rất nhiều trong số chúng đã bị bắn hạ buộc Mỹ phải hạ thấp kế hoạch của họ trong tuyên bố với giới truyền thông về việc bao nhiêu địa điểm bị tấn công.
Nhưng lại có một vấn đề tiếp theo nảy sinh. Làm sao để phân bổ hơn 100 tên lửa trên tập kích 3 địa điểm cho có vẻ đáng tin? Liệu họ có nên chia nó đều ra con số 33 ở HIAST và 33 tên lửa ở mỗi địa điểm còn lại? Nhưng liệu những thiệt hại phơi bày có khớp với số lượng tên lửa theo báo cáo? Hai địa điểm ở Homs sẽ có vấn đề bởi nó nằm trong khu vực đất trang trại và những ngôi nhà ở đó quá nhỏ để có thể che đậy vụ việc. Và chỉ có một địa điểm có thể làm điều đó: HIAST với 3 tòa nhà cao tầng sẽ chiếm phần lớn nhất trong số tên lửa bị biến mất - với con số chính xác là 76.
Với mức độ làm thông tin sai lệch tới mức gây sốc của Pháp Anh Mỹ và những mụ mị xung quanh vụ tấn công gần đây nhất vào Syria - tất cả lại được truyền thông báo chí phương tây nhắc lại liên tục. Họ đã không chú ý tới một điều hiển nhiên là việc tấn công phá hủy những cơ sở bị tình nghi là lưu trữ và sản xuất vũ khí hóa học trong khu vực đông dân cứ có thể gây nguy hiểm cho dân thường và có thể là một tội ác chiến tranh. Và có thể người Mỹ đang nói dối. Có thể họ đã biết rằng những mục tiêu đó không hề có vũ khí hóa học như cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có dòng tweet vào năm 2014:
Ngày hôm nay 8% số vũ khí hóa học cuối cùng đã được chuyển khỏi Syria. Một công việc tuyệt vời được thực hiện bởi tất cả những bên liên quan.
Có thể họ đã biết rất ít trong số tên lửa "mới, đẹp và thông minh" tới được mục tiêu của chúng. Và vào ngày 14.4, sự "sốc và kinh hoàng" không đến với Syria mà tới phòng họp của Lầu Năm Góc.
Cuộc xung đột Syria là một phần của một cuộc xung đột địa chính trị lớn hơn giữa "Đông và Tây". Nó báo hiệu một sự tái cấu trúc trật tự thế giới. Trong tình hình đó, sẽ có một cuộc chiến với những ai đang ở vị trí đỉnh cao đang mất đi những đặc quyền và vị thế mạnh mẽ. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi trong những cuộc chiến tranh là khía cạnh ồn ào của nó. Và cuối cùng, chỉ có 1 người chiến thắng duy nhất trong kết quả của những sự kiện hôm 14.4.
Sau vụ bắn 59 quả tên lửa hành trình vào căn cứ al-Shayrat ngày 7.4.2017, cổ phiếu của những nhà sản xuất tên lửa như Raytheon đã tăng giá trị lên gần 5 tỷ USD. Vì vậy, nếu thông tin thực sự những gì tên lửa Tomahawk đã làm được bị công khai, có thể cổ phiếu Raytheon sẽ mất một phần giá trị tương đương như vậy.