Ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới thăm châu Á, đặt chân lên tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) đang di chuyển trên Biển Đông. Tại đây, ông Carter đã gặp binh sĩ Mỹ và thị sác các hoạt động phóng máy bay, bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng, tiết lộ Mỹ và Ấn Độ, Philippines vừa đạt được hiệp định quân sự mới.
Chiều cùng ngày, website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng phát đi thông tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long gần đây đã tới thị sát, thăm hỏi sĩ quan binh lính, công nhân xây dựng và tìm hiểu tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan ở một số đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp).
Theo Thời báo New York, những động thái cứng rắn mới của Mỹ thể hiện trong chuyến thăm châu Á của ông Carter phát đi tín hiệu rằng Mỹ và các nước đồng minh sẽ cùng nhau ứng phó với việc Bắc Kinh không ngừng mở rộng sự có mặt tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, hành động này sẽ càng khiến Bắc Kinh lo ngại về ý đồ ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ. Đồng thời, việc Lầu Năm góc can dự nhiều hơn vào các sự vụ khu vực sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, bao gồm việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các trạm radar và đường băng trên đó.
Đối với phía Trung Quốc, hãng tin AFP cho rằng việc truyền thông chính thức của Trung Quốc chọn thời điểm ông Carter thăm tàu sân bay để phát đi thông tin tướng Phạm Trường Long thị sát Biển Đông là đòn trả đũa trực tiếp đối với cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, việc quan chức cấp cao quân đội Trung - Mỹ lần đầu tiên đi thị sát Biển Đông vào thời điểm nhạy cảm khiến cho cuộc đấu tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông tăng nhiệt, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận hơn.
Sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc không phải ngẫu nhiên. Chiến thuật mới ở đây chính là “anh tới, nhưng tôi đã đợi sẵn”.
Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, phái cứng rắn ở Trung Quốc do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân muốn thách thức vai trò bảo đảm an ninh khu vực của Mỹ, thậm chí còn hướng tới việc lật đổ các quy tắc quốc tế lấy trật tự thế giới hiện nay làm nền tảng.
Kết luận này đang chiếm ưu thế trong giới tinh hoa Washington, tiếp thêm sức cho chủ trương thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong chính giới Mỹ và Biển Đông sẽ trở thành “mắt bão” của cuộc đấu nước lớn.
Theo Tin tức